Tận dụng lợi thế để phát triển thị phần và mở rộng kinh doanh

Thị trường bán lẻ nội địa là mảnh đất 'màu mỡ' cho các nhà bán lẻ khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu đang tăng rất nhanh

Thị trường bán lẻ nội địa là mảnh đất “màu mỡ” cho các nhà bán lẻ khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao. Ảnh minh họa: Mỹ Phương – TTXVN

Thị trường bán lẻ nội địa là mảnh đất “màu mỡ” cho các nhà bán lẻ khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao. Ảnh minh họa: Mỹ Phương – TTXVN

Một dư địa khác cho thị trường bán lẻ Việt Nam tăng doanh số là những sản phẩm, dịch vụ mới. Điều này đồng nghĩa với việc tiềm năng tăng doanh thu từ phát triển sản phẩm mới của doanh nghiệp trong nước còn rất lớn.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp, hợp tác xã cần tận dụng giai đoạn này để phát triển thị phần và mở rộng kênh bán lẻ hiện đại. Chính vì vậy mà sự sôi động của thị trường bán lẻ trong nước tuy đạt được một số kết quả nhất định xong thực tế không có những đột biến như những năm trước.

Dự báo về thị trường bán lẻ 2024, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường bán lẻ nội địa là mảnh đất “màu mỡ” cho các nhà bán lẻ khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu đang tăng rất nhanh, tỷ lệ tiêu dùng so với tổng ngân sách quốc nội (GDP) của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực, trên 70%.

Hiện nay, tại Việt Nam, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị và 1 trung tâm thương mại, cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình, còn 1 nghìn dân cần 1 - 3 cửa hàng tiện lợi. Đây là những yếu tố tiềm năng và là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phân phối có thể mở rộng thị phần và có rất nhiều dư địa để phát triển.

Hợp tác xã Nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo Kon Tum là một trong những cơ sở đã linh hoạt trong việc thực hiện đa dạng hóa các kênh bán hàng. Ngoài việc bán hàng theo hình thức truyền thống tại các cửa hàng, hợp tác xã còn khai thác hiệu quả kênh thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội. Nhờ đó, hợp tác xã tăng khả năng tiếp cận khách hàng, phát triển các mối quan hệ trong kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, từ đó, mang lại doanh thu và lợi nhuận nhiều hơn.

Tương tự, Công ty TNHH Yến sào Kon Tum, luôn nỗ lực đưa hàng hóa vào tiêu thụ tại các điểm bán lẻ cố định trong cả nước, tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để có cơ hội gặp gỡ khách hàng. Bên cạnh đó, đơn vị tiến hành chào bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Việc áp dụng nhiều hình thức bán hàng này vừa tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận sản phẩm, vừa giúp doanh nghiệp đa dạng kênh tiêu thụ, tạo thuận lợi cho đầu ra của sản phẩm.

Nhận thấy nhu cầu thị trường về các sản phẩm ăn chay, Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Phước Thiện (Bình Phước) đã liên kết với doanh nghiệp phát triển hệ sinh thái thịt thực vật, thịt làm từ mít. Với thế mạnh của hợp tác xã là sản xuất mít bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên quy mô lớn, sản phẩm pate mít, thịt thực vật từ mít, nước sốt thực vật… đã được khách hàng trong nước đón nhận. Việc mở rộng sang chế biến thực phẩm ăn chay không chỉ giúp hợp tác xã giải quyết bài toán tiêu thụ mít mà còn đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho thành viên và đẩy mạnh xuất khẩu.

Nhận định từ Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, bức tranh kinh tế của Việt Nam có nhiều khởi sắc, điểm sáng đáng ghi nhận là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng liên tiếp tăng trưởng qua các tháng, tạo đà cho sản xuất của doanh nghiệp phục hồi phát triển. Đặc biệt, Chính phủ đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, nền kinh tế có những tín hiệu phục hồi tích cực là động lực cho tăng trưởng tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào đã góp phần kiểm soát lạm phát.

Việc gia tăng điểm bán, đổi mới và nâng cao chất lượng phục vụ cho thấy doanh nghiệp bán lẻ; trong đó, có nhiều ông lớn bán lẻ nước ngoài đã sớm nhìn thấy và đón đầu xu hướng bùng nổ của thị trường bán lẻ Việt Nam với tiềm năng lớn chưa được khai thác triệt để. Đây sẽ là động lực để bán lẻ nội địa hướng tới tiêu chuẩn cao hơn, bảo vệ và phát triển thương hiệu.

