Tâm huyết, trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ

Thực hiện nhiệm vụ là trách nhiệm, vinh dự của quân nhân. Trước khi giao nhiệm vụ, cấp ủy, người chỉ huy đều phải hội ý, bàn bạc, thống nhất về yêu cầu nhiệm vụ, những vấn đề có thể nảy sinh, đồng thời đánh giá khả năng hoàn thành nhiệm vụ của từng cán bộ để xác định nội dung, phân công, giao nhiệm vụ cho phù hợp; đồng thời, giúp quân nhân phát huy tốt sở trường, có cơ hội thử thách, khẳng định năng lực của bản thân.

 Bộ đội Tiểu đoàn Vượt sông 4, Lữ đoàn Công binh 25, Quân khu 9 thực hiện thu gom bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh. Ảnh: HỮU TÀI

Bộ đội Tiểu đoàn Vượt sông 4, Lữ đoàn Công binh 25, Quân khu 9 thực hiện thu gom bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh. Ảnh: HỮU TÀI

Thực tế là phần lớn cán bộ, chiến sĩ toàn quân khi được giao nhiệm vụ đều luôn nỗ lực, âm thầm khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình, đáp lại sự tin tưởng, kỳ vọng của tổ chức và cấp trên; được ghi nhận xứng đáng. Thế nhưng, cũng có trường hợp thay vì “tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác” thì lại luôn miệng kêu ca, phàn nàn, so sánh, tị nạnh với đồng đội, viện đủ lý do khó khăn để lấp liếm hạn chế, thiếu sót của bản thân, kết quả, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ. Cũng có trường hợp hoàn thành nhiệm vụ xong rồi lại cố kể lể, bôi vẽ vướng mắc này, khó khăn kia để... nâng công, “nâng tầm” bản thân. Dù vì lý do, mục đích nào thì những biểu hiện trên đã đi ngược lại với truyền thống “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua” của Quân đội ta và không xứng đáng với tư cách quân nhân.

Thực tế hiện nay cho thấy, cường độ công việc, yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao với nhiều nhiệm vụ mới đòi hỏi quân nhân phải có sự nỗ lực lớn. Nhiệm vụ nào cũng có thuận lợi, khó khăn riêng. Nếu xác định tốt tư tưởng, có ý thức, trách nhiệm, quyết tâm thực hiện bằng được thì khó khăn sẽ biến thành thuận lợi. Hơn nữa, chỉ có đối mặt và vượt qua khó khăn, thử thách thì mới biết khả năng của bản thân tới đâu. Chỉ có kết quả hoàn thành nhiệm vụ thực chất mới giúp quân nhân khẳng định năng lực, tạo dựng uy tín cho bản thân; không bị tụt lại so với đồng đội. Muốn thế, thay vì than vãn, tìm cách “lăng xê” bản thân, quân nhân cần xác định tốt chức trách, nhiệm vụ; mang hết tâm huyết, trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ nhanh chóng, chính xác, đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, thường xuyên, nghiêm túc rút kinh nghiệm những nội dung công việc chưa tốt để thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo.

NGUYỄN ĐỨC TUẤN

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nghiêm khắc với "bệnh" làm ít, kể nhiều

“Bệnh” làm ít, kể nhiều có tác hại khôn lường. Nếu cấp ủy, chỉ huy không tỉnh táo, nghiêm khắc với quân nhân mắc “bệnh” này sẽ dễ làm ảnh hưởng đến phong trào thi đua chung của tập thể và những nỗ lực, cố gắng phấn đấu của cá nhân. Đâu là nguyên nhân và những tác hại cùng cách phòng, trị “căn bệnh” này?

Đại tá NGUYỄN VĂN LONG, Phó chính ủy Sư đoàn 8, Quân khu 9: Hại cả bản thân và tập thể

Theo quan điểm cá nhân của tôi thì “bệnh” làm ít, kể nhiều là làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, không từ chỗ gốc, chỗ chính. Làm được ít suýt ra nhiều để cho oai, nhưng xét kỹ lại thì không được như thực tế. Làm việc chỉ nhằm về hình thức bề ngoài, mang tính chất phô trương. Thành công ít thì lại suýt ra nhiều, còn khuyết điểm giấu đi, không nói đến. Thực tế ở đơn vị, một số ít cán bộ, chiến sĩ mắc "bệnh" này vẫn còn xuất hiện. Có tư tưởng chạy theo thành tích, hình thức phô trương, tình trạng báo cáo khống số liệu, không trung thực vẫn còn diễn ra. Đặc biệt là tình trạng nâng thành tích để đạt chỉ tiêu, tạo ấn tượng tốt đối với cấp trên.

