Tâm tình của người lính trong thư gửi hậu phương

Đối với những người chiến sĩ, lá thư là một kỷ vật quan trọng. Qua đó, người đọc có thể thấy được tâm tư, tình cảm và niềm tin của họ.

 Lá thư từ người cha của AHLLVTND Lê Thị Thu Nguyệt. Ảnh: Đức Huy.

Lá thư từ người cha của AHLLVTND Lê Thị Thu Nguyệt. Ảnh: Đức Huy.

Khi đất nước bị chia cắt, mạng lưới thông tin chưa được hoàn thiện, thư từ là cách duy nhất để những người ở tiền tuyến kết nối với hậu phương. Bên cạnh những dòng chữ đong đầy nỗi nhớ nhà còn là lời động viên vững tin vào cuộc đấu tranh chính nghĩa.

Lá thư gửi cô con gái mới ra tù

Năm 1973, sau những năm tháng bị địch bắt và tù đày ngoài Côn Đảo, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Lê Thị Thu Nguyệt trở về TP.HCM với đầy thương tích trên người. Lắng đi một khoảng thời gian, bà Nguyệt mới gửi thư cho cha, ông Lê Đình Lang, để kể ngọn ngành sự việc. Cũng vào thời điểm này, Hiệp định Paris (1973) được ký kết. Nhờ đó, thư từ giữa hai miền Nam Bắc mới được lưu thông.

Theo lời bà Lê Thị Thu Nguyệt, ông Lang đã gửi rất nhiều đường và bánh vào. Ông dặn rằng bà phải gọi các bạn đến rồi san sẻ. Trong khoảnh khắc đó, chỉ cần nghĩ đến việc gặp lại cha, sức sống của bà như tràn đầy trở lại. Tuyệt thực, đấu tranh, đả đảo, yêu sách, những ký ức nơi “địa ngục trần gian” mang tên Côn Đảo ấy rồi cũng sẽ đi xa bởi hình ảnh người cha trở đi trở lại trong tâm trí. Điều đó khiến bà Nguyệt kiên cường hơn.

 AHLLVTND Lê Thị Thu Nguyệt (nhân vật nguyên tác trong truyện ký Nụ cười chim sắt) chia sẻ về các lá thư từ người cha trong những năm tháng đất nước bị chia cắt. Ảnh: Đức Huy.

AHLLVTND Lê Thị Thu Nguyệt (nhân vật nguyên tác trong truyện ký Nụ cười chim sắt) chia sẻ về các lá thư từ người cha trong những năm tháng đất nước bị chia cắt. Ảnh: Đức Huy.

Trong lá thư ông Lê Đình Lang đã viết: “Niềm hy vọng dần dần biến thành sự thật, đó là con đã chiến thắng trở về và từng ngày miền Nam như vầng hồng lóe sáng, không còn bao lâu nữa những đau thương của ba cũng như các con sẽ được toại nguyện. Nói như thế không phải ba đang lạc quan tếu đâu mà một người cách mạng luôn phải cảnh giác đúng không con nhỉ?”.

Năm 1974, ra Bắc không được bao lâu với cha, bà Lê Thị Thu Nguyệt Nguyệt lại trở vào miền Nam theo tiếng gọi của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam để tiếp tục kháng chiến giành độc lập. Khi đất nước ta được thống nhất, bà Nguyệt mới bắt đầu đi tìm lại những bức thư của cha từ chiến khu cũ. Một số đã bị tiêu hủy khi bà bị địch bắt, một số vẫn còn giữ lại. Bà gói chúng lại thành một tập và mong rằng sau này các con mình sẽ đọc để hiểu về những năm tháng chiến tranh gian khổ ngày ấy.

Những trang viết giản dị của tướng Hoàng Đan và vợ

Mỗi người viết thư đều có một nỗi khắc khoải chờ đợi hồi âm. Có những lúc hai người không chờ nhận được của nhau rồi mới trả lời mà cứ viết liên tục. Đây cũng là câu chuyện về thiếu tướng Hoàng Đan và vợ trong tác phẩm Thư cho em.

Điển hình là tháng 4/1961, họ đã viết cho nhau tới 17 lá thư. Mỗi lá thư đều phác họa những nét lo toan đời thường của đôi vợ chồng trẻ.

Bà An Vinh bày tỏ nỗi nhớ chồng, chia sẻ việc chăm sóc các con nhỏ, nhất là khi bé Hồng đang yếu ớt. Bà viết: “Bé Hồng thì yếu lắm, hiện nay vẫn chưa đi được, mới mọc bốn răng, đau ốm luôn... Một tháng chỉ khỏe được mười ngày, còn lại thì sốt”. Từ chiến tuyến, Thiếu tướng Hoàng Đan dặn dò vợ về chi tiêu, chăm sóc con cái và cả việc chuẩn bị cho tương lai.

