Tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh: Kết quả đáng ghi nhận

Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán điều trị bệnh, tật trước và sơ sinh được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2021. Sau 3 năm thực hiện, chương trình này đã mang lại những hiệu quả tích cực, giúp phát hiện sớm dị tật bẩm sinh ở trẻ ngay từ giai đoạn bào thai, góp phần nâng cao chất lượng dân số của tỉnh.

Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh tuyên truyền, tư vấn sàng lọc sơ sinh cho sản phụ

Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh tuyên truyền, tư vấn sàng lọc sơ sinh cho sản phụ

Thực hiện Quyết định số 1999 ngày 7/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030, ngày 5/3/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 53 về thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu chủ yếu là mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh để nâng cao chất lượng dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 của tỉnh.

Bà Vũ Vân Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: Thực hiện kế hoạch, cơ quan dân số từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường tuyên truyền, phối hợp tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh (SLTS-SS), từ đó thúc đẩy người dân chủ động chi trả để thực hiện các dịch vụ SLTS-SS; tổ chức và phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cung cấp kiến thức cơ bản về tầm soát, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh cho cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản, tập huấn kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân cho cán bộ y tế thuộc cơ sở y tế tuyến huyện;… Qua đó, từng bước nâng cao tỷ lệ phụ nữ mang thai, trẻ sinh ra được tầm soát bệnh tật trên địa bàn.

Theo đó, từ năm 2023 đến nay, trung tâm y tế các huyện, thành phố đã tổ chức truyền thông trực tiếp được 450 buổi đến trên 6.700 lượt người nghe; tổ chức nói chuyện chuyên đề cung cấp các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, SLTS-SLSS đến trên 13.700 lượt người nghe; tư vấn tại trạm y tế các xã, phường, thị trấn, tư vấn tại các buổi thăm hộ gia đình về lợi ích của tầm soát, điều trị sớm các dị tật bẩm sinh ở trẻ đến trên 28.000 lượt người.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã tổ chức được 3 lớp tập huấn cung cấp các kiến thức cơ bản về tầm soát, điều trị sớm một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh cho 225 học viên là cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản; tổ chức 15 lớp tập huấn tại 15 xã với 900 học viên là đại diện các ban, ngành, đoàn thể xã, thôn về nội dung của chương trình...

Với các giải pháp trên, người dân trên địa bàn tỉnh đã dần nâng cao nhận thức, chủ động chi trả để sàng lọc một số dị, tật bẩm sinh cho con. Trường hợp chị T.T.T, xã Vạn Thủy, huyện Bắc Sơn là một ví dụ. Trong khi mang thai và sau khi sinh, chị T đều lựa chọn thực hiện SLTS-SLSS. Chị T cho biết: Khi mang thai ở tuần thứ 12, tôi đã lựa chọn dịch vụ xét nghiệm sàng lọc, sau khi sinh, tôi cũng cho con SLSS. Qua sàng lọc, tôi mới biết con bị thiếu men G6PD và tôi đã được các bác sĩ tư vấn can thiệp, điều trị sớm cho con. Sau một thời gian điều trị, đến nay, con tôi phát triển khỏe mạnh như những trẻ khác. Nếu không đưa con đi sàng lọc thì tôi sẽ không biết con của mình bị thiếu men G6PD để chăm sóc, nuôi dưỡng con đúng cách, khỏe mạnh.

Từ năm 2023, toàn tỉnh có trên 12.400 phụ nữ mang thai được SLTS, riêng 6 tháng đầu năm 2024 có trên 3.300 phụ nữ mang thai được sàng lọc (chiếm 65%); gần 6.600 trẻ sinh ra được SLSS, riêng từ đầu năm đến nay có 1.785 trẻ được SLSS (chiếm 53,1%, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó phát hiện có 49 mẫu nguy cơ cao với bệnh. Như vậy, tính đến nay, tỷ lệ phụ nữ có thai được tầm soát đã vượt 15% so với mục tiêu đã đề ra đến năm 2025, đạt 93% so với mục tiêu đến năm 2030; tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát đạt 75% so với mục tiêu đến năm 2025, đạt 59% so với mục tiêu đến năm 2030.

Qua đây có thể thấy, Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 đã mang lại những lợi ích thiết thực, giúp hạn chế hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn. Lạng Sơn đã và đang thực hiện hiệu quả chương trình này.

CẨM TÚ

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tam-soat-chan-doan-dieu-tri-mot-so-benh-tat-truoc-sinh-va-so-sinh-ket-qua-dang-ghi-nhan-5014326.html
Zalo