'Tâm lý con bạc' khi đổ vỡ trong chuyện tình cảm
Nhiều người chia sẻ rằng họ rất khó để cắt đứt hoàn toàn với người yêu cũ. Họ thường muốn giữ liên lạc với đối phương, mong có cơ hội quay lại, đây là tâm lý gỡ gạc giống con bạc.

Nhiều người vẫn muốn giữ liên lạc với người yêu cũ, mong tìm kiếm cơ hội hàn gắn. Ảnh: tVN.
Ám ảnh mất mát sinh ra do bạn coi mối tình đầu là một dạng “tổn thất”. Bạn coi tình cảm, sức lực mình bỏ ra tương đương với chi phí đầu tư, do đó hy vọng được hồi đáp, nhưng lại không có được nên nó biến thành tổn thất. Tuy nhiên, nếu chi phí đó vốn không liên quan đến lợi ích, phải chăng bạn sẽ không còn cảm giác mất mát?
Theo kinh tế học, một quyết định đúng đắn phải đảm bảo thu nhập trừ chi phí ra số dương. Nhưng khi tính toán lợi ích, không phải mọi chi phí đều được cộng vào, ngoại lệ đó gọi là chi phí chìm.
Chi phí chìm (sunk cost) là một khái niệm trong kinh tế học đề cập đến những chi phí đã bỏ ra không thể thu hồi và không liên quan đến quyết định ở hiện tại.
Khi quyết định có làm một việc gì đó hay không, con người tính đến cả lợi ích nó đem lại lẫn những gì đã đầu tư vào. Chúng ta gọi các thứ đã bỏ ra và không thể thu hồi như thời gian, tiền bạc, sức lực… là chi phí chìm.
Các chi phí đã phát sinh chỉ là một trong nhiều yếu tố tạo thành trạng thái hiện tại. Lúc đưa ra quyết định ở hiện tại, ta cần xem xét các chi phí có thể phát sinh trong tương lai và lợi ích mà chúng mang lại, chứ không phải chi phí phát sinh trong quá khứ.
Giáo sư Joseph Stiglid, người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001, nói rằng người bình thường hay bỏ qua chi phí cơ hội, trong khi các nhà kinh tế học thường bỏ qua chi phí chìm, đây là một sự khôn ngoan.
Ông lấy ví dụ: “Chẳng hạn bạn đã bỏ ra 7 USD để mua vé xem phim, xem được nửa tiếng thì cảm thấy bộ phim đó đúng là một thảm họa. Bạn có rời khỏi rạp phim không? Khi đưa ra quyết định, bạn nên bỏ qua chi phí 7 USD vì đó là chi phí chìm, dù đi hay ở thì bạn cũng đã bỏ ra 7 USD mua vé rồi.”
Có thể ví chuyện tình cảm như một thương vụ làm ăn, khi đầu tư bạn phải bỏ tiền bạc thì khi yêu cũng vậy, bạn sẽ phải bỏ ra và rất nhiều tình cảm. Khi công ty bạn đang đầu tư làm ăn thua lỗ, nhiều người vẫn bỏ thêm tiền vào "con thuyền sắp chìm" đó, mong gỡ gạc được chút ít. Chuyện tình yêu cũng như vậy, khi đối phương đơn phương chia tay, nhiều người vẫn muốn níu kéo.
Còn một điểm chung nữa trong hai vấn đề này. Nếu chuyện kinh doanh không thể cứu vãn, bạn có đổ thêm tiền vào cũng vô ích, sẽ mất cả chì lẫn chài. Khi trong tim người kia không còn tình cảm với bạn, níu kéo cũng cũng không được gì, chỉ thêm tổn thương mà thôi.
Mặc dù mối tình trước không có kết thúc trọn vẹn, nhưng bạn đã từng yêu thật lòng, cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc khi trao đi, cũng học được nhiều điều, trưởng thành hơn. Vậy nên tất cả đều đáng giá, trải nghiệm ấy sẽ giúp bạn hiểu và biết cách vun vén cho tình yêu hiện tại, đấy là điều bạn có được.