Tái thiết sau bão lũ
Có lẽ đã rất lâu rồi, người dân Việt Nam mới trải qua một cơn siêu bão với cường độ mạnh đến thế, sức tàn phá khốc liệt đến vậy. Dù bão lũ đã đi qua, nhưng nỗi đau vẫn còn ở lại. Và hơn hết, nỗi đau ấy vẫn dai dẳng, không gì có thể bù đắp. Nền kinh tế đang bứt tốc để về đích đã vấp phải nhiều gian nan hơn. Tái thiết sau bão lũ còn rất nhiều việc phải làm…
Chúng ta đã nỗ lực hết mình
Bão số 3 (Yagi - cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên Biển Đông) và mưa lũ sau bão đã đi qua hơn 20 ngày nhưng những con số thiệt hại về tài sản và tính mạng con người vẫn tiếp tục là nỗi đau dai dẳng.
Theo thống kê ban đầu của cơ quan chức năng, tính đến ngày 26/9, bão, mưa lũ đã làm 344 người chết và mất tích, gần 2.000 người bị thương; trên 260.000 căn nhà, 1.900 điểm trường bị tốc mái, sập đổ; hàng loạt công trình hạ tầng năng lượng, viễn thông, giao thông, thủy lợi, đê điều bị sự cố… Tổng thiệt hại về kinh tế do bão Yagi gây ra ước tính sơ bộ hơn 81.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm giảm tăng trưởng GDP cả năm 2024 khoảng 0,15% (kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%) và kéo lùi tăng trưởng kinh tế các địa phương bị ảnh hưởng thiệt hại nặng nề, như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái.
Để khắc phục hậu quả siêu bão, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, ngày 09/9, trong lúc đang mưa lũ do hoàn lưu bão, Bộ Chính trị đã họp, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tập trung ứng phó. Với tinh thần nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị, các cuộc họp, ban hành nhiều công điện; lãnh đạo Chính phủ đã kiểm tra trực tiếp tại các địa phương...
Ngày 15/9, khi chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do bão số 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bày tỏ sự chia sẻ, đau buồn: “Chúng ta đã nỗ lực hết mình, đã tìm phương án tốt nhất trong các phương án có thể, tìm cái còn trong cái mất... Song, mất mát không gì có thể bù đắp được là tính mạng và tinh thần của người dân, những gia đình có người thân thiệt mạng”.
Nhưng, biến những mất mát, đau thương thành hành động, tối cùng ngày, trong Chương trình “Điểm tựa Việt Nam”, Người đứng đầu Chính phủ đã đề cập tới 6 điểm tựa để góp phần khắc phục hậu quả siêu bão Yagi, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Ngay sau Hội nghị, ngày 17/9, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143-NQ/CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình, hỗ trợ nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngày 27/9, Thủ tướng ban hành Công điện số 100/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ.
Và mới đây, sáng 28/9, Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3. Thủ tướng đã kêu gọi phát huy tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai”; những nơi không bị ảnh hưởng như miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam làm bù lại cho những nơi tại miền Bắc bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão lũ, phấn đấu tăng trưởng cao hơn…
“Bệ đỡ” nào hỗ trợ người dân, doanh nghiệp?
Cùng với những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời trong điều hành, công tác khắc phục, những “bệ đỡ” hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cũng được cả hệ thống chính trị triển khai rốt ráo ngay trong và sau bão lũ. Chính phủ liên tiếp ban hành các quyết định hỗ trợ khẩn cấp về tiền, xuất cấp gạo, vật tư, thiết bị khử khuẩn… để hỗ trợ các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Hay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 26 địa phương bị ảnh hưởng, qua đó chỉ đạo các tổ chức tín dụng đề xuất các giải pháp hỗ trợ kịp thời người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do mưa lũ.
Chia sẻ cụ thể hơn vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - ông Huỳnh Văn Thuận - cho hay, qua khảo sát thiệt hại, tổng nhu cầu vốn phát sinh tương đương 4.900 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ bổ sung vốn cho năm nay. Về xử lý thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, nếu mức độ thiệt hại trên 40%, khách hàng được gia hạn nợ với các khoản nợ đến hạn trong tháng 9, gia hạn tối đa thêm 12 tháng; tạm ngừng thu lãi đến ngày 31/12/2024 với khách hàng thiệt hại do bão.
“Chúng tôi thực hiện cho vay bổ sung theo 3 chương trình cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Khách hàng mất trắng tài sản từ vốn vay, hoặc thiệt hại từ 40% trở lên được khoanh nợ 3-5 năm theo quy định, không thu lãi, được cho vay mới. Chúng tôi đang tiến hành rà soát với địa phương theo các bước trình tự quy định” - ông Thuận nêu rõ.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN - bà Hà Thu Giang - thông tin: NHNN sẽ báo cáo Chính phủ một cơ chế: Giữ nhóm nợ cho các khoản nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão. Với các lĩnh vực khác, NHNN đã xây dựng thông tư cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng, giữ món nợ cho những khoản vay được cơ cấu.
“Trước ngày 03/10, các tổ chức, cá nhân sẽ gửi ý kiến về NHNN, sau đó chúng tôi sẽ tổng hợp và báo cáo Chính phủ. Sau khi Chính phủ có ý kiến, chúng tôi sẽ chỉ đạo triển khai trong toàn hệ thống. Đó là các giải pháp khắc phục, hỗ trợ, giúp đỡ khách hàng. Chúng tôi cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực để có các giải pháp, chính sách hỗ trợ đồng bộ với NHNN. Chúng tôi đang xây dựng thông tư về cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão” - bà Giang cho biết.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng, các giải pháp đồng bộ rất tốt, đã giảm phần nào thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân. NHNN đã đến với bà con vùng bão, đặc biệt Nghị quyết số 143-NQ/CP đưa ra giải pháp trọng tâm giải quyết khắc phục hậu quả. “Tôi cho rằng, chính sách có độ trễ, nhưng cần có quy trình rút gọn, linh hoạt hơn để đối tượng thụ hưởng kịp thời. Ngân hàng chủ động chương trình khắc phục bão cần rút gọn hơn nữa, gói chính sách phải vào ngay và luôn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Ngoài giải pháp miễn, giảm, hoãn trả nợ, cần có gói hỗ trợ chuyên biệt cho phòng, chống thiên tai” - ông Phòng kiến nghị.
