'Tái sinh' Marilyn Monroe bằng AI
Ý tưởng AI bắt chước con người - dù còn sống hay đã chết - luôn gây tranh cãi với những vấn đề đạo đức.
Năm 2020, Kanye West đã mua tặng Kim Kardashian bức ảnh 3 chiều của người cha quá cố làm quà mừng sinh nhật cô. Thời điểm đó, đây chỉ đơn giản là một ý tưởng độc lạ, chưa từng có.
Nhưng giờ đây, các sản phẩm tái tạo người đã khuất bằng AI, từ người bình thường cho đến người nổi tiếng, chẳng còn xa lạ gì với con người. Những bản sao này khớp hình dáng và giọng nói của họ một cách kỳ lạ. Nhờ công nghệ học máy, chúng còn có thể nói chuyện, tương tác như người thật.
Chẳng cần tìm đâu xa, một bản sao “biểu tượng sexy của Hollywood” - Marilyn Monroe - đã xuất hiện tại hội nghị SXSW hôm 15/3 với khả năng trả lời câu hỏi siêu thực.
Gây tranh cãi vì lạm dụng hình ảnh người đã khuất
Đây là là sản phẩm chatbot của công ty AI Soul Machine, được ra mắt lần đầu tại hội nghị. Công ty gọi trải nghiệm này như một “con người phiên bản kỹ thuật số”.
Nó sở hữu tất cả “sự thông minh, trí tuệ và sức quyến rũ khó chối từ” của Monroe, mà không cần phải xem qua những bộ phim xưa cũ, hay nhớ lại những ký ức xa xôi. Thay vào đó, Marilyn Monroe hiện hữu trong đời thật với tương tác 1-1 ngay tức thì.
“Mỗi tương tác đều là độc nhất. Chatbot Marilyn có thể phân tích sở thích của bạn và điều chỉnh câu trả lời sao cho phù hợp để kết nối, đồng điệu với bạn. Cô ấy sẽ trò chuyện tự nhiên, trôi chảy, thích ứng với các câu hỏi và sở thích của bạn trong thời gian thực. Học theo hệ thống thần kinh của con người, công nghệ này cho phép Digital Marilyn phản hồi bằng những cảm xúc thực tế, cùng với biểu cảm sắc thái, tạo ra trải nghiệm cá nhân sâu sắc và đáng nhớ”, website công ty tuyên bố.
Theo Soul Machine, chatbot sẽ giúp người dùng "cảm thấy chân thực và nhận được phản hồi nhanh chóng". "Như thể hào quang của Marilyn đã được mang đến thời đại AI", Soul Machines nói trong một bài đăng trên blog.
Song, bản sao Marilyn Monroe đã nhận không ít lời chỉ trích từ người hâm mộ và các chuyên gia. Họ nói rằng chatbot AI đã lạm dụng hình ảnh của một người phụ nữ từng bị lạm dụng trong suốt sự nghiệp của mình.
"Chúng ta đã đi xuống đáy văn minh nhân loại khi Soul Machines ra mắt chatbot Marilyn Monroe do AI tạo ra. Khi gõ những câu chữ này, tôi như hồn lìa khỏi xác", cây bút Maureen Lee Lenker của Entertainment Weekly viết.
Lenker nói rằng khi sinh thời, Marilyn Monroe phải phục vụ ý thích những người đàn ông quyền lực để trở thành một diễn viên. “Giờ đây, khi bà đã ra đi, lời tri ân lớn nhất mà chúng ta có thể dành cho bà ấy lại là tạo ra một chatbot, để thay đổi bản thân theo ý thích bất chợt của người khác ư?”, cây bút đặt câu hỏi.
Mặc dù tái sinh Marilyn Monroe có thể khiến một vài người hâm mộ hứng thú, ý tưởng AI bắt chước con người - dù còn sống hay đã chết - luôn gây tranh cãi với những vấn đề đạo đức. Bởi nhiều người nổi tiếng không muốn hình ảnh bị sử dụng mà không có sự đồng ý của họ.
