Tâm thế và trách nhiệm khi xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng

Theo kế hoạch, tháng 10-2025, tỉnh Thái Nguyên sẽ tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030. Cùng với công tác nhân sự, công tác chuẩn bị các văn kiện đại hội là nội dung rất quan trọng của mỗi kỳ đại hội Đảng. Phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội, về công tác chuẩn bị văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI.

Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, trao đổi với các đảng viên ở phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên).

Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, trao đổi với các đảng viên ở phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên).

P.V: Xin đồng chí cho biết công tác chuẩn bị xây dựng Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI được triển khai như thế nào?

Đ.c Phạm Hoàng Sơn: Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW, Ban Tổ chức Trung ương có Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác này.

Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 186-KH/TU ngày 30/7/2024 về đại hội đảng bộ các cấp tỉnh Thái Nguyên tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; đồng thời ban hành các quyết định về thành lập Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Nhân sự và Tiểu ban Phục vụ để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, nên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trên địa bàn tỉnh cần tập trung cao độ để chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, cùng cả nước hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Tiểu ban Văn kiện và các bộ phận liên quan đã nghiên cứu dự thảo văn kiện của Trung ương, bám sát Quy hoạch tỉnh và thực tiễn của địa phương để xây dựng dự thảo Đề cương Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, xin ý kiến các cấp lãnh đạo trước khi tham mưu xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị bảo đảm chất lượng, tiến độ, xứng tầm, thể hiện ý chí, sức mạnh và khát vọng vươn lên của toàn Đảng bộ, toàn quân và dân Thái Nguyên trong giai đoạn mới.

Thời điểm này là khoảng thời gian nước rút để các cấp ủy thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, đồng thời tập trung triển khai các nội dung công việc chuẩn bị cho đại hội nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Nhiệm vụ đặt ra ngay từ bây giờ là các cấp ủy đảng cần xác định rõ tâm thế và trách nhiệm, vào cuộc một cách khẩn trương, nghiêm túc, nhất là công tác chuẩn bị văn kiện đại hội.

P.V: Văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI sẽ được xây dựng như thế nào, thưa đồng chí?

Đ.c Phạm Hoàng Sơn: Tỉnh ủy xác định văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI là tài liệu hết sức quan trọng, định hướng cho giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, văn kiện được xây dựng trên cơ sở bám sát các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn của Trung ương đã nêu trong dự thảo các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; dự báo được tình hình, xác định rõ những thế mạnh, định hướng, trọng tâm phát triển của tỉnh gắn với chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của khu vực và cả nước.

Đặc biệt, các nội dung về phát triển KT-XH bám sát Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tạo sự đồng bộ, thống nhất về tầm nhìn, kế hoạch và giải pháp triển khai thực hiện.

Nguyên tắc xây dựng văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI tiếp tục được kế thừa từ các nhiệm kỳ trước, tập trung vào những tiêu chí: Phát huy các giá trị truyền thống, kế thừa những kết quả, thành tựu của các nhiệm kỳ trước; đánh giá hạn chế của tỉnh; trên cơ sở báo cáo tổng kết, đánh giá của các đơn vị, địa phương trong tỉnh; dựa trên đề cương hướng dẫn của Trung ương và nhất là dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng đã được Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, thông qua tại Hội nghị lần thứ 10 vừa qua; chủ trương, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, bài phát biểu tại các hội nghị.

Việc xây dựng văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI cần bảo đảm chất lượng và tiến độ, theo đúng chỉ đạo của Trung ương, gắn kết việc nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn trong các lĩnh vực, có tinh thần đổi mới...

Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì buổi làm việc với Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI về công tác chuẩn bị văn kiện Đại hội.

Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì buổi làm việc với Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI về công tác chuẩn bị văn kiện Đại hội.

P.V: Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI là văn kiện trung tâm, có vai trò định hướng cho các văn kiện khác. Báo cáo chính trị lần này sẽ có những điểm đặc biệt gì, thưa đồng chí?

