Tấm lòng từ thiện đến với Vân Đồn khắc phục thiên tai
Ngay khi biết tin trận siêu bão số 3 ập vào huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), gây thiệt hại nặng nề cho địa phương; mặc dù trời còn mưa, nhiều đoạn đường vẫn chìm sâu trong nước, cây cối gãy đổ chắn lối đi… Nhưng nhiều tấm lòng vàng thập phương đã tìm đến các nạn nhân thiên tai trên địa bàn, chia sẻ nỗi buồn mất mát và trợ giúp lương thực trong hoạn nạn.
Theo thông tin từ UBND huyện Vân Đồn, đến ngày 10/9/2024, (khi bão đã lắng xuống) địa phương sơ bộ thống kê mức độ thiệt hại: 1 người chết, 27 người bị thương; 2 địa điểm bị ngập lụt cục bộ tại thôn Xuyên Hùng, xã Đài Xuyên và thôn 10/10 xã Vạn Yên, hệ thống điện lưới, cáp quang, cột thu phát sóng mạng Mobiphone, Viettel ở 8 xã, thị trấn khu vực đảo Cái Bầu và 5 xã đảo xa khơi bị hư hỏng dẫn đến mất điện, mất nước, mất không tin liên lạc bằng điện thoại di động.
Nhiều cây xanh bóng mát bị đổ gãy trên các tuyến đường trục chính, đường xã, đường thôn và trong các khu dân cư. Thống kê ban đầu tại các xã nội đảo Cái Bầu có 4.285 cây gãy đổ; trong đó, cây đường giao thông bị đổ gãy 2.883 cây, đường thôn khu 1.402 cây; 9 căn nhà bị sập, 51 nhà bị tốc mái hoàn toàn, 1.094 nhà bị tốc từng phần.
Huyện Vân Đồn thiệt hại nặng nhất là nghề nuôi trồng hải sản, 1.120 cơ sở nuôi nhuyễn thể với 3.680ha gồm hàu, thưng, sần, ngao, tu hài, ốc; 218 cơ sở nuôi cá với 280ha, gồm cá song, cá giò, cá chim… bị mất trắng; và mất đứt 318 chiếc nhà bè vừa là phương tiện sản xuất vừa là nơi tá túc của ngư dân dạng lán trại.
Mất mát lớn nhất là hộ gia đình ông Long Văn Quảng, ở khu 9, thị trấn Cái Rồng bị vong thân khi sóng dữ đánh đắm nhà bè. Trước đó, ông Long Văn Quảng là chủ nhân của khoảng 350-400 lồng bè nuôi các loại cá, trị giá trên 200 tỷ đồng, mỗi ngày mua thức ăn cho cá trên dưới 100 triệu; trong đó bè nuôi cá song vang có lứa mỗi con nặng 30-50kg, thị trường khi được giá tới 500 nghìn đồng/kg.
Địa phương sóng biển dữ dội còn đánh đắm 31 chiếc tàu xi măng, 48 chiếc thuyền gỗ và đánh vỡ 9 chiếc thuyền khai thác hải sản tuyến lộng ven bờ.
Vân Đồn thiệt hại nặng thứ nhì là nghề rừng, khoảng 5.500ha cây gỗ keo từ 3-4 năm tuổi, nhiều cánh rừng sắp đến kỳ thu hoạch bị lật rễ, gãy đổ không còn khả năng tái sinh rừng, thân cây thu hồi chưa đủ quy cách bán… thợ rừng trắng tay. Nông dân thiệt hại, 295ha lúa bị đổ ngã mất trắng 80ha; diện tích hoa màu bị thiệt hại 70ha, có 30ha cây ăn quả.
Nhiều công trình xây dựng đầu tư công bị hư hại bao gồm: 20 trường học, tốc mái 27 nhà văn hóa thôn khu, tốc mái 5 trung tâm văn hóa xã; tốc mái, hỏng cổng trạm, biển trạm, hỏng nhà xe 9 trụ sở Trạm y tế xã; Trung tâm Y tế huyện nhiều khoa phòng bị vỡ kính, tốc mái, bị sập mái tôn, hỏng hệ thống cửa, hệ thống bảng biển đèn led, đổ nhiều cây trong khuôn viên; Trụ sở UBND các xã Đoàn Kết hỏng hoàn toàn hệ thống mái tôn phía trước; xã Hạ Long đổ tường rào, tốc mái ngói…
Thôn Xuyên Hùng, xã Đài Xuyên ngập lụt nặng, điểm dân cư ở thổ đất trũng mực nước ngập sâu đến 2m; 73 hộ nước lụt tràn vào nhà, trong đó 30 hộ ngập sâu trong nước khoảng 1,5m, 2 hộ sập nhà, 4 hộ chìm sâu trong nước công trình nhà cửa hư hại, nhiều tài sản, đồ gia dụng nước xiết cuốn trôi hoặc õng nước không tái sử dụng được.
Huyện Vân Đồn đề ra biện pháp khắc phục sau bão, huy động các lực lượng dọn dẹp các tuyến đường đảm bảo giao thông. Chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục xác minh và cử lực lượng tìm kiếm nạn nhân chưa liên hệ được trên biển. Thành lập các đoàn công tác xuống các xã, thị trấn chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại sau bão.
Chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền vận động nhân dân dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, ổn định đời sống nhân dân. Chỉ đạo Phòng Giáo dục cùng các trường học khắc phục thiệt hại sau bão để học sinh sớm đi học không bị gián đoạn dài ngày sau ngày khai giảng.
Đồng thời, huyện Vân Đồn đề xuất, kiến nghị ngành Điện, Viễn thông khẩn trương khắc phục hậu quả, bảo đảm thông tin liên lạc và điện lưới phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh. Đề nghị tỉnh cho cơ chế hỗ trợ đối với các hộ dân có nhà bị hư hỏng nặng; hỗ trợ người dân sản xuất, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do bão gây ra và các cơ sở sản xuất, kinh doanh bị thiệt hại khôi phục lại để phát triển sản xuất.
Hiện tỉnh Quảng Ninh, các cơ quan ban, ngành của tỉnh; các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; các nhà hảo tâm xa gần tự nguyện đến động viên người dân trong hoạn nạn, giúp đỡ của cải vật chất cho nạn nhân khắc phục hậu quả thiên tai. Riêng kênh Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tiếp nhận 10 tấn gạo, 2.000 hộp mì ăn liền chuyển đến tay những hộ bị thiệt hại nặng.
Xã Đài Xuyên trong ngày 12/9, đón nhận 8 đoàn thiện nguyện chở lương thực, thực phẩm chủ yếu là gạo, trong đó có thuốc chữa các loại bệnh dễ phát sinh sau giông bão tác động xấu đến môi trường và 250 xuất quà động viên nạn nhân trận bão số 3 này.
Công an huyện phối hợp với Hội Doanh nhân, Câu lạc bộ khởi nghiệp trẻ hỗ trợ bữa cơm nhân đạo với trên dưới 200 suất ăn miễn phí trong ngày, cho ngư dân trên biển đang tập trung khôi phục cơ sở nuôi trồng hải sản, tổ chức lại sản xuất.