“Bệnh” làm ít, kể nhiều gây tác hại nặng nề đối với bản thân và cả tập thể. Đối với cá nhân, "bệnh" này làm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, không đạt hiệu quả trong quá trình làm việc, dễ nảy sinh tư tưởng háo danh, trục lợi cá nhân, phá hoại phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, đối với tập thể, “bệnh” này làm giảm hiệu quả công việc, đánh giá sai lệch thực chất chất lượng làm việc của tập thể; khiến cấp trên nhìn nhận sai về tình hình thực tiễn, chất lượng làm việc của đơn vị; làm thui chột nhiệt huyết của những cán bộ chân chính, làm việc, cống hiến thật sự và gây chán nản, mất lòng tin cho những cán bộ, chiến sĩ cấp dưới, thậm chí mất đoàn kết nội bộ.

 Quyết tâm cao giúp cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân vượt qua mọi khó khăn, thực hiện tốt các nhiệm vụ, trong đó có cứu giúp ngư dân bị nạn trên biển. Ảnh: VĂN QUYỀN

Quyết tâm cao giúp cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân vượt qua mọi khó khăn, thực hiện tốt các nhiệm vụ, trong đó có cứu giúp ngư dân bị nạn trên biển. Ảnh: VĂN QUYỀN

Theo tôi, để ngăn chặn và trị “bệnh” này, trước hết, phải tăng cường công tác giáo dục. Vì chỉ có giáo dục mới giúp cán bộ, chiến sĩ có cái nhìn sâu sắc về nguồn gốc, bản chất, sự phát sinh, phát triển, biểu hiện và những biến tướng của “bệnh”. Giáo dục thường xuyên để mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn nhớ và suy ngẫm nâng cao lòng tự trọng, biết tự thanh lọc tâm hồn và gột rửa tâm lý háo danh, kèn cựa của chính mình; thường xuyên tu dưỡng nâng cao ý thức trách nhiệm, phòng ngừa những biểu hiện “bệnh” làm ít, kể nhiều, háo danh; đồng thời, nỗ lực phấn đấu, cống hiến bằng chân tài, thực đức của mình. Bên cạnh đó phải nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình trong tập thể và mỗi cá nhân để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc trong đơn vị.

Trung tá ĐÀO TRỌNG VĨNH, Phó chính ủy Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân: Nguyên nhân từ lười rèn luyện, thiếu trách nhiệm

Việc làm được ít nhưng kể nhiều là một trong những biểu hiện của bệnh thành tích. Đây là việc làm thể hiện sự không trung thực, nói không đi đôi với làm, thiếu tinh thần tự phê bình, là một trong những biểu hiện của suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống. Những quân nhân mắc “bệnh” này thường lười học tập, rèn luyện, cẩu thả, thiếu trách nhiệm, thiếu sự nỗ lực phấn đấu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nếu cấp ủy, người chỉ huy đơn vị không thận trọng, tỉnh táo thì rất dễ đánh giá không chính xác về năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cấp dưới, dẫn tới hạn chế mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Đây còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy giảm sự phấn đấu vươn lên của tập thể, cá nhân, làm thui chột động lực thi đua trong đơn vị.

Các tàu của Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân thường xuyên thực hiện nhiệm vụ độc lập, dài ngày trên biển. Cán bộ, chiến sĩ luôn phải sẵn sàng xử trí các tình huống phức tạp có thể xảy ra... Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, Lữ đoàn nói không với bệnh thành tích; cấp ủy, chỉ huy các cấp chủ động giáo dục để cán bộ, chiến sĩ xác định tốt tư tưởng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; duy trì nghiêm công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên cũng như đột xuất. Các cơ quan, đơn vị phát huy dân chủ cơ sở, đặc biệt trong công tác thi đua-khen thưởng; phát hiện, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến đi đôi với việc uốn nắn, chỉnh sửa, xử lý kịp thời các biểu hiện lười học tập, rèn luyện; đánh giá đúng người, đúng việc, đúng thực chất kết quả hoàn thành nhiệm vụ của từng tập thể, cá nhân.

