Tân binh của HYBE gây tranh cãi, hình ảnh và vũ đạo khiến nhiều người nhức mắt

Sản phẩm âm nhạc mới đến từ nhóm nhạc tân binh của HYBE đang vấp phải làn sóng tranh cãi từ người xem.

Khi Kpop không ngừng mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, những kỳ vọng về tính chuyên nghiệp và đạo đức trong nghệ thuật cũng trở nên khắt khe hơn bao giờ hết. Mới đây, HYBE - một trong những "ông lớn" của ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc đang trở thành tâm điểm tranh cãi sau khi nhóm nhạc nữ toàn cầu mới nhất của họ là KATSEYE, ra mắt ca khúc Gnarly. Vấn đề không chỉ nằm ở âm nhạc, mà còn nằm ở cách công ty xây dựng hình ảnh các thần tượng chưa đủ tuổi trưởng thành.

Ngay từ khi ra mắt, MV Gnarly đã gây ra nhiều tranh cãi với loạt hình ảnh và vũ đạo bị cho là mang tính khiêu dâm hóa. Đặc biệt gây phẫn nộ là việc Yoonchae, thành viên mới 17 tuổi, xuất hiện trong những phân đoạn nhạy cảm:

- Hình ảnh ẩn dụ đầy gợi cảm: Cảnh quay ruồi cọ xát và việc các thành viên được ví như "sản phẩm tươi" khiến nhiều người cảm thấy đây là sự vật hóa phụ nữ một cách thiếu tôn trọng.

- Văn hóa uống rượu được bình thường hóa: Yoonchae cầm và lắc một chai sâm panh trong limousine - một hành vi bắt chước văn hóa tiệc tùng người lớn, dù cô chưa đủ tuổi uống rượu theo luật.

- Vũ đạo gợi cảm quá đà: Những động tác như twerking, vỗ mông cùng trang phục táo bạo bị xem là không phù hợp cho lứa tuổi vị thành niên.

Các chuyên gia về văn hóa đại chúng đã chỉ ra rằng việc đưa thần tượng vị thành niên vào các concept gợi cảm không chỉ là vấn đề về đạo đức mà còn ảnh hưởng đến nhận thức của khán giả trẻ về giá trị bản thân và hình ảnh giới.

Đáng lo ngại hơn, đây không phải lần đầu tiên HYBE bị tố sử dụng "chiêu bài" tương tự. Nhiều người hâm mộ đã nhắc lại tranh cãi trong thời gian LE SSERAFIM ra mắt, khi thành viên Eunchae (khi đó chưa đủ 16 tuổi) tham gia một màn vũ đạo bị đánh giá là gợi dục. Mặc dù sau đó vũ đạo đã được chỉnh sửa, sự việc đã để lại vết nhơ trong mắt công chúng.

Một người dùng Twitter bức xúc viết: "Tôi đã thấy mô hình này lặp lại quá nhiều lần rồi. HYBE cứ gán các concept sexy hoặc girl crush vào nhóm nữ có thành viên vị thành niên như một cách 'ngụy trang'. Điều đó đang ngày càng khiến tôi lo lắng".

Không ít khán giả đã đặt câu hỏi: Nếu định hướng nghệ thuật ban đầu đã có yếu tố người lớn, tại sao vẫn để các thần tượng vị thành niên tham gia?

Dù vậy, màn trình diễn trực tiếp đầu tiên của Gnarly trên M Countdown (1/5) lại nhận được những phản hồi tích cực. Khán giả đánh giá bài hát hiệu quả hơn trên sân khấu, nhất là sau khi HYBE phát hành phiên bản "sạch", chỉnh sửa lại phần lời - bao gồm cả việc loại bỏ những chi tiết liên quan đến thương hiệu như Tesla. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cảm thấy nỗ lực này chỉ mang tính "chữa cháy", không giải quyết gốc rễ vấn đề.

Câu chuyện của KATSEYE có lẽ không chỉ là vấn đề riêng của một nhóm hay một công ty. Nó phơi bày mặt tối của ngành công nghiệp Kpop - nơi ranh giới giữa sáng tạo nghệ thuật và khai thác hình ảnh đôi khi trở nên mờ nhạt. Trong một môi trường mà thần tượng bắt đầu sự nghiệp khi còn rất trẻ, việc thiếu đi một khung pháp lý hoặc quy tắc đạo đức rõ ràng càng làm gia tăng nguy cơ bị khai thác.

Giới phê bình văn hóa nhận định rằng: "Nếu Kpop thực sự muốn phát triển bền vững, các công ty cần xem lại trách nhiệm của mình đối với các thần tượng trẻ tuổi - không chỉ trong sự nghiệp mà cả trong cuộc sống cá nhân và giá trị con người họ".

Hiện tại, HYBE vẫn chưa đưa ra phát ngôn chính thức nào về vụ việc. Trong khi đó, làn sóng phẫn nộ vẫn lan rộng trên mạng xã hội và trong cộng đồng người hâm mộ toàn cầu. Tương lai của KATSEYE, và cả uy tín của HYBE, phụ thuộc vào cách công ty phản ứng trước những chỉ trích ngày càng gay gắt, liệu họ sẽ tiếp tục theo đuổi những concept gây tranh cãi hay thay đổi theo hướng có trách nhiệm và nhân văn hơn?

Bình Nguyên

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/am-nhac/hybe-bi-chi-trich-khieu-dam-hoa-than-tuong-moi-17-tuoi-202505021240136445.html
Zalo