Tầm quan trọng của yếu tố tinh thần với Ukraine trong thế bị Nga dồn ép

Sau nhiều năm giao tranh, Nga và Ukraine đều đã thay đổi chiến thuật để thích ứng với tình hình chiến sự kéo dài. Trong khi Moscow không ngừng rót thêm binh lực và vũ khí ra chiến trường, Ukraine lại tìm cách thúc đẩy yếu tố tinh thần để đối phó Nga.

Ngày 17/9, Ukraine tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) tầm xa vào một kho đạn dược của Nga ở vùng Toropets, Tver. Ba ngày sau đó, hai kho đạn dược khác gần thị trấn Toropets ở phía Tây Bắc và Tikhoretsk ở phía Tây Nam của Nga tiếp tục trở thành những mục tiêu mới của Kiev.

Những cuộc không kích này đáng chú ý vì nhiều lý do. Thứ nhất, đây được xem là thành tựu mới nhất của Ukraine trong giai đoạn hiện tại của cuộc xung đột với Nga. Chỉ chưa đầy 1 tuần, với sự trợ giúp của UAV, Ukraine đã liên tiếp tập kích vào các kho đạn của Nga, trong nỗ lực phá vỡ năng lực hậu cần quân sự và làm chậm bước tiến của Moscow trên chiến trường. Chiến sự Nga-Ukraine hiện vẫn nóng ở tỉnh Kursk (Nga) và Donetsk, Kharkov (Ukraine) với thế chủ động lại thường thuộc về phía Moscow.

Xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: New Yorsk Times

Xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: New Yorsk Times

Thứ hai, Toropets - nơi diễn ra cuộc tấn công đầu tiên, chỉ cách biên giới Nga-Ukraine khoảng 480km. Kho vũ khí tại đây là một trong những cơ sở quân sự trọng yếu của Nga, có sức chứa tới 30.000 tấn nhiên liệu và đạn dược quân sự với nhiều loại vũ khí quan trọng, bao gồm tên lửa dành cho hệ thống Iskander, hệ thống tên lửa Tochka-U, bom dẫn đường trên không và các loại đạn pháo. Việc phá hủy một phần kho vũ khí này sẽ gây khó khăn cho Nga trong việc cung cấp đạn dược và vũ khí cho các lực lượng tham chiến tại khu vực biên giới.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, các cuộc tấn công bằng UAV sẽ không thay đổi cơ bản cục diện chiến trường hiện nay. Những nỗ lực này khó có thể mang lại kết quả vào năm 2024 nhưng sẽ cải thiện vị thế của Ukraine vào năm 2025 và có khả năng tiến xa hơn nữa.

Xung đột Nga-Ukraine chưa tiến đến hồi kết?

Khi cuộc xung đột mới bắt đầu hồi năm 2022, Điện Kremlin, dựa trên các tài liệu thu thập được, từng nhận định rằng cuộc xung đột với Ukraine chỉ cần 10 ngày để đi đến hồi kết.

Tương tự như vậy, Ukraine cũng từng đặt nhiều hy vọng vào chiến thắng quyết định trong cuộc tấn công mùa hè năm 2023, tuy nhiên, hy vọng ấy đã nhanh chóng bị dập tắt không chỉ bởi quân lực vượt trội của Nga mà còn bởi những điểm yếu về mặt cấu trúc trong các đơn vị Ukraine mới thành lập.

Giao tranh giữa Nga và Ukraine hiện đã bước sang năm thứ ba nhưng vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Trong cuộc phỏng vấn với đài ABC hôm 23/9, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố Ukraine "đang tiến gần hơn đến hồi kết của cuộc chiến" với Nga. Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết chỉ từ "vị thế mạnh mẽ" Ukraine mới có thể thúc đẩy Tổng thống Nga Vladimir Putin "chấm dứt xung đột".

Chuyên gia James Horncastle cho rằng, tuyên bố của ông Zelensky là “không thực tế”. Hiện tại, Nga đã điều chỉnh chiến thuật để thích nghi với tình hình chiến sự kéo dài, thay vì nỗ lực tìm kiếm một chiến thắng chớp nhoáng như ban đầu.

Tổng thống Ukraine Zelensky. Ảnh: CNN

Tổng thống Ukraine Zelensky. Ảnh: CNN

Moscow đã sử dụng lính đánh thuê từ Tập đoàn Wagner – với khoảng 5.000 nhân sự được triển khai khắp châu Phi, từ Libya đến Sudan, nhằm ổn định vị thế của mình ở Ukraine. Đồng thời, Nga cũng “bật đèn xanh” cho phép Wagner tuyển dụng thêm lính từ các nhà tù Nga.

