Tâm tình 'đưa đò' của nhà giáo Sơn La

Dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) cũng là dịp để các nhà giáo bày tỏ tâm tư, tình cảm về hành trình 'đưa đò'.

Thầy, cô giáo Nậm Lạn, xã Mường Lạn (Sốp Cộp, Sơn La) vượt đường gồ ghề bám bản dạy chữ. Ảnh: Hà Hoàng

Thầy, cô giáo Nậm Lạn, xã Mường Lạn (Sốp Cộp, Sơn La) vượt đường gồ ghề bám bản dạy chữ. Ảnh: Hà Hoàng

Cống hiến hết mình

Gắn bó với nghề giáo viên hơn 32 năm, thầy Hà Văn Nhành, Trường Tiểu học - THCS Tà Hộc (Mai Sơn, Sơn La) tâm sự: “Tôi sinh ra ở bản vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi có sông Đà chảy qua. Từ nhỏ, tôi tận mắt chứng kiến những nỗi vất vả của trẻ em nơi đây nên luôn mơ ước được làm giáo viên để đưa kiến thức về với vùng cao. Sau nhiều năm học tập, tôi đã trở thành giáo viên như hằng mơ ước. Tôi thấy rất hãnh diện được xếp mình vào hàng ngũ nhà giáo, đối với tôi đây là một nghề rất cao quý”.

Theo thầy Nhành, hơn 32 năm giảng dạy là bấy nhiêu năm thầy thấu hiểu nỗi vất vả của nghề. Những giai đoạn trước, nghề giáo viên lương thấp chưa được hưởng chế độ đãi ngộ nhiều như bây giờ, cuộc sống kinh tế gia đình rất khó khăn.

Tuy nhiên, các thầy cô không một ai kêu ca, chểnh mảng trong công việc hoặc bỏ nghề, ngược lại còn luôn nhiệt huyết. Các thầy, cô đều có chung mong muốn mang kiến thức đến với học sinh, để các em có hành trang vững chắc bước vào cuộc sống sau này tốt đẹp hơn, không phải vất vả lăn lộn với đói nghèo.

“Được đứng trên bục giảng, tôi thấy mỗi ngày là một niềm vui. Tôi rất hạnh phúc khi được gắn bó với nghề được xã hội tôn vinh “nghề cao quý”. Bác Hồ kính yêu rất quan tâm đến giáo dục bởi “vì lợi ích mười năm trồng cây; vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Tôi luôn mong muốn dâng hiến trí tuệ, sức lực cho sự nghiệp giáo dục. Mỗi năm đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi lại được học trò của mình tặng những bông hoa tươi thắm, thật cảm động và vui mừng. Vui vì được đứng trong hàng ngũ nhà giáo, xúc động vì được học trò quý mến, nhớ ơn”, thầy Nhành bộc bạch.

Còn thầy Đặng Văn Hiệu, Hiệu trưởng Trường THPT xã Cò Nòi (Mai Sơn) thì chia sẻ: “Trước khi được phân công làm công tác quản lý, tôi vào nghề với bao kỷ niệm buồn, vui. Những hình ảnh ngây thơ, vô tư của các cô, cậu học trò; sự quan tâm, lo lắng của các em dành cho khiến tôi quên hết mệt mỏi trong công việc cùng những lo toan của cuộc sống. Hiện, lương giáo viên tăng, cuộc sống của những người công tác trong ngành giáo dục cũng vơi đi vất vả. Đây chính là động lực lớn, giúp giáo viên yên tâm công tác và cống hiến với nghề “trồng người”.

“Đối với tôi, niềm hạnh phúc của một giáo viên là khi nhìn thấy ánh mắt trong veo, hồn nhiên của học sinh, được nhìn thấy lớp lớp học trò trưởng thành, khôn lớn. Tôi nhận ra rằng, những nỗ lực, cố gắng của mình đã được đền đáp và đó là giá trị, ý nghĩa của cuộc sống.

Chính nó nuôi dưỡng, bồi đắp cho ý chí, tâm hồn tôi mỗi ngày trong sự nghiệp giảng dạy. Tôi vẫn nợ nghề giáo những điều còn dang dở, đó là chưa có nhiều thời gian trực tiếp trao truyền kiến thức và gắn bó để chia sẻ, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các em”, thầy Hiệu bộc bạch.

