Tâm thế mới cho vận hội mới

Ất Tỵ sẽ là năm đặc biệt khi chúng ta hân hoan kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng, 80 năm thành lập nước, 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 50 Ngày thống nhất đất nước, 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Một chặng đường với nhiều chông gai và thành công rực rỡ giờ là lúc tiến về phía trước, như lời khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Việt Nam sẽ tiến vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Điều này đồng nghĩa 2025 sẽ là năm mang dấu ấn đặc biệt với sự thay đổi lớn, bước ngoặt mới cho tiến trình xa hơn của Việt Nam.

Qua gần 40 năm đổi mới (từ 1986) đã tạo nên những thành tựu quan trọng với diện mạo mới, thế và lực mới cho đất nước. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Từ một vùng đất chưa có tên trên bản đồ thế giới, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến của các nhà đầu tư và du khách quốc tế.

"Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu.

"Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác Chiến lược và Đối tác Toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (P5), các nước lớn, và là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế”.

2025 sẽ chứng kiến việc đẩy mạnh tiến trình cải cách hành chính, trong đó nhận diện rõ những “điểm nghẽn thể chế”, thực hiện, kiến tạo bộ máy tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả. Cộng đồng quốc tế cũng nhìn thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc thay đổi, rất ủng hộ và nhận thấy rằng Việt Nam đang đi đúng hướng.

Cải cách đi đôi với tinh giản bộ máy từ trên xuống. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Tới đây, Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu. Không tinh gọn bộ máy không phát triển được”. Chính phủ hiện nay có 30 đầu mối, gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ.

Trong khi đó một nước đông dân như Trung Quốc cũng chỉ có 25 bộ, Đức có 14 bộ, Nhật Bản chỉ có 12 bộ. Muốn Chính phủ thực sự “gọn gàng”, tất yếu phải giảm số lượng các bộ, nói chính xác hơn là phải giảm số lượng các bộ đơn ngành, đơn lĩnh vực, tăng cường các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

Theo TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: “Chính phủ nên tinh gọn hơn nữa, còn khoảng 15-16 bộ là hợp lý. Hiện nay tất cả các quốc gia hiện đại nhất, giàu có nhất cũng chỉ có khoảng 10-12 bộ. Một quốc gia lớn như Mỹ cũng chỉ có Tổng thống, một Phó Tổng thống và nội các là các bộ trưởng. Chính phủ Đức cũng chỉ có Thủ tướng và nội các là các bộ trưởng.

Tại sao họ ít lãnh đạo nhưng quản lý đất nước rất tốt? Bởi họ làm đúng việc của họ. Đó là mô hình “nhà nước nhỏ - xã hội lớn”. Điều quan trọng là trong bộ máy Chính phủ cũng phải phân định rõ ràng, Thủ tướng làm gì, các thành viên Chính phủ (bộ trưởng) làm gì”.

Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất để đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Và Tổng Bí thư cũng đã đề cập, “nếu không biết hy sinh, không vì việc lớn của quốc gia, thì chúng ta không làm được”.

Hy vọng tất cả đều nhận thấy trách nhiệm của mình trước vận mệnh, thời cơ để đưa đất nước đạt được mục tiêu mà Đảng và Nhân dân đã chọn. Đó là xây dựng thành công nước Việt Nam XHCN, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc; đuổi kịp, tiến cùng, sánh vai với các cường quốc năm châu.

SGGP Đầu tư Tài chính

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/tam-the-moi-cho-van-hoi-moi-post119798.html
Zalo