 Tướng Hoàng Đan và vợ - bà An Vinh. Ảnh: Nhã Nam.

Tướng Hoàng Đan và vợ - bà An Vinh. Ảnh: Nhã Nam.

“Mong em thương con chịu khó khuyên bảo An, nó bị thiếu tình cảm cha con, em nên thay anh an ủi nó luôn. Em nói chuyện nhiều về con cho anh với nhé. An và Hồng nó hay giận thì nó nói gì, làm gì em nhỉ”, thiếu tướng Hoàng Đan viết.

Không chỉ vậy, những lá thư còn tràn đầy yêu thương và khát khao đoàn tụ. Thiếu tướng Hoàng Đan luôn nói với bà An Vinh: “Cứ viết đều cho anh một tuần hai thư em nhé... Anh muốn đọc những đoạn kể chuyện tình yêu chúng ta”. Dù ở giữa chiến trường khốc liệt, ông vẫn dành những lời yêu thương đong đầy tình cảm cho vợ, nhắc nhở nhau cùng cố gắng vượt qua thử thách để hướng về ngày mai sum vầy.

Những lá thư của Thiếu tướng Hoàng Đan và bà An Vinh không chỉ là tài sản cá nhân mà còn mang giá trị lịch sử. Chúng cho thấy tình yêu vẫn có thể tồn tại và phát triển ngay cả trong những thời điểm khắc nghiệt nhất. Từ góc độ khác, các trang viết của Thiếu tướng Hoàng Đan là minh chứng cho lòng kiên cường của những gia đình Việt Nam trong chiến tranh. Những lá thư ấy là tiếng nói chân thực, trong trẻo của một tình yêu chân thành, giản dị mà sâu sắc, kết nối trái tim con người vượt qua mọi rào cản.

Sự nghiệp văn chương dang dở

Bên cạnh cuộc sống gia đình, những lá thư còn là nơi để giãi bày ước mơ. Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Văn Thân đã được tác giả Đặng Vương Hưng lưu lại trong cuốn sách Những lá thư thời chiến.

Sinh năm 1944 tại Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội, anh Nguyễn Văn Thân đã phải gác lại khát vọng cầm bút khi lên đường chiến đấu vào năm 1966. Trải qua sáu năm tại chiến trường Quảng Trị, người lính trẻ ấy luôn nuôi dưỡng một hoài bão lớn: sau chiến tranh sẽ viết một cuốn tiểu thuyết về cuộc đời người lính, chân thực và sinh động như chính những trang nhật ký mà anh tỉ mỉ ghi lại.

 Cuốn sách Những lá thư thời chiến. Ảnh: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

Cuốn sách Những lá thư thời chiến. Ảnh: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

Trong một lá thư gửi về từ chiến trường, anh viết: “Nếu anh có tài, anh sẽ viết văn về họ. Hình ảnh ấy đẹp lắm, sống lắm, và có ý nghĩa lắm...” Những dòng thư ấy không chỉ miêu tả vẻ đẹp của những người thanh niên xung phong miền Trung kiên cường, mà còn phác họa bức tranh sống động về lòng dũng cảm của cả dân tộc giữa bom đạn. Qua ngôn từ giản dị nhưng đầy cảm xúc, anh Nguyễn Văn Thân không giấu được sự trân trọng trước hình ảnh những “áo tím, súng vác trên vai, gỗ vác từng cây” và niềm tự hào về đất nước.

Dẫu mang trong mình ước mơ văn chương lớn lao, anh Thân chưa bao giờ có cơ hội thực hiện trọn vẹn giấc mơ đó. Trở về từ chiến trường năm 1972 với vết thương chiến tranh, anh phải lao vào cuộc sống mưu sinh. Vì vậy, ước mơ viết tiểu thuyết cứ thế bị gác lại. Tuy nhiên, suốt ba thập kỷ, anh vẫn cẩn thận giữ gìn những trang nhật ký, như một niềm tin mãnh liệt vào giấc mơ ngày nào. Đến năm 1996, anh qua đời khi chưa kịp bắt đầu hành trình sáng tác.

Hình ảnh người chiến sĩ ấy, với ước mơ dang dở nhưng không bao giờ tàn lụi, chính là biểu tượng cho ý chí và khát vọng của một thế hệ. Dù những trang sách mà anh hằng mong muốn chưa được hoàn thiện, nhưng qua cuốn nhật ký và những lá thư để lại, giấc mơ ấy đã trở thành một di sản sống động trong lòng người đọc hôm nay.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-la-thu-dong-day-yeu-thuong-tu-trong-khoi-lua-post1518078.html
Zalo