Trung tá NGUYỄN THANH THUẬN, Chính trị viên Tiểu đoàn 6, Lữ đoàn Pháo phòng không 226, Quân khu 9: “Làm màu” để che giấu hạn chế, thiếu sót

“Bệnh” làm ít, kể lể nhiều được hiểu là một người hoàn thành được ít việc, nhiệm vụ nhưng lại hay kể lể, khoe mẽ; hoặc một người đề cập nhiều đến công việc, nhiệm vụ cụ thể nhưng thường không đưa ra hành động thực tế để hoàn thành những gì mình nói. Họ có thể dành nhiều thời gian để nói về mục tiêu của mình, nhưng thường không có đủ năng lực, kiên trì và đam mê để đạt được. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu tự tin và mất niềm tin vào bản thân, đồng thời làm giảm uy tín của họ trong mắt người khác. Tóm lại, nguyên nhân cốt lõi của “bệnh” này xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân mà ra, vì ít làm, làm không tốt nên sinh ra nói nhiều, kể lể nhiều để “làm màu” và che giấu, lấp liếm hạn chế, thiếu sót.

Ngoài ra, theo tôi, còn một số quân nhân có quan điểm “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”, cho nên họ kể lể nhiều, làm ít, hoặc không làm, lấy cái sai của người khác để “làm nền” cho thành tích của mình. Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới cũng chỉ rõ: Một số cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, quần chúng sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống thực dụng, băn khoăn dao động trước diễn biến phức tạp của tình hình nhiệm vụ, phát ngôn thiếu tính xây dựng, nể nang, né tránh, ngại va chạm, làm việc cầm chừng, tính toán thiệt hơn, xa rời thực tiễn... Như vậy, rõ ràng nếu một quân nhân mắc “bệnh” làm ít, kể lể nhiều sẽ gây nguy hại vô cùng, càng không thể hiện nét đẹp của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Để ngăn chặn, đấu tranh với “căn bệnh” này, khi triển khai nhiệm vụ cho cấp dưới, cấp trên phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ kết quả hoàn thành, có chính sách khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời cũng như nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm nếu chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Trung úy NGUYỄN VĂN MINH, Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 8, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1: Đã được giao nhiệm vụ thì phải cố gắng làm tốt

Là trung đội trưởng nên tôi thường xuyên làm việc trực tiếp với bộ đội. Do đặc thù quân số của trung đội đông, hạ sĩ quan, binh sĩ xuất phát từ nhiều vùng miền, trình độ học vấn khác nhau; để quản lý, chỉ huy bộ đội có hiệu quả, mỗi khi triển khai nhiệm vụ cho trung đội, tôi phải hướng dẫn bộ đội thật cụ thể, tỉ mỉ; nếu chiến sĩ thực hiện chưa đúng ý định thì tôi sẽ tiếp tục bồi dưỡng, phân công tiểu đội trưởng kèm cặp giúp đỡ để anh em làm tốt hơn. Một trong những thói quen mà tôi chưa bao giờ bỏ, kể cả những việc nhỏ nhất đó là đi kiểm tra chất lượng thực hiện nhiệm vụ của bộ đội. Kiểm tra mới giúp tôi kiểm soát, điều hành công việc của trung đội được. Nhiệm vụ của trung đội trưởng vất vả, eo hẹp về thời gian, song tôi chưa bao giờ than vãn vì xác định đó là nhiệm vụ của mình, phải cố gắng làm thật tốt. Hơn nữa, đã là cán bộ thì nên nói ít, làm nhiều, nêu gương trước bộ đội; tự hành động sẽ toát ra việc làm.

QĐND

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/tam-huyet-trach-nhiem-de-hoan-thanh-tot-nhiem-vu-748242
Zalo