Tái thiết cây xanh ở Hà Nội cần có kịch bản, quy hoạch tổng thể trên toàn thành phố

Cơn bão số 3 'quét' qua Thủ đô đã khiến hơn 100 nghìn cây xanh bị gãy đổ do bão Yagi. Một vấn đề lớn được đặt ra là quy hoạch cây xanh như thế nào đang được dư luận quan tâm. PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với TS.KTS Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư Cảnh quan Việt Nam, Trưởng bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) về vấn đề này.

Ông đánh giá thế nào về hệ thống cây xanh trên địa bàn Thủ đô, thưa ông?

Thời gian vừa qua, Hà Nội đã dành nhiều quan tâm đến phát triển hệ thống cây xanh trên địa bàn Thủ đô. Nhờ vậy, số lượng cây xanh và mật độ cây xanh đã được gia tăng đáng kể. Có sự đa dạng về thành phần loài, cảnh quan biến đổi theo từng mùa bởi những loài cây mới, nhất là đối các khu đô thị mới với sự đồng nhất về cây xanh trên mỗi tuyến đường... Tuy nhiên, công tác trồng cây xanh công cộng trong đô thị của Hà Nội trong thời gian gần đây thường làm theo chủng loại hoặc theo xu thế cho từng giai đoạn, trồng đồng loạt cùng một loài cây cho mỗi đợt trên các tuyến có thể trồng chứ không có chiến lược phát triển và kịch bản thực hiện một cách bài bản. Việc bố trí chủng loại cây xanh trên từng tuyến đường phố cũng chưa được nghiên cứu kỹ về đặc điểm không gian, điều kiện tự nhiên và đặc trưng hoạt động của mỗi tuyến phố.

Các dự án trồng cây ở Hà Nội có áp dụng các loài cây mới với mong muốn dạng thành phần loài, góp phần phát triển tính đa dạng sinh học là tốt nhưng chưa đúng về quy trình dẫn nhập loài mới. Ví dụ như cây Phong lá đỏ trước đây được Hà Nội đưa vào trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng đã không thể tồn tại và đem lại hiệu quả cả về cảnh quan và vi khí hậu do đây là cây ôn đới, không thể phù hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa và càng không phù hợp với cảnh quan đô thị - nơi có nhiệt độ cao hơn nhiều so với môi trường tự nhiên. Chưa kể, môi trường cảnh quan đường phố còn có nhiệt độ môi trường cao hơn hẳn, chính vì vậy cây chỉ ra một ít lá rồi phát triển kém dần đi.

TS.KTS Phạm Anh Tuấn

TS.KTS Phạm Anh Tuấn

Tại khu vực đô thị trung tâm, trong quá trình mở rộng đường phục vụ phát triển hạ tầng giao thông đô thị, chúng ta đã thực hiện công tác xén hè ở một số tuyến đường, hoạt động này khiến cho các cây to không đủ không gian phát triển. Có thể thấy tại phố Đội Cấn, Lý Nam Đế… cây lâu năm có kích thước lớn, không đủ không gian phát triển, cây mọc sát bó hè, rễ phá nền vỉa hè, và tiểm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân.

Do đó, để có được một hệ thống cây xanh phát triển bền vững phải thực hiện các nghiên cứu khoa học cụ thể, có giải pháp chi tiết nên trồng cây gì, lựa chọn thành phần loài phù hợp cho từng không gian.

Theo ông giải pháp nào để đạt được hiệu quả, tính thẩm mỹ trong hoạt động trồng cây xanh trên địa bàn Thủ đô?

Theo tôi, trước hết, cần thực hiện công tác rà soát toàn bộ hệ thống cây xanh đường phố, cây nào cần bảo tồn, cây nào nên đánh chuyển và thay thế. Nếu thay thế, trước mắt chỉ nên thay những cây nguy hiểm, có nguy cơ đổ gãy cao, không phù hợp với đặc điểm không gian. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có nhiều cây Sanh, Si, Đa... là nhóm cây có nhiều cây lâu năm trồng trên các vỉa hè hẹp, nhất là trong khu vực đô thị trung tâm hiện đang lấn ra đường rất nhiều. Đối với những cây không có giá trị về văn hóa, lịch sử thì nên nghiên cứu đánh chuyển và thay thế những cây phù hợp hơn; còn những cây có giá trị về văn hóa, lịch sử hoặc là những cây di sản thì nên có các phương án như cắt giảm độ cao, kiểm soát kích thước tán để đảm bảo độ an toàn tốt hơn cho cây xanh. Với khối lượng cây xanh lớn như ở Hà Nội, việc rà soát không thể làm một lúc được mà cần lựa chọn khu vực thí điểm, thực hiện từng bước kết hợp tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa và vai trò công tác trồng thay thế này.

