Tạm dừng thí điểm giải tỏa hàng đáy trên sông
Chủ tịch UBND tỉnh vừa có ý kiến đề nghị các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tạm ngừng thực hiện phương án thí điểm giải tỏa hàng đáy và các hoạt động khai thác thủy sản trên sông, rạch tại tuyến sông Tắc Thủ - Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) và tuyến sông thuộc địa bàn xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua thời gian thực hiện thí điểm cho thấy tiến độ còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra, do chưa thống nhất đơn vị chủ trì trong công tác tổ chức thực hiện giải tỏa, chưa bố trí kinh phí thực hiện đề án. Đồng thời, qua rà soát, đối chiếu với quy định cho thấy, nghề đáy thuộc danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản trong vùng nội địa, việc người dân tự ý phát sinh nghề đáy trên sông, rạch để khai thác thủy sản là không đúng với quy định, nên cần phải được xử lý.
Từ những nguyên nhân trên, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tạm ngừng thực hiện phương án thí điểm giải tỏa hàng đáy và các hoạt động khai thác thủy sản trên sông, rạch tại tuyến sông Tắc Thủ - Sông Đốc và tuyến sông thuộc địa bàn xã Đất Mũi.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu công tác giải tỏa các hàng đáy và hoạt động khai thác thủy sản trên sông, rạch (kể cả các tuyến sông thuộc phương án thí điểm), giao UBND các huyện, TP Cà Mau rà soát, đối chiếu số liệu tại dự thảo phương án giải tỏa các hàng đáy và các hoạt động khai thác thủy sản khác bằng nò, đó, vó, lú… trên sông, kênh, rạch với tình hình thực tế hiện nay, chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện trên địa bàn quản lý.
Trong đó, lưu ý về lộ trình thực hiện; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản trong vùng nội địa để người dân hiểu, chấp hành; khuyến khích, vận động người dân tự tháo dỡ các hàng đáy, vật chướng ngại trên sông, rạch. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng nghề, ngư cụ cấm khai thác thủy sản trong vùng nội địa theo quy định; quan tâm, tạo điều kiện, giới thiệu việc làm cho các hộ dân có nhu cầu về việc làm để có thêm thu nhập ổn định cuộc sống.
Trước đó, theo phương án thí điểm được tỉnh phê duyệt vào tháng 1/2024 đã khẳng định việc thí điểm giải tỏa hàng đáy và các hoạt động khai thác thủy sản khác bằng nò, đó, vó, lú... trên sông, kênh, rạch tại tuyến sông Tắc Thủ - Sông Đốc và tuyến sông thuộc địa bàn xã Đất Mũi là rất cần thiết nhằm lập lại trật tự kỷ cương an toàn giao thông đường thủy nội địa, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và trả lại sự thông thoáng cho luồng lạch.
Theo số liệu điều tra, thống kê của huyện Trần Văn Thời và huyện Ngọc Hiển, tính đến ngày 26/9/2023 (thời điểm được phê duyệt phương án thí điểm vào đầu năm 2024 - PV), tổng số hộ tham gia hoạt động nghề đáy và các hoạt động khai thác thủy sản khác trên sông, rạch tại 2 khu vực thí điểm nêu trên là 143 hộ/471 lao động chính. Trong đó, số hộ tham gia hoạt động nghề đáy là 129 hộ/436 lao động chính, số hộ tham gia hoạt động khai thác thủy sản khác (nò, đó, vó, lú...) là 14 hộ/35 lao động chính. Qua khảo sát, các hộ tham gia hoạt động nghề đáy trên sông, rạch thì có 99 hộ có nguyện vọng chuyển đổi nghề sau khi giải tỏa (chiếm 76,75%).
Mục tiêu mà phương án thí điểm đề ra là trong năm 2024 sẽ tiến hành thực hiện thí điểm giải tỏa hàng đáy tại 82 hộ trên tuyến sông Tắc Thủ - Sông Đốc và trên địa bàn xã Đất Mũi là 47 hộ. Tổng kinh phí thực hiện đối với với 2 khu vực trên hơn 1,8 tỷ đồng, trong đó ưu tiên dành trên 1,4 tỷ đồng cho việc chuyển đổi nghề sau giải tỏa.
Tháng 4 vừa qua, UBND huyện Ngọc Hiển cũng đã xây dựng Đề án “Vận động chuyển đổi nghề khai thác thủy hải sản giai đoạn 2023-2025 và định hướng những năm tiếp theo”, trong đó có mục tiêu là vận động chuyển đổi nghề cho 418 hộ làm nghề đáy sông, rạch sang các nghề khác…
Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cho rằng việc vận động giải tỏa hàng đáy trên sông, rạch là việc làm cần thiết và cấp bách, nhằm lập lại trật tự kỷ cương, đảm bảo an toàn hoạt động giao thông đường thủy nội địa, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên địa bàn huyện trong thời gian tới. Theo thống kê của huyện Ngọc Hiển tại thời điểm xây dựng đề án, trên địa bàn có 418 hộ với 1.876 nhân khẩu hoạt động nghề đáy sông, rạch.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên Cà Mau thực hiện việc giải tỏa hàng đáy và các hoạt động khai thác thủy sản khác trên sông, rạch mà việc làm này đã được triển khai thực hiện thí điểm vào năm 2018.
Cụ thể, tháng 5/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có công văn chỉ đạo các huyện trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác giải tỏa hàng đáy, nò, đó trên sông, rạch thuộc địa bàn mình quản lý. Trong đó, huyện Ngọc Hiển tăng cường giải tỏa 500 hàng đáy trên sông, rạch; huyện Trần Văn Thời tiến hành giải tỏa 22 hàng đáy trên sông, xử lý dứt điểm trong tháng 9 năm 2018. Tuy nhiên, quyết tâm này chưa mang lại hiệu quả. Các xã cũng đã thường xuyên ra quân giải tỏa hàng đáy, các hoạt động khai thác thủy sản trên sông, rạch… nhưng chưa giữ vững được địa bàn, luôn xuất hiện tình trạng tái chiếm diễn ra./.