Tâm tư học sinh trường chuyên khi thầy cô tâm huyết bị bình luận tổn thương

'Không thể vì một vài người không xứng làm 'thầy' mà chúng ta vấy bẩn lên nghề cao quý để những nhà giáo đích thực bị tổn thương' là những lời tâm tư của Hồng An Hiếu, học sinh lớp 12A4, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An).

Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 29 quy định các nội dung tăng cường quản lý về dạy thêm, học thêm. Các nội dung đưa lên mạng xã hội, nhận nhiều ý kiến bàn luận khác nhau.

Hồng An Hiếu, học sinh lớp chuyên Hóa học, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đã có bài viết đầy xúc động, chia sẻ những tâm tư, suy nghĩ của người học trò về nghề giáo, người thầy của mình.

Hồng An Hiếu, học sinh lớp 12A4, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An).

Hồng An Hiếu, học sinh lớp 12A4, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An).

An Hiếu viết:

Em là một cậu học sinh lớp 12, hiện đang học tập tại ngôi trường chuyên mang tên Phan Bội Châu.

Có lẽ vì được học ở một nơi tuyệt vời như vậy nên khi nhắc đến hai chữ “nghề giáo” em thật sự trân quý và biết ơn bao nhiêu. “Tôn sư trọng đạo” từ lâu đã trở thành một truyền thống, một nét đẹp của dân tộc Việt Nam chắc chắn không thể thay thế.

Suy cho cùng, sự tôn thờ cao nhất mà một con người tích lũy được chính là dành những vị “sư” đã truyền “đạo” cho mình: Bố mẹ, thầy cô… Thật vậy, con người Việt Nam luôn hướng trái tim của mình đến người thầy, người cô. Bởi chúng ta biết rằng thầy cô có công lao to lớn như thế nào, đã dạy dỗ, dìu dắt ta nên người ra sao.

Em đã thực sự đau lòng khi ai đó đưa nghề giáo lên bàn cân với những giá trị vật chất. Họ chắc chưa từng cảm nhận hình ảnh thầy em, cô em dành cả tháng lương để mua sách, tài liệu tham khảo chỉ mục đích soạn cho chúng em một chuyên đề dạy học... Chừng ấy sao đo nổi bằng tiền.

Còn những hi sinh câm lặng hơn mà chúng em biết, họ không thể chia sẻ được, vì tương lai của chính học trò. Khi thấy những dòng chữ: “Trường học vận động giáo viên viết đơn xin tự nguyện dạy thêm miễn phí”, em cứ ngỡ nếu ai đọc được sẽ phải buồn và cảm thấy bức bối chứ?

Buồn vì nếu thầy cô không viết đơn thì học sinh, con em mình sẽ không được học nữa, bức bối vì nghề giáo bị đem ra để bàn luận, phán xét như những người đi làm thuê bị phạt. Không! Khi lướt từ đầu đến cuối bình luận, cũng có những sự buồn bã, tiếc nuối, nhưng cũng có những người dùng những từ ngữ làm tổn thương, thậm chí làm đau cả ngành cao quý.

Thật sự, những lời lẽ tổn thương ấy như một vết cứa đau lòng vào trái tim nghề giáo. Ai đã từng nghĩ tới câu nói: "Cô giáo như mẹ hiền" có lẽ sẽ không nỡ buông lời cay độc thế về người mẹ thứ hai của mình. Những nhà giáo đích thực mà em định nghĩa, họ chưa từng nghĩ đến chuyện kiếm tiền từ nghề giáo.

Hằng ngày, hằng đêm họ chỉ nghĩ rằng làm sao để truyền đạt đến học sinh của mình những giá trị tốt đẹp nhất, những bài học sâu sắc nhất, dạy cho trò của mình phong thái, kiến thức để sau này những cô cậu học trò ấy trở thành những người có ích, những người tốt cho xã hội.

Tài sản to lớn nhất, đắt giá nhất mà một nhà giáo đích thực có được chính là sự trưởng thành của học sinh, chứ không phải những đồng bạc họ nhận được.

Cuối cùng, nếu ai đọc được bài viết này mong mọi người hãy hiểu rằng nghề giáo thiêng liêng và cao quý đến nhường nào. Mong mọi người hãy sắp xếp lại trật tự trong chính suy nghĩ của mình: Khi quyết định cho con theo học với thầy cô giáo, cần đặt sự tôn trọng, biết ơn lên trước các giá trị khác.

Lời nhắn nhủ đối với ai còn đang hoài nghi với nghề giáo: Chúng ta vốn không ai hoàn hảo, ngành nghề nào cũng có người xấu, người tốt. Nhưng không thể vì một vài người không xứng làm "thầy" mà chúng ta vấy bẩn lên cái nghề "cao quý" mà đời đời tôn vinh vậy.

Hy vọng chúng ta hãy lắng mình, chậm lại, và suy nghĩ trước khi đẩy sóng dư luận đi quá xa... Đừng để những nhà giáo đích thực bị tổn thương, đừng để họ buông tay học sinh, vì không có họ, chúng em sẽ đánh đổi cả tương lai tươi sáng của bản thân mình.

Chia sẻ với PV, An Hiếu cho biết, em sinh ra trong gia đình có bố mẹ làm giáo viên. Em thường hay suy nghĩ, trăn trở trước các vấn đề nóng của xã hội. Khi có thông tư mới về dạy thêm, học thêm, chính hình ảnh những người thầy giáo, cô giáo cũng như bố mẹ của mình tâm huyết, hết lòng vì học sinh đã khiến em viết những dòng tâm tư trên.

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên bộ môn Lịch sử, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết, An Hiếu là cậu học trò ngoan, có bài viết khiến thầy cô xúc động.

Về quy định của thông tư mới, thầy Hiếu chia sẻ sự ủng hộ chủ trương chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên khi áp dụng vào thực tế, chắc chắn sẽ có những khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó là nhiều bậc phụ huynh lo lắng về chất lượng học tập của con em; nhiều địa phương, trường học đang lúng túng. Đó là thực tế.

Để thực hiện tốt các quy định của thông tư mới, rất cần sự thấu hiểu thực tế này để tất cả đều chung tay, chung sức, chung trí tuệ có những giải pháp phù hợp, thống nhất từ trên xuống dưới, từ Bộ GD&ĐT tới các địa phương, từ các nhà trường với các bậc phụ huynh, học sinh.

“Tất cả giải pháp để tháo gỡ, khai thông những vướng mắc trong giai đoạn trước mắt có lẽ nên phải đáp ứng 2 vấn đề : Không trái với các quy định của 1 thông tư và phải lấy lợi ích của học sinh lên hàng đầu. Nếu các bên không cùng nhìn về một phía sẽ rất khó tìm ra giải pháp căn cơ”, thầy Hiếu nói.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tam-tu-hoc-sinh-truong-chuyen-khi-thay-co-tam-huyet-bi-binh-luan-ton-thuong-post1717711.tpo
Zalo