Cần cả giải pháp trước mắt và lâu dài
Giới chuyên gia nhận định, tái thiết sau bão lũ cũng chính là khoảng thời gian để suy ngẫm và nhìn nhận lại các giải pháp, kể cả trước mắt và lâu dài, để chúng ta không chỉ “đứng lên” sao bão lũ, mà còn hướng tới sự phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong tương lai.
Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - ông Trần Đình Luân - chia sẻ, Cục đang có những hướng dẫn kỹ thuật, chuyên môn cùng các địa phương để đảm bảo các điều kiện quay lại phục hồi sản xuất, rà soát xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn vùng nuôi. “Sắp tới, chúng ta có thể đối mặt với những cơn bão bất thường, diễn ra thường xuyên hơn. Do đó, làm sao để đảm bảo cho người nuôi sản xuất tốt hơn, an toàn hơn là vấn đề chúng ta phải bàn tính kỹ” - ông Luân lưu ý.
Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - ông Nguyễn Bá Hùng - cũng nhấn mạnh, trong quá trình phục hồi, chúng ta có thể tập trung nguồn lực cho các tỉnh miền núi phía Bắc - vốn đã gặp nhiều khó khăn nay lại bị thiệt hại nặng nề do bão lũ, giúp họ không những trở lại như trước, mà còn có cơ hội làm tốt hơn trước đây.
Theo ông Hùng, để phục hồi sau thiên tai, tái thiết nền kinh tế, trong ngắn hạn, nguồn lực huy động tốt nhất và có thể kiểm soát được chính là nguồn lực từ ngân sách nhà nước. Còn trong dài hạn, Chính phủ cần có những định hướng cho việc phát triển các thị trường liên quan, chẳng hạn thị trường bảo hiểm. Hiện nay, thị trường bảo hiểm cũng như việc sử dụng các dịch vụ bảo hiểm tại Việt Nam vẫn còn những khoảng trống. Chúng ta chưa có bảo hiểm mùa màng và bảo hiểm tài sản công. Nếu toàn bộ hệ thống hạ tầng của các tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi bão lũ vừa qua có bảo hiểm tài sản công thì nguồn lực từ bảo hiểm đó sẽ đóng góp tích cực vào việc phục hồi tài sản công.
“Khi dự kiến nguồn ngân sách bảo dưỡng, vận hành tài sản công, Chính phủ cũng nên cân nhắc dành một khoản kinh phí nhất định cho bảo hiểm tài sản công để dự phòng những tình huống tương tự như đợt bão, lũ vừa qua” - ông Hùng khuyến nghị.
Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - bình luận, hậu quả bão lũ vừa qua đã lộ ra những khiếm khuyết trong công tác quy hoạch. Quy hoạch của chúng ta vẫn theo kiểu cũ, tức là quy hoạch theo mặt bằng mà chưa lưu tâm đến độ cao. Trên thế giới, người ta đã đưa độ cao vào các bản quy hoạch từ rất lâu. Đây chính là yếu tố rất quan trọng để tránh tổn thất lớn đối với các dạng thiên tai như bão, lũ lụt, kể cả những trường hợp nặng hơn như sóng thần, động đất. Bên cạnh đó, hiện nay có thể dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra rất nhiều phương án quy hoạch rồi lựa chọn… Tất cả những cái đó, chúng ta còn quá chậm.
“Tôi cho rằng, giải pháp lâu dài vẫn là vấn đề hiện đại hóa công tác quy hoạch, trong đó cần căn cứ vào độ cao. Quy hoạch tốt là cách thức tạo ra phòng tránh tốt nhất cho người dân và cả xã hội” - ông Võ nhấn mạnh.
Giới chuyên gia bình luận, những chính sách kịp thời, linh hoạt trước mắt, cũng như trong trung hạn và dài hạn để khắc phục hậu quả bão lũ của các cấp, các ngành đã và sẽ triển khai là cực kỳ cấp thiết. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, điều quan trọng nhất là làm thế nào để những chính sách này đi vào thực tiễn, đến với các địa phương và những người dân chịu ảnh hưởng, tránh việc chủ trương của Đảng, Nhà nước thì đúng nhưng hiệu quả đạt được không cao. Đơn cử như Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, một chính sách vô cùng ý nghĩa đối với việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, song kết quả trên thực tế lại không đạt được như kỳ vọng.
Vẫn biết thiên tai rất khó đoán định, song nếu chúng ta chủ động đề phòng, đi trước một bước bằng những biện pháp ứng phó linh hoạt trước mắt, cũng như những chính sách tính toán kỹ lưỡng trong dài hạn, thì có lẽ, hậu quả, thiệt hại sẽ giảm đến mức thấp nhất có thể. Điều quan trọng hơn hết, những giải pháp, những chính sách thiết thực ấy sẽ giúp chúng ta vực dậy, “đứng lên” sau bão lũ. Bởi, suy cho cùng, những chính sách không chỉ là văn bản trên giấy mà sẽ trở thành nguồn lực tiếp sức cho mỗi người dân, doanh nghiệp để tái thiết cuộc sống, phục hồi sản xuất, kinh doanh./.