Tâm điểm chú ý dồn vào một giáo hội sau khi ông Abe bị ám sát

Nghi phạm ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhiều lần đề cập đến sự thù ghét của mình với một tổ chức tôn giáo mà người này tin rằng ông Abe có liên quan.

Giáo hội Thống nhất (Unification Church), có liên kết với các đảng chính trị bảo thủ trên toàn thế giới, hôm 11/7 xác nhận mẹ của nghi phạm ám sát ông Shinzo Abe là một tín đồ.

Khi Tetsuya Yamagami bị bắt vì cáo buộc ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đàn ông 41 tuổi này khai rằng mình “thù ghét” một tổ chức tôn giáo.

Yamagami giải thích rằng mẹ của mình trở thành tín đồ của nhóm tôn giáo này và đã có khoản “quyên góp lớn”. Nghi phạm còn nói gia đình mình đã “sụp đổ”, và bản thân nhắm tới ông Abe vì tin rằng ông có liên hệ với nhóm tôn giáo trên.

Tuy nhiên đến nay, các nhà chức trách vẫn chưa chính thức xác định tổ chức kia là gì hay giải thích tổ chức đó có liên hệ như thế nào đến ông Abe.

Giữa vòng xoáy đồn đoán của giới truyền thông Nhật Bản, tâm điểm chú ý đổ dồn vào “Giáo hội Thống nhất”, một tổ chức Cơ đốc giáo nổi tiếng với các đám cưới tập thể và nỗ lực vun đắp mối quan hệ với các đảng chính trị bảo thủ trên toàn thế giới, theo New York Times.

Tổ chức thành tâm điểm chú ý

Tại một cuộc họp báo hôm 11/7, các quan chức giáo hội đã trình bày chi tiết mối quan hệ của tổ chức với mẹ của Yamagami, mô tả bà là một tín đồ lâu năm.

Tomihiro Tanaka, người đứng đầu chi nhánh Nhật Bản của giáo hội, cho biết mẹ của Yamagami đã gia nhập từ năm 1998 nhưng không liên lạc trong một thời gian dài trước khi trở lại vào đầu năm nay.

 Ông Tomihiro Tanaka trong cuộc họp báo hôm 11/7. Ảnh: AP.

Ông Tomihiro Tanaka trong cuộc họp báo hôm 11/7. Ảnh: AP.

Ông Tanaka bổ sung rằng hiện không còn hồ sơ ghi chép hoạt động của người phụ nữ trong tổ chức, cũng như không còn giấy tờ cho thấy liệu nhóm này có yêu cầu bà quyên góp hay không.

Giáo hội cho biết họ không có hồ sơ cho thấy Yamagami từng là thành viên, và họ không nhận thấy bất kỳ mối đe dọa nào từ Yamagami nhắm vào các thành viên. Giáo hội cũng khẳng định họ không có quan hệ trực tiếp với ông Abe, dù đã tương tác với nhà nhà lập pháp thông qua một tổ chức liên kết.

 Ông Abe phát biểu vận động bầu cử tại Nara trước khi bị bắn ngày 8/7. Ảnh: Reuters.

Ông Abe phát biểu vận động bầu cử tại Nara trước khi bị bắn ngày 8/7. Ảnh: Reuters.

Giáo hội Thống nhất do Linh mục Sun Myung Moon thành lập tại Hàn Quốc vào năm 1954. Tổ chức sau đó mở rộng ra nước ngoài, xây dựng một mạng lưới báo chí và các tổ chức dân sự mà nó sử dụng để phát triển mối quan hệ với các đảng chính trị bảo thủ trên khắp thế giới.

Giáo hội cũng bị đặt nghi vấn về cách thức chiêu mộ thành viên và hoạt động kinh doanh của mình. Trong những năm 1970 và 1980, nhóm này phải đối mặt với các vụ kiện về việc gây quỹ và bị cáo buộc "tẩy não", khi nhiều phụ huynh nói rằng con cái của họ đã bị ép buộc tham gia.

Yamagami, 41 tuổi, đã bị buộc tội giết người vì bắn ông Abe từ phía sau bằng một khẩu súng tự chế hôm 8/7 ở Nara, khi cựu thủ tướng đang phát biểu vận động tranh cử, 2 ngày trước cuộc bầu cử quốc hội.

Trong một cuộc họp báo hôm 11/7, cảnh sát cho biết Yamagami thừa nhận đã thử vũ khí một ngày trước khi bắn ông Abe. Trước đó hôm 8/7, các nhà điều tra thông tin rằng một số khẩu súng tự chế đã bị thu giữ từ căn hộ của Yamagami.

Vụ nổ súng đã làm rung chuyển một quốc gia nơi hiếm khi xảy ra bạo lực súng đạn, nhưng trong buổi lễ vào đêm 11/7 dành cho ông Abe tại một trong những ngôi chùa Phật giáo lớn nhất Tokyo, có rất ít dấu hiệu cho thấy an ninh được tăng cường.

Những người đến viếng trên đường phố đã đặt hoa trước di ảnh của ông Abe. Gần đó, một dòng người mặc đồ đen đi tới từ các ga xe lửa hoặc đến bằng ôtô tới một cổng có bảo vệ, nhưng không ai kiểm tra an ninh nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, tới lễ tang ngày 12/7, Reuters đưa tin rằng cảnh sát được tăng cường tại sự kiện ở chùa Zojoji tại Tokyo.

 Linh mục Sun Myung Moon, người sáng lập Giáo hội Thống nhất, tổ chức sinh nhật cùng vợ vào năm 2000 tại Washington. Ảnh: AFP.

