Tấn công tội phạm tại khu Tam giác vàng: Chiến công của ngành công an

Triệt phá thành công đường dây lừa đảo qua mạng là sự nỗ lực rất lớn của Công an Việt Nam trong tấn công tội phạm công nghệ cao, giúp ổn định trật tự xã hội và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Vừa qua, Công an Việt Nam đã phối hợp với nước bạn Lào triệt phá thành công, bắt 155 người Việt Nam tại đặc khu kinh tế Tam giác vàng (Lào) có hoạt động lừa đảo trên không gian mạng.

Để triệt phá, bắt giữ được ổ nhóm lừa đảo qua mạng nói trên, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm mua bán người, Bộ Công an Lào; Cục Cảnh sát hình sự, Cục Đối ngoại, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an Việt Nam; Tổng cục Cảnh sát Lào; Công an tỉnh Bokeo; Công an đặc khu kinh tế Tam giác vàng; Bộ đội biên phòng Lào, Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh; đại diện Cảnh sát Việt Nam tại Lào; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy và các đơn vị nghiệp vụ khác.

 Văn phòng nơi "ổ nhóm" lừa đảo hoạt động. Ảnh: Công an Hà Tĩnh

Văn phòng nơi "ổ nhóm" lừa đảo hoạt động. Ảnh: Công an Hà Tĩnh

Có thể nói đây là một chiến công lớn của lực lượng Công an Việt Nam nói riêng và hai nước nói chung.

Nhìn lại lịch sử quan hệ Việt Nam - Lào cho thấy mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước đã không ngừng phát triển toàn diện trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Cùng với đó, mối quan hệ hợp tác giữa ngành tư pháp hai nước đã được thiết lập, không ngừng được mở rộng, tăng cường và đạt được những kết quả tốt đẹp.

Việt Nam và Lào đã thiết lập mối quan hệ ngành tư pháp hai nước từ năm 1982 với việc ký kết hiệp định hợp tác về mặt pháp lý và tư pháp. Nhiều văn kiện hợp tác như Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Lào năm 1998, tăng cường hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực pháp luật

Cũng từ đó, hai nước luôn có sự hợp tác rộng khắp và mạnh mẽ để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, xây đắp sự bền vững của nền tư pháp hai nước.

BLTTHS 2015 có quy định về phạm vi hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự tại Điều 491. Trong đó, hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự gồm tương trợ tư pháp về hình sự; dẫn độ; tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và các hoạt động hợp tác quốc tế khác được quy định tại BLHS, pháp luật về tương trợ tư pháp và điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên.

Việc dẫn độ cũng đã được quy định cụ thể tại chương III - tương trợ tư pháp về vấn đề hình sự (từ Điều 59 đến Điều 76) của Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Lào. Trong đó, điều kiện dẫn độ người phạm tội được quy định “căn cứ vào các điều kiện của hiệp định này, hành vi phạm pháp dẫn đến việc dẫn độ người phạm tội là hành vi phạm pháp mà theo pháp luật của các nước ký kết có thể kết án tù từ một năm trở lên hoặc hình phạt nặng hơn…” (Điều 60).

Trước tình hình kỹ thuật công nghệ phát triển thì loại tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng phát triển. Nhóm tội phạm này thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách thức dùng công cụ, phương tiện công nghệ tác động trái pháp luật đến các thông tin số được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống máy tính, điện thoại để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhanh chóng.

Chúng thường thu thập thông tin cá nhân như tên, tuổi, ngày sinh, số căn cước, thông tin tài khoản ngân hàng..., sau đó mạo danh cơ quan, tổ chức liên hệ với nạn nhân đề nghị chuyển tiền.

Trong thời gian dài vừa qua đã có rất nhiều người Việt Nam trở thành nạn nhân của nhóm tội phạm công nghệ cao…

Từ cuối năm 2023, các đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Philippines, Malaysia… đã chuyển địa bàn hoạt động sang đặc khu kinh tế Tam giác vàng ở tỉnh Bokeo (Lào). Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn lừa đảo, địa điểm hoạt động, đồng thời không ngừng mở rộng quy mô, tổ chức.

Việc triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội nêu trên cho thấy sự phối hợp thực sự hiệu quả và nhanh chóng theo đúng tinh thần của Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Lào năm 1998.

Không chỉ góp phần kéo giảm tình trạng tội phạm lừa đảo qua mạng, kết quả của sự phối hợp nêu trên còn giúp người dân có thêm niềm tin vào sự ổn định của tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội mà ngày ngày lực lượng công an vẫn đang hết lòng, hết sức gìn giữ, bảo vệ.

Luật sư - TS NGUYỄN THỊ KIM VINH (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/tan-cong-toi-pham-tai-khu-tam-giac-vang-chien-cong-cua-nganh-cong-an-post804734.html
Zalo