Tấm lòng người dân Thủ đô dành cho Đại tướng Nguyễn Quyết

Với tấm lòng yêu mến, kính trọng Đại tướng Nguyễn Quyết, khi nghe tin ông từ trần, nhiều người dân Hà Nội bày tỏ sự tiếc thương vô hạn.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội Lê Như Đức:
Đại tướng để lại nhiều bài học cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Thiếu tướng Lê Như Đức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội. Ảnh: Hiền Phương

Thiếu tướng Lê Như Đức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội. Ảnh: Hiền Phương

Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Quyết là biểu tượng sáng ngời tinh thần yêu nước, kiên trung, tài năng lãnh đạo.

Ông là vị Bí thư Thành ủy trẻ tuổi nhất, lãnh đạo Hà Nội ở thời điểm lịch sử quan trọng với dấu ấn đậm nét trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Quyết định Hà Nội tiến hành khởi nghĩa vào ngày 19-8-1945, bằng lực lượng tại chỗ, không chờ Quân giải phóng từ chiến khu về tại Hội nghị do Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết chủ trì cho đến nay vẫn là quyết định táo bạo, khẳng định tầm nhìn và quyết tâm dám nghĩ, dám làm của người lãnh đạo.

Đặc biệt, trong giai đoạn mới - giai đoạn cả đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, những kinh nghiệm dựa vào dân, huy động sức dân trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 của Đại tướng Nguyễn Quyết cần được áp dụng và phát huy hơn bao giờ hết.

Tưởng nhớ và tri ân Đại tướng Nguyễn Quyết đối với sự phát triển Thủ đô, các cấp Hội Cựu chiến binh thành phố sẽ tích cực tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, hội viên cựu chiến binh và thế hệ trẻ về tấm gương của Đại tướng. Cùng với đó, mỗi cựu chiến binh sẽ chắt lọc những bài học kinh nghiệm trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông, học tập tấm gương ông để cùng nhau nguyện đoàn kết một lòng, tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tham gia thực hiện có hiệu quả các hoạt động ở địa phương, đơn vị; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nhà báo Nguyễn Năng Lực:
Một trí tuệ mẫn tiệp, một tác phong giản dị, một cuộc đời trong sáng vô cùng

Đại tướng Nguyễn Quyết và nhà báo Nguyễn Năng Lực. Ảnh: Nguyễn Năng Lực

Đại tướng Nguyễn Quyết và nhà báo Nguyễn Năng Lực. Ảnh: Nguyễn Năng Lực

Tháng 8-2014, tôi đi cùng gia đình bà Thái Tiên, lão thành cách mạng đến mừng thọ Đại tướng Nguyễn Quyết. Bà Thái Tiên là vợ ông Thái Hy, một trong những người lãnh đạo Đoàn Thanh niên Tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu, hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Thủ đô. Lần đầu tiên được gặp người Bí thư Thành ủy ở tuổi 23 đã tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi ở Thủ đô, tôi không khỏi xúc động trước tác phong giản dị và trí tuệ mẫn tiệp của vị tướng đã ngoài 90 tuổi.

Tôi thưa: “Cháu là cựu chiến binh, là lính của bác, cháu công tác tại Báo Hànôịmới, xin phép được nói chuyện với bác về Cách mạng Tháng Tám”. Được ông đồng ý, hôm ấy tôi có tư liệu viết bài. Ngày 1-9-2014, bài báo “Người chỉ huy cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Hà Nội” đăng trên báo nhà, tôi mang báo đến biếu Đại tướng. Đọc xong, ông rất vui, nói: “Tôi vốn không thích tiếp xúc với báo chí, nhưng gặp đồng chí, tôi đã thay đổi quan niệm”.

Đại tướng Nguyễn Quyết để lại dấu ấn sâu đậm trong thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Thủ đô Hà Nội và trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam. Ở tuổi 23, lứa tuổi ngày nay nhiều bạn trẻ còn “ăn chưa no, lo chưa tới”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết đã cùng Thành ủy đưa ra quyết định sáng suốt trong hoàn cảnh các sự kiện diễn biến rất khẩn trương.

