Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam: Nguyện vọng và lợi ích chung cho tất cả

Kể từ năm 1999, khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV-DTA) đã trở thành minh chứng cho tinh thần của khu vực Đông Nam Á.

Ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam đã và đang tăng cường hợp tác vì lợi ích của tất cả. Ảnh minh họa: CVT/Công an nhân dân Online

Ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam đã và đang tăng cường hợp tác vì lợi ích của tất cả. Ảnh minh họa: CVT/Công an nhân dân Online

Phản ánh xu hướng thời bấy giờ, việc thành lập CLV-DTA xuất phát từ mong muốn chung là thúc đẩy chủ nghĩa khu vực cởi mở và toàn diện, đồng thời thu hẹp khoảng cách phát triển trong cộng đồng ASEAN.

Nhằm thúc đẩy thịnh vượng chung và nỗ lực đưa các nước lên ngang bằng về kinh tế đối với các đối tác ASEAN, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đã và đang áp dụng nhiều khuôn khổ khu vực khác nhau, đơn cử như Hội nghị cấp cao CLMV và Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI).

Có thể nói rằng, CLV-DTA tiếp tục đóng vai trò không thể thiếu trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên ASEAN. Kết nối xuyên biên giới không chỉ là xây dựng đường sá, mà còn là thúc đẩy tăng trưởng và tăng cơ hội thông qua thương mại, đầu tư và du lịch. Bằng cách cải thiện kết nối, CLV-DTA có tiềm năng mang lại nhiều cơ hội kinh tế hơn cho người dân địa phương, cho phép họ tham gia và hưởng lợi từ nền kinh tế quốc gia và khu vực.

Tuy nhiên, bên cạnh phát triển kinh tế, các khu vực biên giới chung cũng phải đối mặt với những thách thức quan trọng liên quan đến tội phạm xuyên quốc gia. Từ nạn buôn người đến buôn lậu ma túy, những thách thức về an ninh biên giới đòi hỏi sự hợp tác vượt ngoài ranh giới quốc gia. Thông qua việc chia sẻ thông tin mạnh mẽ, phối hợp biên giới chung và hợp tác giữa các cơ quan an ninh của Campuchia, Lào và Việt Nam, CLV-DTA cung cấp một khuôn khổ thực tế để chống lại các hoạt động phạm pháp này. Bằng cách củng cố an ninh biên giới, các quốc gia sẽ bảo vệ được những lợi ích kinh tế mà họ đang nỗ lực đạt được.

Ngoài ra, khi những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng, các khu vực biên giới ở ba quốc gia này thường dễ chịu tác động tiêu cực từ thiên tai, có thể kể đến như lũ lụt, lở đất và hạn hán. Những nỗ lực hợp tác giữa Campuchia, Lào và Việt Nam trong công cuộc ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo có khả năng cứu sống, bảo vệ sinh kế và giảm tác động kinh tế của những thảm họa này. Việc tập hợp các nguồn lực, chia sẻ kiến thức và phối hợp ứng phó có thể đảm bảo nỗ lực cứu trợ nhanh hơn, hiệu quả hơn khi thảm họa xảy ra, cuối cùng là hỗ trợ khả năng phục hồi của cộng đồng.

Hợp tác giữa ba quốc gia được bắt nguồn vững chắc từ các nguyên tắc cộng tác cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau. Bằng cách tuân thủ các giá trị chỉ đạo được đưa ra, các đối tác CLV-DTA có thể củng cố mối quan hệ và hướng tới thịnh vượng chung. Sự hợp tác toàn diện này cho phép ba quốc gia giải quyết những thách thức chung, cùng lúc cũng thúc đẩy lợi ích riêng của từng quốc gia theo cách có lợi nhất cho tất cả các bên liên quan…

Dưới góc nhìn của chuyên gia, CLV-DTA là một ví dụ về cách hợp tác khu vực có thể thúc đẩy các lợi ích kinh tế, xã hội và an ninh. Bằng cách thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối, giải quyết tội phạm xuyên quốc gia và cải thiện ứng phó thảm họa, ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam đã chứng minh được rằng, chính nguyện vọng chung và lợi ích chung là chìa khóa cho hòa bình và phát triển bền vững. Khi ba nước tiếp tục hợp tác, CLV-DTA sẽ không chỉ củng cố mối quan hệ của các nước mà còn góp phần vào một khu vực ASEAN gắn kết và thịnh vượng hơn.

Hạnh Nhi (Lược dịch từ cut-hrc.org)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/tam-giac-phat-trien-campuchia-lao-viet-nam-nguyen-vong-va-loi-ich-chung-cho-tat-ca-145167.html
Zalo