Tâm lý mua hàng giá rẻ khiến hiệu sách lao đao
Tại Australia, trước sự lớn mạnh của các nền tảng thương mại điện tử và tâm lý săn hàng giá rẻ, các hiệu sách độc lập gặp khó khăn trong việc duy trì.
Tâm lý săn tìm hàng giá rẻ đang đẩy ngành kinh doanh sách tại Australia vào khủng hoảng. Số liệu từ một trang nghiên cứu độc lập cho thấy, trong vòng 10 năm qua, số lượng hiệu sách tại Australia đã giảm từ 2.879 (năm 2013) xuống còn 1.457 (năm 2023). Dù một số giải pháp đã được đưa ra, các nhà quản lý vẫn chưa thể đi đến kết luật cuối cùng.
Thế khó của các hiệu sách độc lập
Hiệu sách độc lập đang đối mặt với những thách thức lớn trong việc duy trì hoạt động giữa làn sóng cạnh tranh khốc liệt từ các nhà bán lẻ lớn và nền tảng trực tuyến như Amazon. Với các chính sách ưu đãi lớn, người tiêu dùng đã hình thành thói quen mua với mức giá giảm sâu.
Ray Bonner - nhà báo đoạt giải Pulitzer và đồng sở hữu hiệu sách Bookoccino tại Sydney - chia sẻ rằng việc kinh doanh hiệu sách hiện nay gần như không thể mang lại lợi nhuận. "Tiền lương tăng, giá thuê mặt bằng tăng, trong khi lượng sách bán ra giảm. Chúng tôi còn phải cạnh tranh với các nền tảng bán lẻ trực tuyến", ông Bonner nói.
Một tình huống éo le đã xảy ra là khi ông Bonner gặp một khách hàng muốn mua cuốn hồi ký Spare của Hoàng tử Harry. Giá niêm yết tại Bookoccino là 54,99 AUD, nhưng khách hàng lập tức so sánh với mức giá chỉ 32 AUD tại Big W (trang web bán sách online). Trước sự việc đó, ông Bonner giải thích rằng các hiệu sách độc lập không thể giảm giá quá sâu vì phải đảm bảo duy trì hoạt động, trong khi các nhà bán lẻ lớn có thể chấp nhận bán lỗ để thu hút khách hàng mua thêm các sản phẩm khác.
Tiểu thuyết gia Richard Flanagan cũng lên tiếng về thực trạng này. Ông chỉ ra rằng các nhà bán lẻ lớn sử dụng sách như một công cụ để kéo khách hàng vào cửa hàng, thay vì thực sự hỗ trợ ngành công nghiệp sách. Trong khi đó, các hiệu sách độc lập, với sự tận tâm và yêu sách, lại phải gồng gánh trên vai những áp lực tài chính lớn.
Dù vậy, phát ngôn viên của Big W cho rằng chiến lược giá rẻ của họ giúp sách trở nên "dễ tiếp cận và phù hợp với ngân sách của các gia đình". Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu chiến lược này có đang làm xói mòn giá trị văn hóa và sự tồn tại của các hiệu sách độc lập, vốn là nơi duy trì mối quan hệ thân thiết giữa sách và độc giả.
Giải pháp để hiệu sách và nền tảng bán lẻ trực tuyến chung sống
Trong bối cảnh ngành sách đối mặt với nhiều thách thức, việc tìm kiếm giải pháp để cân bằng giữa hiệu sách độc lập và nền tảng bán lẻ trực tuyến là cấp thiết. Một chính sách đáng chú ý là giá sách cố định (Fixed Book Pricing - FBP), hiện được áp dụng tại nhiều quốc gia châu Âu như Pháp và Đức. Chính sách này quy định các cửa hàng, cả trực tuyến lẫn truyền thống, không được phép bán sách mới dưới giá niêm yết trong khoảng thời gian từ 6 đến 18 tháng.
Tại Pháp, FBP đã giúp hệ thống hiệu sách độc lập phát triển mạnh mẽ, với hơn 3.500 cửa hàng và con số này vẫn tiếp tục tăng. Trong khi đó, Australia từng áp dụng FBP cho đến khi chính sách này bị bãi bỏ vào năm 1972. “Ở những quốc gia như Pháp, Đức hay Nhật Bản, chính sách FBP đã tạo ra môi trường giúp các hiệu sách độc lập tồn tại và phát triển. Khi bạn đến Pháp hoặc Italy, bạn sẽ thấy hiệu sách ở khắp mọi nơi”, Nhà văn Michael Robotham chia sẻ.
Tuy nhiên, FBP không phải là giải pháp hoàn hảo. Một số nhà xuất bản Australia lo ngại rằng, nếu FBP được áp dụng trở lại, người tiêu dùng có thể chuyển sang mua sách từ các quốc gia không áp dụng chính sách này như Mỹ hoặc Anh, dẫn đến nguy cơ hình thành thị trường sách lậu. Hiệp hội Nhà xuất bản Australia cũng chỉ ra tỷ lệ đọc sách tại quốc gia này đang giảm sút và cần có những cách tiếp cận khác để làm sách dễ tiếp cận mà không ảnh hưởng tới cán cân thương mại.
Bên cạnh FBP, việc hỗ trợ ngành sách cần tập trung vào chiến lược dài hạn nhằm bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ khỏi sự cạnh tranh thiếu công bằng từ các nhà bán lẻ lớn. Điều này có thể bao gồm việc khuyến khích các chương trình quảng bá văn hóa đọc, tổ chức sự kiện sách, hoặc thậm chí cung cấp các khoản trợ cấp cho hiệu sách độc lập.
Theo nhà văn Richard Flanagan, nếu không có hành động kịp thời, Australia sẽ đối mặt với nguy cơ trở thành một “sa mạc văn hóa” giống những năm 1950. “Chúng ta chỉ còn vài năm để tái cân bằng thị trường sách, nhằm giúp các hiệu sách không chỉ ngừng đóng cửa mà còn mở rộng trở lại”, ông Flanagan cảnh báo.