 Thầy Đặng Văn Hiệu, Hiệu trưởng Trường THPT xã Cò Nòi luôn tận tụy trong từng bài giảng.

Thầy Đặng Văn Hiệu, Hiệu trưởng Trường THPT xã Cò Nòi luôn tận tụy trong từng bài giảng.

Tâm tình gửi nghề cao quý

Thầy Nguyễn Phi Long, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS xã Chiềng Chăn (Mai Sơn) chia sẻ: “Những ngày này, lòng tôi rất xao xuyến và có chút hụt hẫng. Tôi thương học trò đầu cấp còn chưa được gặp cô giáo, chưa quen hết bạn bè. Tôi nhớ lắm khoảnh khắc học trò cũ ùa về thăm trường, thăm lớp, tíu tít trò chuyện, vui vẻ bên nhau trong không khí rộn ràng, vui tươi của ngày lễ 20/11...

Đối với nghề giáo, hạnh phúc đơn giản là được học sinh yêu quý và trân trọng sự dạy dỗ của mình. Dù các em đi đâu, nhưng đến ngày nhà giáo vẫn nhớ và đến với chúng tôi, đó là niềm vui lớn, không có gì sánh bằng”.

Ngày Nhà giáo Việt Nam - 20/11, ngày lễ trọng đại với những người làm nghề “chở chữ cho đời”. Với nhiều thầy cô, đây là kỷ niệm không bao giờ quên trong sự nghiệp giảng dạy.

Nhớ lại những năm trước, kỷ niệm 20/11 tham gia các hoạt động văn nghệ, thi đua chào mừng của nhà trường, thầy Nguyễn Văn Tuấn - Trường PTDT Nội trú THCS&THPT Mai Sơn không khỏi bùi ngùi xúc động: “Không hiểu sao, cứ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi lại cảm thấy bâng khuâng, tiếc nuối. Cứ nhớ đến giây phút được các học trò lên tặng hoa, trực tiếp trao tay những tấm thiệp nhỏ xinh, tôi thấy lòng mình vui và hạnh phúc. Hạnh phúc, vì được các em quý mến, hạnh phúc vì mình đã được cống hiến sức mình trong sự nghiệp giáo dục”.

Theo thầy Tuấn, trong quá trình công tác, thầy luôn không ngừng phấn đấu rèn luyện, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, để truyền đạt hiệu quả nhất kiến thức đến các em. Thầy luôn mong muốn các học trò của mình nhanh trưởng thành và đạt được ước mơ sau khi tốt nghiệp THPT. Đối với thầy, mỗi khóa tốt nghiệp THPT, thầy lại nặng lòng vì phải chia tay học trò, không biết bao giờ mới có dịp gặp lại. Thầy chỉ mong các em luôn thành công trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Chí Chung, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho biết: Không ai sinh ra để làm thầy, tuy nhiên đã là thầy thì phải sống và dạy như thế nào cho xứng đáng với tinh thần tôn sư trọng đạo mà nhân dân luôn gìn giữ. Phải sống đức độ, trong sạch, hành vi chuẩn mực thì mới dạy được điều hay lẽ phải.

Hãy cẩn trọng với những “cây non”. Bởi lẽ, phấn trắng viết lên bảng đen có thể xóa dễ dàng, nhưng những gì thầy viết lên tâm hồn học sinh thì suốt đời còn đậm nét. Vì vậy, trong sự nghiệp giáo dục, các thầy cô giáo không chỉ dạy con chữ cho các em, mà còn dạy cách làm người, dạy kỹ năng giao tiếp, phép đối nhân xử thế, để học sinh trở thành người con, công dân tốt và có ích trong xã hội.

Theo ông Chung, tuy nghề giáo còn vất vả nhưng các thầy, cô giáo luôn nhiệt huyết, cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Đơn cử như, nhiều giáo viên cắm bản giảng dạy ở những điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới dù đi lại khó khăn, vất vả, điều kiện cơ sở vật chất trường học còn thiếu thốn nhưng các thầy, cô vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thời gian tới, Sở sẽ triển khai chương trình tập huấn, giúp các thầy, cô giáo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn trong giảng dạy. Từ đó, giúp các em học sinh tiếp cận được kiến thức nhanh và hiệu quả hơn, góp phần đưa ngành giáo dục của tỉnh Sơn La đạt thành tích cao.

Hà Hoàng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tam-tinh-dua-do-cua-nha-giao-son-la-post707624.html
Zalo