Tân Châu hướng đến ấm no, giàu đẹp, văn minh

Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà TX. Tân Châu (tỉnh An Giang) đặt ra là xây dựng địa phương trở thành vùng động lực kinh tế, ở đó có kinh tế biên giới phát triển, hạ tầng giao thông kết nối thông suốt, nguồn nhân lực đảm bảo nhu cầu hội nhập, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc...

Đột phá và thành tựu

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp Đảng bộ thị xã đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XII của thị xã (nhiệm kỳ 2020 - 2025) bằng việc ban hành 3 nghị quyết, 6 chương trình hành động; đồng thời chọn 3 khâu đột phá để thực hiện, trong đó điểm nhấn quan trọng là khâu đột phá thứ nhất: “Tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KTXH) theo hướng tiêu chuẩn thành phố”.

Nhờ thực hiện khâu đột phá này, những năm qua, tình hình phát triển KTXH trên địa bàn đạt khá toàn diện, thị xã trở thành vùng động lực phát triển KTXH (khu vực phía Bắc của tỉnh), có kinh tế biên giới phát triển, nông nghiệp công nghệ cao được áp dụng rộng rãi. Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa - xã hội, đẩy mạnh công tác an sinh xã hội. Thu nhập bình quân đầu người đạt 68 triệu đồng/người/năm, đứng “tốp đầu” của tỉnh, quy mô nền kinh tế được mở rộng…

Thông qua chương trình đầu tư công, Tân Châu đã phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, đẩy mạnh thực hiện các công trình trọng điểm, tạo điểm nhấn, đột phá trong phát triển kinh tế biên giới, kết nối giao thông với các địa phương lân cận. Đặc biệt, đầu năm 2023, UBND tỉnh đã chính thức công bố Cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường sông Vĩnh Xương. Đây là tiền đề quan trọng để vực dậy kinh tế biên giới.

Cùng với đó, lễ khởi công xây dựng cầu Châu Đốc thuộc Dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp, với tổng mức đầu tư trên 2.100 tỷ đồng đang được thi công và sắp đưa vào khai thác, sử dụng. Nếu cầu Châu Đốc làm nhiệm vụ kết nối giao thông để Tân Châu không còn là “ốc đảo” thì Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương là cửa ngõ để đưa hàng hóa các tỉnh ĐBSCL xuất sang Vương quốc Campuchia, mở ra triển vọng rất lớn trong giao thương hàng hóa với các nước trong khu vực ASEAN.

Hạ tầng giao thông đã được kết nối thông suốt với các địa phương lân cận, giúp TX. Tân Châu phát triển nhanh chóng trong thời gian tới

Hạ tầng giao thông đã được kết nối thông suốt với các địa phương lân cận, giúp TX. Tân Châu phát triển nhanh chóng trong thời gian tới

Hiện nay, TX. Tân Châu đã hội đủ các điều kiện phát triển. Về giao thông, địa phương có tuyến Quốc lộ N1 chạy qua, kết nối với trục hành lang kinh tế, như: Quốc lộ 2, Quốc lộ 91, Quốc lộ 80. Trước đây, Tân Châu từng có một thương cảng sầm uất và địa phương có nghề ươm tơ, dệt lụa. Sản phẩm của làng nghề (lãnh Mỹ A) đã được xuất qua cảng này và nhanh chóng nổi tiếng khắp thế giới. Ngoài ra, thị xã có thế mạnh trong phát triển đô thị, du lịch (DL) sinh thái, DL sông nước, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số Chăm… tất cả những lợi thế trên là tiền đề quan trọng để phát triển trong tương lai.

Những năm qua, thực hiện khâu đột phá thứ nhất, thị xã có hạ tầng đô thị hoàn chỉnh, đáp ứng được nhu cầu phát triển, hội nhập và mời gọi đầu tư, trong đó nổi bật là các dự án chỉnh trang đô thị, nâng cấp các con hẻm nội ô; Dự án san lắp kênh Vĩnh An (giai đoạn 2)… Dự án đầu tư san lấp kênh Vĩnh An (đoạn Long Phú - Phú Vĩnh) có ý nghĩa quan trọng, một mặt giúp thị xã quy hoạch lại đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, mặt khác giúp xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, xóa nút “thắt cổ chai” tại Bệnh viện Khu vực Tân Châu; đồng thời, mở rộng đường Nguyễn Tri Phương kết hợp tái định cư.

