Tại sao sinh con xong, hươu mẹ đá vào hươu con?

Hươu mẹ luôn dạy con non chạy thật nhanh, đó là cách tốt nhất để thoát thân khi đối diện với thú ăn thịt. Dù yêu con đến mấy, chúng ta cũng nên dạy chúng đương đầu với khó khăn.

 Loài hươu rất nhạy cảm, khi thấy tiếng động, chúng chạy rất nhanh để lẩn trốn thú săn mồi. Ảnh: W.C.

Loài hươu rất nhạy cảm, khi thấy tiếng động, chúng chạy rất nhanh để lẩn trốn thú săn mồi. Ảnh: W.C.

Trong thế giới tự nhiên, nhiều loài động vật mang đến cho chúng ta những bài học quý giá. Ví dụ, hươu mẹ sau khi sinh con sẽ đá vào người hươu con để nó nhanh chóng đứng dậy, dù đôi chân còn yếu ớt. Mỗi khi hươu con ngã, hươu mẹ lại tiếp tục thúc giục, để nó cố gắng đứng lên. Điều này có vẻ tàn nhẫn, nhưng thực ra hươu mẹ đang dạy con mình cách tồn tại trong môi trường đầy rẫy nguy hiểm.

Nếu hươu con không học cách chạy ngay lập tức, nó có thể trở thành mồi cho thú săn hoặc thợ săn. Tương tự, xã hội loài người cũng không hoàn toàn an toàn.

Cha mẹ nếu chỉ biết bao bọc mà không nhận thức nhu cầu phát triển kỹ năng của con, sẽ vô tình khiến trẻ yếu đuối trước những thách thức sau này. Điều quan trọng hơn cả là giúp trẻ học cách tự bảo vệ và đối mặt với khó khăn trong cuộc sống.

Nhìn vào cách nuôi con của hươu mẹ, các bậc phụ huynh như chúng ta có rút ra được bài học gì không? Rất nhiều người chỉ vì “một lần bị rắn cắn, mười năm sợ dây thừng”: thấy con đi giày mới bị ngã, lập tức cất đôi giày đó đi; thấy con dùng kéo cắt giấy mà đứt tay, liền giấu chiếc kéo ở nơi con không thể tìm thấy; thấy con vấp ngã khi chạy trong công viên, dính đầy bùn đất, liền đi theo sát con, không ngừng dặn dò: “Đừng chạy nữa, kẻo ngã.”

Đây chỉ là cách tránh né vấn đề chứ không phải giải quyết. Tại sao cha mẹ không hỏi con cảm thấy giày mới không thoải mái ở chỗ nào? Tại sao không dạy con cách sử dụng kéo an toàn? Hay chỉ cho con cách chạy sao cho không bị ngã?

Cha mẹ cần ủng hộ và khuyến khích con khám phá thế giới, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của trẻ. Nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow đã chia nhu cầu của con người thành năm cấp độ, trong đó nhu cầu sinh lý là cấp độ cơ bản nhất. Sau khi các nhu cầu sinh lý được đáp ứng, con người cần cảm giác an toàn và cơ hội để thể hiện giá trị bản thân.

Trước những nguy hiểm tiềm ẩn, cha mẹ không nên dạy con cách trốn tránh mà nên giúp trẻ hiểu rõ hơn về những mối nguy đó. Khi trẻ muốn thể hiện bản thân, cha mẹ không nên tước đoạt quyền của trẻ hay cấm đoán, mà thay vào đó, hãy hợp tác, hỗ trợ, và khuyến khích trẻ thử thách bản thân để vượt qua chính mình.

Cha mẹ có thể luôn ở bên cạnh con, nhưng không nên hạn chế hoạt động khám phá của trẻ bằng những lời dài dòng hay giảng giải đạo lý. Một số trẻ rất tò mò và có tinh thần khám phá cao, ngay cả khi bị cha mẹ cấm đoán, các em vẫn cố gắng thử nghiệm.

Với những đứa trẻ như vậy, cha mẹ không nên đánh mắng vì cho rằng trẻ không vâng lời, mà thay vào đó, hãy cho con nhiều không gian tự do hơn và khuyến khích con khám phá trong phạm vi an toàn. Nếu cha mẹ có thể cùng con trải nghiệm, khám phá thế giới, thì đó sẽ là món quà quý giá nhất dành cho trẻ.

Nuôi dạy con cái là một hành trình của yêu thương. Chúng ta ôm con vào lòng vì yêu thương, và đẩy con ra khỏi vòng tay mình cũng vì tình yêu ấy. Đồng thời, ta sẽ kiên định nói với con rằng: “Bố mẹ luôn ủng hộ con, cánh cửa gia đình sẽ luôn rộng mở đón con về.”

Chỉ có như vậy, trẻ mới có được sự tự tin, dũng khí, nghị lực và hoài bão. Nhiều cha mẹ cho rằng việc nuôi dạy con là sự nghiệp vĩ đại nhất trên đời, nhưng thực chất, giáo dục con cái bằng tình yêu mới là sự nghiệp vĩ đại nhất.

Khi cha mẹ trao đi tình yêu đúng cách, con trẻ mới có thể lớn lên vững vàng, sở hữu thân thể khỏe mạnh, trí óc minh mẫn, có mục tiêu, định hướng trong cuộc sống, cảm giác an toàn và thể hiện được giá trị bản thân. Những đứa trẻ như vậy mới thực sự là những đứa trẻ vui vẻ, hạnh phúc.

Phàn Tổ An/ Skymomy & NXB Dân trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/tai-sao-sinh-con-xong-huou-me-da-vao-huou-con-post1522862.html
Zalo