Tận dụng cơ hội, định vị Việt Nam trên bản đồ tài chính quốc tế
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam dự kiến được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào ngày 16.4 tới. Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động và nhu cầu dịch chuyển dòng vốn quốc tế ngày càng lớn, việc chủ động hình thành một Trung tâm tài chính mang tầm khu vực và quốc tế là bước đi chiến lược, thể hiện tư duy mới, khát vọng lớn của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.
Việt Nam trước vận hội mới của dịch chuyển tài chính toàn cầu
Hiện nay, trên thế giới có 121 trung tâm tài chính, trong đó nhiều trung tâm đang cạnh tranh quyết liệt để trở thành điểm đến hấp dẫn nhất với các sản phẩm tài chính đổi mới, sáng tạo, thích ứng với xu thế vận động của thị trường quốc tế. Trong bối cảnh đó, nhu cầu về một trung tâm tài chính mới, khác biệt với các trung tâm tài chính truyền thống để tiếp nhận nguồn lực tài chính dịch chuyển từ các trung tâm tài chính lớn, đồng thời cung cấp các dịch vụ tài chính thế hệ mới, tiếp cận các thị trường mới nổi và thích ứng với xu hướng phát triển đang rất cấp thiết.
Đáng chú ý, khả năng hình thành Trung tâm tài chính mới ở châu Á - Thái Bình Dương, nơi được đánh giá là trung tâm kinh tế năng động nhất thế giới hiện nay ngày càng bộc lộ rõ nét. Và Việt Nam - một điểm sáng về phát triển và tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư, đang dần hội tụ các yếu tố cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành Trung tâm tài chính, có khả năng liên kết với các Trung tâm tài chính trong khu vực và trên thế giới.

TP. Hồ Chí Minh đang hướng đến xây dựng một Trung tâm tài chính quốc tế để nâng cao vị thế kinh tế và thu hút đầu tư toàn cầu. Nguồn: ITN
TP. Hồ Chí Minh, đô thị lớn nhất nước ta, đã chính thức ghi danh trong bảng xếp hạng các trung tâm tài chính toàn cầu. Theo Báo cáo GFCI 36 công bố tháng 9.2024, TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 105/121, tăng ba bậc so với kỳ trước. Dù thứ hạng còn khiêm tốn, nhưng đây là tín hiệu tích cực, phản ánh nỗ lực và tiềm năng phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính), kể từ khi Việt Nam khởi động kế hoạch xây dựng Trung tâm tài chính, nhiều tập đoàn, định chế tài chính quốc tế đã chủ động tìm hiểu thông tin, đánh giá cơ hội hợp tác. Điều này cho thấy thị trường tài chính Việt Nam đang được cộng đồng tài chính toàn cầu quan tâm và theo dõi sát sao. Trong chuyến công tác gần đây tới London, Frankfurt và Luxembourg - ba trung tâm tài chính lớn của thế giới - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã có các cuộc tiếp xúc với ngân hàng, quỹ đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp quốc tế. Nhiều “ông lớn” trong giới tài chính như Standard Chartered, HSBC, DZ Bank, Mountain Alliance AG, The CityUK… đều bày tỏ sự quan tâm và đánh giá cao kế hoạch này của Việt Nam.
Đáng chú ý, Swire - nhà đầu tư danh tiếng của Anh từng tham gia Dự án Empire City tại Khu đô thị Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh) - tiếp tục khẳng định sẽ đồng hành, đóng góp cho sự phát triển của khu vực này. Mới đây nhất, Milcon Gulf - tập đoàn lớn trong lĩnh vực tài chính, đầu tư và phát triển hạ tầng với hàng loạt dự án toàn cầu - cũng bày tỏ quan tâm và mong muốn tìm hiểu cơ hội tại thị trường Việt Nam.
Nhiều kỳ vọng, nhưng cũng không ít thách thức
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Trước hết, đây sẽ là cầu nối để Việt Nam tiếp cận và kết nối với thị trường tài chính toàn cầu, tận dụng các dòng vốn đầu tư chất lượng cao, đồng thời thúc đẩy thị trường tài chính trong nước phát triển hiện đại, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế.
Ngoài ra, Trung tâm tài chính quốc tế cũng sẽ tạo thêm nguồn lực phát triển cho đất nước, thúc đẩy các dòng vốn đầu tư hiện hữu, góp phần đa dạng hóa dịch vụ tài chính, tăng tính cạnh tranh và nâng cao năng lực quản lý thị trường tài chính Việt Nam. Đặc biệt, nếu tận dụng tốt cơ hội từ dịch chuyển dòng vốn quốc tế, Việt Nam có thể trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn, qua đó khẳng định vị thế và uy tín của nền kinh tế trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, quá trình xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam sẽ đối mặt với không ít thách thức, từ việc hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách ưu đãi đến việc xây dựng hạ tầng tài chính hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cạnh tranh với các trung tâm tài chính đã có vị thế trên thế giới và trong khu vực cũng đòi hỏi Việt Nam phải có cơ chế vượt trội, chính sách linh hoạt và môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, minh bạch.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam đang được xây dựng theo hướng mở rộng không gian chính sách, cho phép thí điểm những mô hình, cơ chế vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dòng vốn chất lượng cao và các định chế tài chính hàng đầu thế giới. "Lịch sử kinh tế thế giới cho thấy, bất cứ nơi đâu tạo ra được cơ chế khiến cho vốn có thể chuyển nhượng được dễ dàng thì ở đó sẽ trở thành Trung tâm tài chính", ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI), nhấn mạnh.
Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp tới là cơ hội quan trọng để thảo luận, xác định những nguyên tắc lớn, mục tiêu dài hạn và bước đi cụ thể cho chiến lược xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam. Có thể thấy, mọi trung tâm tài chính lớn trên thế giới đều được hình thành từ một tầm nhìn chiến lược và khát vọng vươn lên của quốc gia. Singapore từng đi trước cả châu Á khi xây dựng mô hình trung tâm tài chính, không phải vì họ có nhiều nguồn lực hơn, mà vì họ có một quyết tâm chính trị lớn hơn và biết nắm bắt cơ hội trong dịch chuyển kinh tế toàn cầu. Việt Nam hôm nay đang đứng trước vận hội tương tự. Nếu biết tận dụng cơ hội trong dịch chuyển dòng vốn quốc tế, kiên trì xây dựng thể chế vượt trội và tạo dựng một môi trường tài chính hiện đại, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm đến của dòng vốn quốc tế - như từng thành công trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Tháng 11.2024, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.
Theo kế hoạch, dự thảo Nghị quyết về Trung tâm tài chính tại Việt Nam sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 5.2025. Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết này, Thủ tướng sẽ quyết định việc thành lập Trung tâm tài chính tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trên cơ sở Đề án thành lập Trung tâm tài chính do UBND TP. Hồ Chí Minh, UBND TP. Đà Nẵng xây dựng và được Bộ Tài chính thẩm định.