Để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, bên cạnh việc tập trung nguồn lực của Nhà nước trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, viễn thông, giáo dục, y tế, thị xã còn phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, đẩy mạnh mời gọi đầu tư với phương châm “Thành công của doanh nghiệp là thành công của chính quyền địa phương và ngược lại, từ đó tạo nên sức bật đưa thị xã phát triển nhanh chóng…

“Chính sự đột phá trong tư duy lãnh đạo, sự sáng tạo trong xây dựng hạ tầng theo tiêu chuẩn thành phố, đến nay Tân Châu có được diện mạo rất đẹp, đường thông thoáng, nhà xây khang trang, thiên nhiên sông nước hữu tình. Tân Châu trở thành vùng đất đáng sống, đặc biệt là vùng đất rất “đáng trở về” của kiều bào ở các nước trên thế giới…” - ông Trần Hòa Bình (phường Long Thạnh, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Phát triển bền vững

Để phát triển bền vững, Tân Châu đã “định vị” lại mình và đánh giá đầy đủ, chính xác lợi thế cạnh tranh, tiềm năng sẵn có; sự khác biệt, cơ hội nổi trội của địa phương, qua đó tìm hướng phát triển phù hợp. Cụ thể, với tầm nhìn dài hạn, Đảng bộ thị xã xây dựng mục tiêu phát triển, đưa Tân Châu ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân với các đặc trưng thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc, xã hội văn minh, hành chính minh bạch, kinh tế phát triển…

Tân Châu là địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số Chăm sinh sống, vì vậy trong phát triển DL, địa phương tập trung khai thác triệt để DL từ văn hóa bản địa, sắc thái các dân tộc trên địa bàn. Cùng với đó, thị xã đã và sẽ tận dụng tối đa xu thế hội nhập, hợp tác, cơ hội mới, công nghệ mới (từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4) để đưa thị xã tiếp tục phát triển, tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào quá trình hội nhập, chuỗi giá trị toàn cầu.

Tân Châu còn là nơi “phát tích” ngành ương dưỡng cá tra, basa bột. Những năm đầu của thập niên 60, thế kỷ XX, ngư dân các xã đầu nguồn đã biết phát huy lợi thế của sông Tiền, tổ chức vớt cá basa, cá tra bột để ương dưỡng thành cá giống rồi đưa đi bán khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh. Về sau, con giống này đã phục vụ cho quá trình nuôi và chế biến cá xuất khẩu. Tân Châu hiện đã trở thành địa phương được doanh nghiệp trong cả nước chọn để phát triển Đề án giống cá tra 3 cấp. Đây là vinh dự, cơ hội để thị xã hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, đa giá trị, đa thị trường.

Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Tân Châu Trương Hồng Sơn cho biết, nửa nhiệm kỳ còn lại, thị xã đẩy mạnh khai thác lợi thế kinh tế biên giới, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển DL, tạo nền tảng phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp - xây dựng; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật xã hội theo quy hoạch được phê duyệt; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, phấn đấu đưa Tân Châu sớm trở thành thành phố.

“Diện mạo của Tân Châu hôm nay là kết quả của quá trình Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn luôn bám sát thực tiễn, chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo, năng động, hiệu quả các chủ trương vào thực tiễn địa phương, để trên cơ sở đó, tiếp tục phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, xây dựng TX. Tân Châu trở thành vùng đất văn minh, giàu đẹp, nghĩa tình…” - Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Tân Châu Nguyễn Văn Cọp chia sẻ.

Tân Châu hướng đến ấm no, giàu đẹp, văn minh đã đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân. Đây cũng là “ý đảng, lòng dân”, tiền đề quan trọng để thị xã tiếp tục phát triển và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thực sự trở thành vùng động lực trong phát triển KTXH ở khu vực phía Bắc của tỉnh…

“TX. Tân Châu ngày càng phát triển đã khẳng định được vai trò, vị trí là một trong 3 trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh. Những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã đạt được thời gian qua đã góp phần quan trọng, tạo tiền đề vững chắc để Tân Châu phát triển, hướng đến mục tiêu ấm no, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình…” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Nưng biểu dương.

MINH HIỂN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tan-chau-huong-den-am-no-giau-dep-van-minh-a387450.html
Zalo