Ngày 17-8-1945, Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu cướp diễn đàn biến cuộc mít tinh ở Quảng trường Nhà hát Lớn của Tổng hội Viên chức ủng hộ chính quyền Trần Trọng Kim thân Nhật thành cuộc tuần hành thị uy của quần chúng cách mạng. Ngay tối 17-8, Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết triệu tập Hội nghị quân sự, họp tại nhà bà Hai Nhã ở thôn Dịch Vọng Tiền, quyết định: Hà Nội sẽ tổng khởi nghĩa vào ngày 19-8, không chờ chi viện của trên.

Phương thức khởi nghĩa là huy động lực lượng quần chúng tại chỗ uy hiếp, thị uy, lực lượng tự vệ chiến đấu làm nòng cốt, phân công cán bộ chỉ huy lực lượng cách mạng đánh chiếm các cơ quan trọng yếu của chính quyền bù nhìn. Đích thân Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết chỉ huy lực lượng cách mạng đánh chiếm Trại Bảo an binh của địch. Tại đây có 1.000 lính bảo an trang bị vũ khí hiện đại đóng giữ. Bộ Chỉ huy Quân đội Nhật điều hai xe tăng và hàng trăm lính bao vây, buộc ta đầu hàng.

Nhờ sách lược khôn khéo, chúng ta đã thuyết phục tướng Nhật rút quân, chỉ huy trại Bảo an binh đầu hàng, giao nộp kho vũ khí, doanh trại cho cách mạng. Hôm đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết đã “chi viện” phương pháp đấu tranh, vận động, thuyết phục địch cho lực lượng cách mạng Hà Đông. Nhờ đó, Hà Đông khởi nghĩa thắng lợi.

Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội mang dấu ấn của người Bí thư Thành ủy, là cuộc cách mạng mang tính nhân văn sâu sắc, đầy sáng tạo. Hà Nội không phải nổ súng, không đổ máu mà cách mạng thành công. Cách làm của Hà Nội được Tổng Bí thư Trường Chinh đề nghị vận dụng để giải phóng thị xã Thái Nguyên do một đại đội lính Nhật chiếm đóng. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Trường Chinh đã nhận xét: Thắng lợi của Hà Nội mở đường cho thắng lợi của cả nước.

Sau khi lãnh đạo khởi nghĩa thành công ở Hà Nội, Đại tướng Nguyễn Quyết đảm nhận nhiều trọng trách của Đảng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, Năm 1946, ông tham gia lãnh đạo Liên khu V kháng chiến, đập tan cuộc hành quân Atlante của Pháp, chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, mở ra khu giải phóng đầu tiên của ta trong vùng địch tạm chiếm.

Năm 1972, với cương vị Chính ủy Quân khu III, ông đã chủ động cho Hải Phòng sơ tán triệt để trước khi B-52 Mỹ đánh phá hủy diệt, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Năm 1976, Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân khu III Nguyễn Quyết đã phát động phong trào “Vươn ra Biển Đông, làm giàu đánh thắng”. Trong 10 năm (1976-1985), dưới sự lãnh đạo của ông và Bộ Tư lệnh, quân dân Quân khu III đã lấn biển được 55.468ha, đắp con đường ra bán đảo Đình Vũ, đường xuyên đảo Cát Hải, Cát Bà, góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế huyện đảo, tăng cường khả năng quốc phòng tại địa bàn trọng yếu. Ông cũng là người sớm đề xuất chủ trương phát triển kinh tế hộ gia đình, "cởi trói" cho lực lượng sản xuất, đưa nền kinh tế đất nước tiến lên, đạt được những thành tựu vượt bậc...

Về hưu năm 1992 với cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Đại tướng sống giản dị trong căn nhà khiêm tốn trong khu tập thể Quân đội, trước khi ông mất 3 năm đã được sửa sang, tu tạo. Trong những năm gần đây, năm nào tôi cũng được gặp ông, được ông cho quà Tết.

