Tài xế vi phạm giao thông phát lo vì camera phạt nguội ở Thái Bình
Sau 3 năm triển khai (từ 1/3/2021-30/3/2024) hệ thống camera phạt nguội ở Thái Bình đã phát hiện 7.213 trường hợp ô tô vi phạm, tiến hành gửi thông báo đến chủ phương tiện, yêu cầu tài xế nộp phạt trên 8,8 tỷ đồng.
Hiệu quả từ việc triển khai camera phạt nguội
Từ ngày 16/10 đến ngày 22/10, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Thái Bình đã ghi nhận 66 lượt phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị xử lý phạt nguội.
Trong đó, qua hệ thống camera giám sát phát hiện 10 lượt phương tiện vi phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông gồm xe: 89A-187.87; 89C-169.42; 29E-044.08; 29A-576.91; 20A-135.46; 17A-301.53; 34C-235.97; 51D-260.88; 18A-082.98; 17C-018.59.
Hệ thống camera giao thông được Công an tỉnh Thái Bình triển khai từ ngày 1/3/2021. Đến nay, hệ thống gồm 128 camera, thực hiện giám sát giao thông an ninh tại 5 cửa ngõ, 6 nút giao thông và 17 vị trí quan trọng, trọng yếu của TP Thái Bình.
Hệ thống giúp phân tích phát hiện xử lý vi phạm giao thông, duyệt biển số, nhận diện khuôn mặt và phát hiện đám đông, từ đó gửi thông báo vi phạm về để lực lượng chức năng xác minh, xử phạt.
Trong số 7.213 trường hợp xe ô tô vi phạm được camera giao thông phát hiện từ ngày 1/3/2021-30/3/2024, có 1,842 lỗi tín hiệu đèn; 136 lỗi tốc độ; 396 lỗi vạch kẻ đường.
Phòng CSGT và Công an TP Thái Bình đã tiến hành lập biên bản, ra quyết định thi hành xử phạt vi phạm hành chính 2.463 trường hợp (chiếm tỷ lệ 34%), phạt tiền trên 8,8 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) có thời hạn 1.978 trường hợp.
Lãnh đạo Phòng CSGT, Công an tỉnh Thái Bình chia sẻ, trên thực tế, không ít người có định kiến về việc "xin - cho" trong xử lý vi phạm giao thông, thiếu tin tưởng vào việc giải quyết của lực lượng chức năng nên đôi khi xảy ra những hiểu lầm hoặc cự cãi không đáng có giữa CSGT và người vi phạm.
Tuy nhiên, khi sử dụng thiết bị, quá trình phát hiện và xác định phương tiện vi phạm được tiến hành hoàn toàn tự động, không cần sự can thiệp của con người.
"Dữ liệu từ camera được kết nối lên hệ thống của Cục CSGT, không chỉ riêng CSGT quản lý mà có tính kết nối rộng đến nhiều đơn vị khác để kiểm tra chéo, cùng giám sát xử lý vi phạm, tạo sự công bằng, minh bạch, không có "vùng cấm", không có "ngoại lệ" trong xử lý vi phạm", lãnh đạo Phòng CSGT Thái Bình cho biết.
Giảm nhiều vi phạm, nâng cao ý thức người dân
Anh Phạm Văn Hà, TP Thái Bình, là lái xe taxi cho biết, nhiều tài xế khác có thói quen xấu, cứ thấy có CSGT thì mới chấp hành quy định. Phần vì dựa vào quan sát thấy đường vắng, phần vì tận dụng thời gian nên nhiều khi chạy quá tốc độ, chèn vạch, lấn làn…
"Nhưng từ khi có camera giám sát giao thông, tài xế đều tự giác tuân thủ các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông", anh Hà nói.
Nói về ưu điểm từ khi hệ thống camera phạt nguội đi vào hoạt động, lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Thái Bình nhìn nhận, tai nạn giao thông và vi phạm về trật tự an toàn giao thông (ATGT) tại các khu vực được lắp đặt camera giảm rất nhiều, nhất là vi phạm vượt đèn tín hiệu.
"Việc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin bằng hệ thống camera giám sát đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho lực lượng CSGT kiểm soát trật tự ATGT, ngăn ngừa tai nạn giao thông và giúp lực lượng chức năng khác giám sát việc bảo đảm an ninh, theo dõi, phát hiện đối tượng phạm tội trên địa bàn", Phòng CSGT Công an tỉnh Thái Bình nhìn nhận.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành, khai thác sử dụng và cung cấp dịch vụ hệ thống camera thông minh giám sát giao thông, thời gian tới, Phòng CSGT Công an tỉnh Thái Bình đã đề xuất lắp đặt thêm camera giám sát tại 2 cửa ngõ ra, vào tỉnh (cầu Sông Hóa, cầu La Tiến).
Đồng thời, mở rộng hệ thống camera giám sát giao thông phát hiện vi phạm về tốc độ tại một số khu vực trọng điểm, phức tạp về trật tự ATGT trên quốc Iộ 10, quốc lộ 39 và phát hiện các vi phạm về trật tự ATGT tại 620 khu vực trọng điểm, trên các tuyến đường khác.