Linh mục Sun Myung Moon, người sáng lập Giáo hội Thống nhất, tổ chức sinh nhật cùng vợ vào năm 2000 tại Washington. Ảnh: AFP.

Bất chấp những rối ren vì cái chết của cựu thủ tướng, đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Abe giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào Thượng viện. Chiều 11/7, Thủ tướng Fumio Kishida ca ngợi sự lãnh đạo của ông Abe và cam kết rằng đảng LDP cầm quyền sẽ làm việc để thực hiện các mục tiêu lâu nay của mình, bao gồm cả việc sửa đổi hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình của đất nước.

Người dân Nhật Bản đã kêu gọi đảng đảm bảo di sản của ông Abe, ông cho biết.

“Thật không thể dung thứ khi một nhà lãnh đạo vĩ đại được cả thế giới yêu quý lại đột ngột bị bạo lực cướp đi mạng sống”, vị thủ tướng nói.

Ông Abe có mối liên hệ ra sao với Giáo hội Thống nhất?

Giáo hội thành lập chi nhánh ở Nhật Bản vào cuối những năm 1950, và sớm tìm thấy tiếng nói chung với các chính trị gia cánh hữu Nhật Bản, bao gồm cố Thủ tướng Nobusuke Kishi, ông ngoại của ông Abe. Ông Kishi, Thủ tướng Nhật Bản trong giai đoạn 1957-1960, được cho là đã tham gia vào việc thành lập một nhóm chính trị có liên hệ với Giáo hội Thống nhất.

Mối quan hệ giữa tổ chức liên kết với giáo hội và các thành viên của đảng cầm quyền LDP phát triển trong những thập kỷ tiếp theo, khi giáo hội lớn mạnh về quy mô, và tín đồ Nhật Bản đã tạo ra thu nhập hàng tỷ USD cho tổ chức.

Yoshihide Sakurai, giáo sư xã hội học và tôn giáo tại Đại học Hokkaido, người đã nghiên cứu về Giáo hội Thống nhất tại Nhật bản cho biết ảnh hưởng của giáo hội này đã giảm dần ở Nhật Bản trong những thập kỷ gần đây, và họ gặp khó khăn trong việc chiêu mộ tín đồ mới kể từ sau khi ông Moon qua đời vào năm 2012.

Những nhóm liên liên kết với giáo hội đã tiếp tục thu hút một số nhà lập pháp hàng đầu Nhật Bản tham gia các sự kiện của họ.

 Xe tang chở thi hài ông Abe rời đền Zojoji, ngày 12/7. Ảnh: Reuters.

Xe tang chở thi hài ông Abe rời đền Zojoji, ngày 12/7. Ảnh: Reuters.

Năm 2021, ông Abe và các chính trị gia khác từ một số quốc gia, bao gồm Mỹ, đã phát biểu tại một cuộc họp ở Hàn Quốc do một nhóm có liên kết với Giáo hội Thống nhất điều hành. Trong video ghi lại buổi họp, ông Abe ca ngợi nhóm đã “tập trung và nhấn mạnh vào các giá trị gia đình”.

Năm 2022, trong một hội nghị ở Seoul thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, cũng do một nhóm có liên kết với giáo hội tổ chức, một diễn giả đã thay mặt ông Abe gửi những nhận xét ngắn gọn bằng văn bản. Họ bày tỏ hy vọng hội nghị sẽ "mở ra những con đường mới cho hòa bình”.

Các báo cáo tin tức về mối liên hệ giữa ông Abe với sự kiện năm 2021 đã gây nên sự chỉ trích ở Nhật Bản từ đảng Cộng sản của đất nước và những nhóm khác, bao gồm hiệp hội luật sư từng thực hiện một chiến dịch kéo dài hàng thập kỷ chống lại các hoạt động của Giáo hội Thống nhất ở Nhật Bản.

Trong một bức thư gửi cho ông Abe, hiệp hội Mạng lưới Luật sư Quốc gia chống Buôn bán Tâm linh, đã yêu cầu cựu thủ tướng cắt đứt liên hệ giữa ông với giáo hội và các tổ chức liên đới, viết rằng “hợp tác và hỗ trợ những sự kiện như vậy hoàn toàn không phải một điều hay”.

Tuy nhiên, mối liên hệ của ông Abe với Giáo hội Thống nhất dường như “rất yếu”, giáo sư Sakurai nhận định, mô tả những lời nhận xét của ông Abe với nhóm là “công việc bình thường đối với các chính trị gia muốn thu hút phiếu bầu”.

Giáo hội nói trên chỉ là một trong nhiều tổ chức tôn giáo có niềm tin chính trị cánh hữu mà ông Abe và những người bảo thủ trong đảng LDP muốn thu hút sự ủng hộ, Levi McLaughlin, theo phó giáo sư tại Đại học bang North Carolina, người nghiên cứu về mối liên hệ giữa chính trị và tôn giáo ở Nhật Bản.

“Không có điều nào trong số này là bất thường”, ông nói và cho biết thêm rằng “tình cờ là giáo hội ủng hộ rất nhiều nền tảng chính sách của LDP, và cụ thể là của ông Abe”.

Người Việt ở Tokyo: Tôi bất ngờ với phản ứng của dân Nhật về vụ ám sát Chị Vân Hoàng, trú tại Tokyo, nói hiện vẫn thấy buồn vì vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe 4 ngày trước nhưng lúc này đã bình tĩnh hơn.

Hồng Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tam-diem-chu-y-don-vao-mot-giao-hoi-sau-khi-ong-abe-bi-am-sat-post1335010.html
Zalo