Điều gì khiến một cậu bé nông dân 15 tuổi trưởng thành trong bão táp cách mạng như vậy. Đại tướng nói với tôi: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh là bài học có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam và cuộc đời tôi. Cách mạng Việt Nam phải dựa vào quần chúng, sức mạnh của cách mạng là ở nhân dân. Không có quần chúng kém, chỉ có lãnh đạo tồi. Người lãnh đạo, nhất là ở cấp chiến lược càng phải biết dựa vào quần chúng, phải biết sửa sai, chống tả khuynh, chống hữu khuynh để giành thắng lợi.

Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Nguyễn Đức Tiến:
Trong mọi hoàn cảnh đều không được bi quan và cũng không chủ quan

Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Nguyễn Đức Tiến trong một lần đến thăm Đại tướng Nguyễn Quyết. Ảnh: Nguyệt Ánh

Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Nguyễn Đức Tiến trong một lần đến thăm Đại tướng Nguyễn Quyết. Ảnh: Nguyệt Ánh

Tôi may mắn được đến thăm, chúc thọ Đại tướng 8 lần, mỗi lần gặp ông là một lần được “truyền lửa” bởi tinh thần, phong thái và những câu chuyện ông kể, những thông điệp ông gửi gắm.

Ông nhắc lại nhiều lần: Ngày 19-8-1945 mãi là một trong những ngày đẹp nhất cuộc đời của người dân Hà Nội, người dân Việt Nam và các thế hệ thanh niên... Thanh niên Việt Nam thời nào cũng giỏi, cũng yêu nước, Đoàn phải biết tập hợp và phát huy thanh niên làm cách mạng...

Ông tham gia cách mạng khi đang ở tuổi thiếu niên và làm Bí thư Thành ủy Hà Nội khi mới 23 tuổi. Ở lứa tuổi ấy, nhiều người trẻ hôm nay vẫn còn đang ngủ nướng và chưa xác định được sự nghiệp.

Như lời ông kể: Năm 15 tuổi tôi tham gia hoạt động cách mạng trong bối cảnh đầy khó khăn, thử thách, có người nói chúng tôi như những "con thiêu thân" lao vào chỗ chết... nhưng với niềm tin vào Đảng, vào cách mạng Việt Nam, chúng tôi đã chứng minh điều ngược lại...

Qua những câu chuyện kể, ông muốn gửi gắm đến thanh niên một thông điệp: Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng là tấm gương lớn cho thế hệ trẻ Việt Nam ở mọi giai đoạn học tập và làm theo, đó là tình yêu quê hương đất nước lớn lao; là niềm tin tuyệt đối vào sự nghiệp cách mạng, vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; là quyết tâm đến cùng với mục tiêu, lý tưởng sống của mình dẫu có phải chịu đựng nhiều hy sinh, gian khổ; là sự cống hiến, phụng sự hết mình đối với Tổ quốc, nhân dân...

Trong những lần gặp, trao đổi thân tình, ông muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ thông điệp: “Ở bất cứ giai đoạn nào, thanh niên phải luôn đổi mới, sáng tạo; Cách mạng Tháng Tám thành công cũng là do đổi mới, sáng tạo”. Làm gì cũng phải kiên định, trong mọi hoàn cảnh đều không được bi quan và cũng không được chủ quan.

Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; trong 100 triệu người dân Việt Nam, “cái vươn mình” của thanh niên có lẽ sẽ mang lại nhiều xung lực, khí thế nhất; trong đó, thanh niên Thủ đô sẽ tiếp tục phải gương mẫu, đi đầu trong nhiều nhiệm vụ; trong kỷ nguyên mới đòi hỏi thanh niên cần có những tư duy, việc làm cụ thể và thiết thực.

Nguyệt Ánh - Hiền Phương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tam-long-nguoi-dan-thu-do-danh-cho-dai-tuong-nguyen-quyet-688667.html
Zalo