Tháng 9/2022, Tổng thống Putin tuyên bố huy động thêm khoảng 300.000 quân quân dự bị. Những nỗ lực bổ sung quân số này đã mang lại cho Nga lợi thế vượt trội về mặt nhân sự, cho phép nước này tiếp tục các chiến dịch tấn công mới ở khu vực Donbas thuộc miền đông Ukraine, đồng thời tiến gần đến thành phố chiến lược Pokrovsk.

Các lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ và phương Tây đã phần nào ảnh hưởng đến khả năng sản xuất vũ khí của Nga; tuy nhiên, Điện Kremlin vẫn có thể mua vũ khí ở quy mô lớn từ ngành công nghiệp vũ khí trong nước cũng như từ các quốc gia như Iran và Triều Tiên. Kết hợp với chiến dịch ngoại giao của Nga ở châu Phi, Moscow không còn ở thế bị cô lập như các nước phương Tây nhận định và có đủ nguồn cung để tiếp tục chiến sự với Ukraine.

Tầm quan trọng của yếu tố tinh thần với Ukraine

Xung đột Nga-Ukraine là một cuộc chiến tiêu hao và hầu hết các phân tích đều cho rằng Nga đang nắm kèo trên do ưu thế về kinh tế. Tuy nhiên, một yếu tố bị nhiều nhà phân tích bỏ qua trong các cuộc chiến tranh tiêu hao là tầm quan trọng của yếu tố tinh thần.

Theo chuyên gia nghiên cứu chính trị quốc tế James Horncastle của The Conversation, đó là mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh toàn cảnh. Ukraine đã không bỏ qua điểm quan trọng này. Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Kursk và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã giúp thúc đẩy tinh thần đang suy yếu của binh lính Ukraine trên chiến trường và chứng minh cho các nhà tài trợ phương Tây thấy khả năng của Kiev có thể đi đến đâu.

“Những nỗ lực của Ukraine trong suốt mùa hè nên được xem xét qua lăng kính tinh thần. Khi làm như vậy, ta cũng thấy rõ, Ukraine không tìm kiếm những chiến thắng quyết định. Mỗi hoạt động quân sự của Kiev đều nhằm cải thiện khả năng chiến đấu lâu dài của họ, đồng thời làm suy yếu nguồn lực vật chất và tinh thần của Nga”, ông Horncastle nói.

Không có nỗ lực lớn nào của Ukraine trong suốt mùa hè, khi xem xét một cách riêng lẻ, có khả năng thay đổi đáng kể cục diện xung đột. Dù Ukraine đã đưa đưa chiến sự đến lãnh thổ Nga nhưng diện tích lãnh thổ mà Kiev giành quyền kiểm soát không đáng kể. Trước cuộc phản công lớn của Nga ở Kursk, nhiều nhà phân tích nhận định rằng, Ukraine có thể chỉ duy trì kiểm soát một phần lãnh thổ Kursk thêm vài tháng nữa trước khi bị đẩy lùi hoặc phải rút lui khỏi mặt trận này để tập trung cho phòng tuyến Donbass ở miền Đông và giảm tổn thất nhân lực.

Cũng trong cuộc phỏng vấn với ABC hôm 23/9, ông Zelensky cho rằng Nga “sợ” chiến dịch tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk, vì chiến dịch này là minh chứng cho thấy Moscow “không thể bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình”.

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine sẽ không thể cắt đứt nguồn cung quân sự của Nga theo hướng lâu dài. Tuy nhiên, các cuộc tấn công sử dụng UAV tự sản xuất này có thể tạo ra áp lực lên các đồng minh của Ukraine, buộc Mỹ và phương Tây “phá rào” cho phép Kiev sử dụng vũ khí phương Tây với phạm vi rộng hơn.

Hiện tại, những nỗ lực đàm phán nhằm đi đến hòa bình đang bế tắc. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, chỉ có thể bắt đầu đàm phán hòa bình nếu Kiev thừa nhận thực tế mới, nghĩa là quyền kiểm soát của Nga ở các vùng đất phía Đông và phía Nam Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga cũng yêu cầu Kiev phải từ bỏ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong khi đó, Tổng thống Zelensky yêu cầu Nga rút toàn bộ quân về nước và khôi phục biên giới hậu Xô Viết của Ukraine thì mới chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.

“Trong bối cảnh hiện nay, so sánh trên tương quan lực lượng giữa hai bên, rõ ràng những đòn tâm lý là cơ hội duy nhất mà Ukraine đang có”, ông Horncastle nói.

Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo The Conversation

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tam-quan-trong-cua-yeu-to-tinh-than-voi-ukraine-trong-the-bi-nga-don-ep-post1123700.vov
Zalo