Đ.c Phạm Hoàng Sơn: Nội dung Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã gợi mở nhiều vấn đề trong xây dựng Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI. Đó là cần tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Đặc biệt, từ nay đến năm 2045, Việt Nam có 2 dấu mốc rất quan trọng: Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2030) và kỷ niệm 100 năm thành lập nước vào năm 2045. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh: “Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Kỷ nguyên mới chính là kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ để Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, sánh vai với các cường quốc năm châu như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là ý tưởng quan trọng, thể hiện khát vọng của dân tộc và cũng là định hướng lớn đã được Hội nghị Trung ương 10 thống nhất trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng. Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI cũng sẽ xây dựng theo hướng này.

Báo cáo chính trị sẽ tập trung đánh giá trung thực, khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá; chỉ rõ những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Báo cáo chính trị cũng sẽ xác định rõ phương hướng, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cụ thể, nhiệm vụ, giải pháp sát với tình hình thực tế và có tính khoa học, khả thi cao trong nhiệm kỳ 2025-2030, chú ý các nhiệm vụ, giải pháp đột phá với tầm nhìn dài hạn.

Đặc biệt, Báo cáo chính trị lần này sẽ tách bạch nhiệm vụ trọng tâm và nhiệm vụ đột phá. Thời gian qua, chúng ta đưa ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm nhưng chưa thực hiện được vì nhiều nguyên nhân, trong đó có khâu dự báo, dự tính và cả khâu tổ chức thực hiện chưa toàn diện. Nhiệm vụ đột phá là để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm một cách tốt nhất…

P.V: Trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nhiệm vụ xây dựng Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới đặt ra những mục tiêu bứt phá gì, thưa đồng chí?

Đ.c Phạm Hoàng Sơn: Thời gian qua, Đảng bộ tỉnh đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn và đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển KT-XH, nổi bật là thu hút đầu tư nước ngoài, bắt đầu tự cân đối ngân sách trên địa bàn… Tuy nhiên, những thành tựu đó mới chỉ là tiền đề, tạo thế và lực cho tương lai, nên tiềm lực tích lũy để thực hiện các mục tiêu lớn chưa thật sự vững mạnh.

Trước những yêu cầu mới cần có tư duy mới, đột phá mới và tâm thế mới, đòi hỏi phát huy cao độ trí tuệ, khoa học và khát vọng lớn của toàn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh nhà. Xác định 3 đột phá chiến lược gắn với 3 đột phá của Trung ương trên 3 lĩnh vực: Thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới phải thể hiện được tư duy phát triển KT-XH của tỉnh trung tâm vùng, trong đó phát huy vai trò dẫn dắt để tạo ra dư địa mới nâng cao giá trị gia tăng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó cần đánh thức những tiềm năng và đột phá bằng kinh tế số trong chuyển đổi số… Tất cả nội hàm về những mục tiêu đó cần có những đánh giá khách quan, khoa học và toàn diện trước khi dự thảo Nghị quyết được lấy ý kiến rộng rãi.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên Phạm Hoàng Sơn:

“Việc chuẩn bị dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI là hết sức quan trọng, cần xác định đây là công trình khoa học, được triển khai thực hiện bài bản, kỹ lưỡng để văn kiện thực sự xứng tầm trình Đại hội, thể hiện được ý chí, sức mạnh vươn lên của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cũng như của từng đơn vị, địa phương trong thời gian tới.

Phải căn cứ vào kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, các chủ trương, chỉ đạo, định hướng của Trung ương, chương trình hành động của Tỉnh ủy và thực tiễn tình hình của tỉnh để đánh giá toàn diện, khách quan các vấn đề, xác định đúng đắn, bảo đảm sự thống nhất về chủ đề, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, những chủ trương, định hướng, quyết sách lớn, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong nhiệm kỳ mới”.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Trần Nguyên (Thực hiện)

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202412/tam-the-va-trach-nhiem-khi-xay-dung-nghi-quyet-dai-hoi-dang-07d12b2/
Zalo