Cây xanh gãy đổ ngổn ngang trên phố cổ Hà Nội sau cơn bão số 3

Cây xanh gãy đổ ngổn ngang trên phố cổ Hà Nội sau cơn bão số 3

Về vấn đề tái thiết cây xanh, cần phải có kịch bản, quy hoạch cây xanh tổng thể cho toàn thành phố và nghiên cứu lựa chọn thành phần loài, thiết kế và xây dựng biện pháp trồng cây cụ thể cho từng nhóm tuyến phố theo đặc thù. Mỗi không gian có một đặc trưng khác nhau, nhu cầu và tiềm năng phát triển cây xanh có thể khác nhau, do đó thành phố cần có kịch bản trồng cây xanh phù hợp với từng đặc trưng nhóm tuyến phố nhằm tạo lập giá trị bản sắc về cảnh quan cho thành phố Hà Nội. Ngoài ra, mỗi tuyến phố có những giải pháp trồng và lựa chọn loài khác nhau, nhiều khi không nhất thiết phải trồng cây bóng mát mà có thể trồng cây dây leo giàn, cây trồng chậu, và cây rủ... Nhất là đối với những tuyến phố có vỉa hè hẹp và không đủ kích thước phát triển cây xanh bóng mát.

Từng nhóm tuyến phố cần có thiết kế cảnh quan, đây không phải là thiết kế đô thị. Thiết kế cảnh quan hướng đến xây dựng và tạo lập hệ sinh thái bền vững của đô thị cho từng nhóm tuyến phố với những đặc điểm riêng biệt và bao hàm cả nội dung thiết kế đô thị trong đó.

Vậy Hà Nội còn cần thêm điều kiện gì để phát triển cây xanh bền vững?

Ngoài các đề xuất như trên, Hà Nội cần có vườn ươm phục vụ công tác nghiên cứu lựa chọn loài, nhân giống, thử nghiệm và dẫn nhập những loài mới cho phát triển hệ thống cây xanh đô thị. Song, không chỉ riêng Hà Nội, tại nước ta gần như chưa có thành phố nào làm được điều này, đây là vấn đề rất quan trọng trong việc quy hoạch và phát triển cây xanh đô thị.

Cây cổ thụ được dựng lại quanh hồ Hai Bà (quận Hai Bà Trưng)

Cây cổ thụ được dựng lại quanh hồ Hai Bà (quận Hai Bà Trưng)

Theo quy định tại thông tư 20/2005/TT-BXD, đối với đô thị đặc biệt và loại 1 thì diện tích đất tối thiểu cho vườn ươm cây khoảng 1m2/người.. Nhưng Hà Nội hiện chưa có vườn ươm đúng nghĩa, hoặc có thì là vườn ươm của doanh nghiệp tư nhân, chưa đảm bảo vai trò khu vực phát triển nhóm cây xanh chuyên dụng. Các cơ quan nhà nước có các khu vực được gọi là “vườn ươm” nhưng bản chất đây chỉ là những mảnh vườn có quy mô nhỏ được sử dụng chủ yếu cho tập kết cây sau khi thu gom đổ gãy, đánh chuyển các cây trồng trong đô thị về, không cây nào giống cây nào nên không phải là vườn ươm đúng nghĩa. Vườn ươm phải là nơi tạo được một loạt cây xanh cùng tiêu chuẩn, kích thước; là nơi nhân giống và gieo ươm cây trồng, đảm bảo tiêu chuẩn trồng trước khi xuất vườn để trồng trong khu vực đô thị. Đây cũng là nơi thí điểm trồng thử nghiệm các loại cây mới trước khi đem trồng đại trà ở đô thị. Do đó, cần thiết phải có quỹ đất để làm vườn ươm nhằm đảm bảo tiêu chuẩn, xác định được chủng loại cây xanh phù hợp cho sự phát triển bền vững của hệ thống cây xanh đô thị cho Thủ đô.

Xin cảm ơn ông!

Trần Hoàng (ghi)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tai-thiet-cay-xanh-o-ha-noi-can-co-kich-ban-quy-hoach-tong-the-tren-toan-thanh-pho-post1677898.tpo
Zalo