Tấm lòng của thầy Tùng dành cho học sinh
Hơn 17 năm công tác tại các điểm trường đặc biệt khó khăn ở tỉnh Gia Lai, thầy Vũ Văn Tùng, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp thuộc xã Pờ Tó (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) luôn trăn trở làm sao để học sinh được ăn no, mặc ấm, có đầy đủ sức khỏe để học con chữ.
Sinh ra tại mảnh đất Diễn Châu (Nghệ An) nhưng từ nhỏ, Vũ Văn Tùng cùng gia đình đã chuyển vào Đắk Lắk sinh sống. Ngày đó, việc theo học hết trung học phổ thông với học sinh ở Tây Nguyên là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, được sự động viên của gia đình và các thầy cô giáo, cậu học trò Vũ Văn Tùng luôn nỗ lực hết mình với ước mơ sau này trở thành thầy giáo. Vượt qua nhiều khó khăn, năm 2005, Vũ Văn Tùng tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử, Trường Đại học Đà Lạt, năm 2007 thì trúng tuyển biên chế giáo viên của tỉnh Gia Lai.
Những ngày đầu nhận nhiệm vụ, không ít lần thầy Tùng phải lên rẫy tìm học sinh, thuyết phục bố mẹ các em cho con mình đến trường. “Tôi nhớ mãi lần đến vận động gia đình em Đinh Đuich. Do hoàn cảnh khó khăn, nhà lại đông con nên bố mẹ cho Đuich nghỉ học khi em mới học xong tiểu học. Khi đến nhà, bố em từ chối thẳng thừng, hỏi tôi rằng học để làm gì, có tiền đâu mà học... rồi đi thẳng vào rừng. Tuy nhiên, bằng tất cả sự chân thành, cuối cùng tôi đã thuyết phục được bố mẹ Đuich cho em trở lại trường”, thầy Vũ Văn Tùng chia sẻ.
Năm 2015, về nhận công tác tại Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, thầy Tùng nhận thấy cứ đến giờ ra chơi, nhiều học sinh lại bỏ về nhà tìm đồ ăn vì đói bụng. Từ đó thầy nảy ra ý định triển khai dự án “Tủ bánh mì 0 đồng” để phát bánh mì miễn phí cho học sinh. Ngày đầu chở bánh mì đến trường, sau khi phát hết bánh vẫn còn nhiều cánh tay giơ lên gọi “thầy ơi, thầy ơi...”. Thế là thầy Tùng quyết định trích một phần tiền lương của mình để mỗi ngày mua đủ 200 ổ bánh mì tặng các em. Nhờ tấm lòng của thầy giáo Vũ Văn Tùng, giờ đây hơn 200 học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp đều đặn được hỗ trợ bữa ăn sáng vào thứ 2, 4, 6 hằng tuần. “Thực đơn bữa sáng cũng ngày càng được cải thiện, có thể là bánh mì, bánh bao, xôi kèm thêm xúc xích, chả, trứng, thịt... Mong rằng điều này sẽ tạo động lực giúp các em tiếp tục cố gắng trên hành trình đi tìm con chữ...”, thầy Tùng bày tỏ.