Trào lưu người nổi tiếng “chạy bằng AI”
Hiện nay, AI đã trở nên tinh vi đến mức tội phạm có thể sử dụng nó để mạo danh người thân, bạn bè nạn nhân. Theo Ủy ban Thương mại Liên bang, giả danh lừa đảo là hình thức phổ biến nhất ở Mỹ. Trong đó, kẻ lừa đảo giả làm người quen của nạn nhân để ép họ chuyển tiền. Cơ quan này cho biết người Mỹ đã mất khoảng 2,6 tỷ USD vì các vụ giả danh lừa đảo.
Những tiến bộ gần đây trong công nghệ AI giúp hoàn toàn chúng ta tái tạo chân thực giọng nói của bất kỳ ai, chỉ cần có các đoạn âm thanh có sẵn của họ. CEO Meta Mark Zuckerberg trước đây từng nói những người nổi tiếng tạo ra từ AI sẽ sớm trở nên nổi tiếng.
Tháng 9/2023, Meta đã tiết lộ các chatbot AI mới có đặc điểm của những người nổi tiếng như Tom Brady, Kendall Jenner, Naomi Osaka, Chris Paul, Charli D'Amelio, Israel Adesanya và Roy Choi. Chatbot này được thiết kế để trả lời câu hỏi và trợ giúp các hoạt động hàng ngày.
Ví dụ như một trợ lý được mô phỏng theo cựu vận động viên Dwayne Wade, có khả năng lập kế hoạch tập luyện và giúp người dùng duy trì động lực tập thể dục theo mục tiêu đã định.
Tuy nhiên, Zuckerberg cũng nói thêm rằng việc sử dụng những người nổi tiếng từ AI có lẽ chỉ là "chuyện sẽ xảy ra trong năm tới". Hiện vẫn còn những hạn chế về công nghệ, có khả năng tiếp tay cho những bản sao người nổi tiếng này gây ra các vấn đề bản quyền, thương hiệu, pháp lý. “Nói theo cách nào đó, công nghệ hiện nay thậm chí còn chưa đủ sức để đào tạo nó”, CEO Meta cho biết.
Năm ngoái, Zelda, con gái nam tài tử Robin Williams quá cố, từng lên tiếng chỉ chỉ trích việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để tái tạo giọng nói của bố mình. "Các sản phẩm AI kiểu này chỉ là một bản sao dở tệ của những con người vĩ đại. Quan trọng là những video deepfake này được tạo ra mà không có sự đồng ý của họ”, cô gái nói.
Nói với Fox News, Marva Bailer, Giám đốc điều hành của công ty AI Qualix, cho biết trường hợp của Williams và Monroe khác nhau vì hình ảnh của 2 ngôi sao này được xử lý khác nhau. “Mỗi trường hợp đều khác nhau tùy vào hợp đồng pháp lý của họ”, Bailer nói.
Soul Machines hợp tác với Authentic Brands Group - công ty đã mua lại quyền sở hữu trí tuệ của Marilyn Monroe vào năm 2018 - để tạo ra AI Marilyn, theo Deadline. Authentic Brands cũng đại diện cho hàng loạt người nổi tiếng và thương hiệu mang tính biểu tượng khác như Elvis Presley, Muhammad Ali, Shaquille O'Neal và David Beckham.
Chuyên gia Bailer cho biết thêm việc những người nổi tiếng hợp tác với các công ty AI - biết cách bảo vệ tài sản trí tuệ nhân tạo và hình ảnh thương hiệu - đang dần trở nên phổ biến hơn. "Đây không phải là sản phẩm deepfake. Đây cũng không phải là những kẻ làm ăn điên rồ bất chấp mọi quy chuẩn. Đây là những người kinh doanh và có giá trị và đạo đức nhất định”, Bailer nói với Fox.