Khảo sát cho thấy, các nhà bán lẻ tạp hóa như WinCommerce, Bách Hóa Xanh,... đang cơ cấu lại mô hình vận hành cửa hàng để nắm bắt xu hướng mua hàng qua các kênh bán lẻ trực tuyến và hiện đại của người tiêu dùng Việt Nam, kỳ vọng tăng trưởng doanh thu vào nửa cuối năm 2024.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Tập đoàn Masan, bà Nguyễn Thị Phương, Tổng Giám đốc của WinCommerce cho biết, chuỗi đã hoàn tất tái cơ cấu và trở lại chiến lược mở rộng điểm bán. Đến cuối tháng 3, WinCommerce có 3.667 siêu thị và cửa hàng, phủ sóng toàn quốc. Cuối năm nay, chuỗi này đặt mục tiêu có hơn 4.000 cửa hàng, đồng nghĩa mỗi ngày một điểm bán mới sẽ xuất hiện. Chuỗi Bách hóa Xanh thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động cũng đã mở mới 2 cửa hàng trong tháng 5 vừa qua, nâng số lượng lên 1.698 cửa hàng; đánh dấu lần đầu tiên chuỗi này mở rộng trở lại sau thời gian dài tái cơ cấu và thu hẹp các cửa hàng kém hiệu quả.

Mới đây, Tập đoàn BRG phối hợp với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) khai trương siêu thị FujiMart tại phố Giảng Võ (quận Ba Đình, TP. Hà Nội), đưa tổng số điểm bán của hệ thống FujiMart tại Hà Nội lên 11 điểm. Công ty TNHH Aeon Việt Nam (Aeon Việt Nam) cũng đã tổ chức lễ khởi công dự án Trung tâm thương mại Aeon Tân An, tại tỉnh Long An. Đây là trung tâm thương mại thứ 8 tại Việt Nam của Aeon Việt Nam và là trung tâm thương mại Aeon đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2025.

Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam Furusawa Yasuyuki chia sẻ, năm 2024, Aeon Việt Nam có kế hoạch mở mới đa dạng các điểm mua sắm với nhiều mô hình và quy mô khác nhau. Không chỉ nằm trong các trung tâm mua sắm của Aeon mà đồng thời cũng sẽ mở rộng và phát triển thêm các điểm mua sắm Aeon tại các trung tâm thương mại của các đối tác khác.

Để thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực bán lẻ một cách bền vững hơn, ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, ngành bán lẻ Việt Nam quy mô khoảng 140 tỷ USD, nếu có những chính sách tích cực, ngành bán lẻ sẽ tác động trực tiếp đến người tiêu dùng. Chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) được áp dụng đến hết năm nhưng theo các doanh nghiệp trong hiệp hội bán lẻ đánh giá thì chính sách kéo dài quá lâu sẽ không còn phát huy tác dụng kích cầu.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Anh Đức cần những giải pháp khác, tác động và hỗ trợ trực tiếp đến nhà sản xuất, nhà phân phối nhằm giúp họ tồn tại và phát triển. Nhà nước cũng có thể có chính sách giảm giá trực tiếp cho thuê mặt bằng để tạo sự sôi động cho thị trường. Mặt khác, những chính sách cần có sự hoạch định, áp dụng sớm hơn và mang tính liên tục, dài hơi hơn để các doanh nghiệp có thể tồn tại.

Ngoài ra, cần quy hoạch tổng thể lại cung cầu nguồn nguyên liệu trên bình diện quốc gia để các nguồn cung trong nước không cạnh tranh lẫn nhau mà phát huy giá trị cốt lõi. Đặc biệt là sự liên kết của các ngành, các hiệp hội để tạo nên sức bật tổng thể cho nền kinh tế hơn là cạnh tranh cục bộ trong từng ngành như du lịch hợp lực với thương mại để phát triển. Tuy nhiên, để làm được những nội dung này, cần bàn tay vĩ mô nhằm cấu trúc lại giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro, tránh rơi vào khủng hoảng.

Ngoài ra, ông Nguyễn Anh Đức cũng khuyến cáo các hợp tác xã nên ứng dụng khoa học công nghệ trong toàn bộ quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, bảo quản sản phẩm nông sản sau thu hoạch, công nghệ chế biến thực phẩm và thân thiện với môi trường. Tăng cường hợp tác, liên kết với các nhà sản xuất đầu tư phát triển vùng nguyên liệu để có được nguồn hàng đảm bảo chất lượng, an toàn với giá thành tốt nhất, xây dựng niềm tin và đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tan-dung-loi-the-de-phat-trien-thi-phan-va-mo-rong-kinh-doanh/346717.html
Zalo