Tại sao người thiết kế bom hydro lại che giấu vai trò của mình suốt 50 năm? - Kỳ 1

Vai trò của Richard Garwin trong thiết kế bom hydro từng bị che giấu trước công chúng, thậm chí với cả gia đình, trong khi ông cố vấn cho các tổng thống và dành cả cuộc đời để khắc phục hiểm họa do chính mình tạo ra.

Kỳ 1: Người thiết kế bom hydro và nửa thế kỷ im lặng

Theo tờ The New York Times, cuối năm 1954, khi căn bệnh ung thư của nhà vật lý Enrico Fermi – người từng đoạt giải Nobel – khiến ông sắp lìa đời, có một vị khách đến thăm. Ông Fermi, người từng trốn khỏi chế độ phát xít ở châu Âu, là một trong những cha đẻ của kỷ nguyên hạt nhân, góp phần đưa lò phản ứng hạt nhân đầu tiên và quả bom nguyên tử đầu tiên ra đời.

Tiến sĩ Richard Garwin. Ảnh: nationalmedals

Tiến sĩ Richard Garwin. Ảnh: nationalmedals

Vị khách ấy là Richard L. Garwin, từng là học trò của ông Fermi tại Đại học Chicago. Ông Fermi gọi Garwin là “thiên tài thực thụ duy nhất tôi từng gặp”. Lúc đó, Garwin đã làm một việc mà vào thời điểm ấy chỉ có ông Fermi và một vài chuyên gia biết đến, thậm chí gia đình ông cũng không hay. Ba năm trước đó, khi mới 23 tuổi, “thần đồng” này đã thiết kế quả bom hydro đầu tiên trên thế giới, đưa sức mạnh của các vì sao xuống Trái Đất.

Trong một vụ thử nghiệm, quả bom phát nổ với sức mạnh gần gấp 1.000 lần quả bom nguyên tử đã san phẳng thành phố Hiroshima của Nhật Bản – mạnh hơn toàn bộ lượng thuốc nổ được sử dụng trong Thế chiến II cộng lại.

Ông Fermi đã thổ lộ với học trò của mình một điều hối tiếc: ông cảm thấy suốt đời mình đã tham gia quá ít vào những vấn đề chính sách công quan trọng. Vài tuần sau, ông qua đời ở tuổi 53.

Sau cuộc gặp ấy, Tiến sĩ Garwin bắt đầu một con đường mới. Ông cho rằng các nhà khoa học hạt nhân có trách nhiệm lên tiếng. Ông kể với một nhà sử học rằng quyết tâm đó xuất phát từ mong muốn vinh danh ký ức của người thầy mà ông kính trọng và ngưỡng mộ nhất. “Tôi đã cố gắng học theo ông Fermi, trong chừng mực có thể”, ông nói.

Tiến sĩ Garwin – người thiết kế ra vũ khí chết chóc nhất thế giới – mới qua đời vào ngày 13/5 ở tuổi 97, để lại di sản về nỗi kinh hoàng hạt nhân mà ông dành cả đời để chống lại. Nhưng ông cũng để lại một điều bí ẩn kỳ lạ. Vì sao suốt nửa thế kỷ ông lại giấu kín điều mà ông Fermi và rất nhiều tổng thống Mỹ đều biết?

Câu hỏi ấy càng lạ lùng hơn bởi vai trò trung tâm của ông trong tạo ra bom hydro chính là động lực thúc đẩy ông bước tiếp, là điều giúp ông biến sự hối tiếc của ông Fermi thành một đời hoạt động chính trị và xã hội, giúp ông trở thành người khổng lồ thầm lặng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí hạt nhân. Ông từng nói: “Nếu tôi có thể vung đũa thần để làm cho bom hydro biến mất, tôi sẽ làm ngay”.

Chỉ với một luồng sáng chói lòa, quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima từ máy bay Enola Gay đã giết chết ít nhất 70.000 người. Tuy gây chết chóc chưa từng thấy, nhưng quả bom này vẫn còn “nhẹ” so với siêu vũ khí của Tiến sĩ Garwin. Một phiên bản bom được đề xuất có sức công phá gấp hơn 600.000 lần quả đã rơi xuống Hiroshima.

Mặc dù các chuyên gia giữ thái độ điềm tĩnh khi đánh giá, nhưng sức mạnh hủy diệt của quả bom hydro do Garwin thiết kế rất khủng khiếp, có thể phá hủy hoàn toàn một vùng rộng lớn bằng cả nước Pháp và đe dọa sự tồn vong của cả nền văn minh nhân loại.

Tuy nhiên, đó không phải là kỳ tích duy nhất nhờ trí tuệ phi thường của Tiến sĩ Garwin. Ông đã có những khám phá cơ bản về cấu trúc vũ trụ, đặt nền móng cho nhiều tiến bộ trong y tế và máy tính, giành được vô số giải thưởng. Ông đã mở rộng biên giới của ngành thiên văn học, vật lý, siêu dẫn, trinh sát quỹ đạo và hàng loạt lĩnh vực khác theo yêu cầu của chính phủ Mỹ.

Nhưng điều thôi thúc ông, khiến ông sẵn sàng cố vấn cho các tổng thống không phải là tài năng phát minh mà chính là một sứ mệnh cá nhân do ông Fermi truyền cảm hứng. Đó là cứu thế giới khỏi chính thứ mà mình tạo ra.

Henry A. Kissinger từng cố vấn cho ít nhất 12 tổng thống Mỹ. Tiến sĩ Garwin chưa bao giờ chính thức tham gia nội các tổng thống như Kissinger. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn cuối cùng, ông liệt kê từng vị tổng thống mà ông đã cố vấn và có tổng cộng 13 người.

Dù rất muốn chống “đứa con tinh thần” của mình, nhưng Tiến sĩ Garwin không hề nhận trách nhiệm cá nhân hay đạo đức về tạo ra bom hydro. Theo ông, sự ra đời của quả bom này là điều không thể tránh khỏi. Ông nói: “Có thể tôi chỉ làm cho bom hydro xuất hiện sớm hơn một, hai năm. Chỉ vậy thôi”.

Các nhà sử học cũng đồng tình. Liên Xô nhanh chóng theo bước ông, rồi thêm nhiều quốc gia nữa. Ngày nay, bom hydro đã thay thế bom nguyên tử trong hầu hết các kho vũ khí, tạo nên một thế giới căng thẳng giữa các cường quốc hạt nhân.

Theo nhiều người, Tiến sĩ Garwin tin rằng chỉ mình ông có thể nhìn vào sự hỗn loạn của vũ trụ và nhận ra trật tự ẩn sâu bên trong. Giống như J. Robert Oppenheimer – người dẫn đầu quá trình chế tạo bom nguyên tử đầu tiên trong Thế chiến II, Garwin cũng có thể tỏ ra lạnh lùng và không khoan nhượng với những ai mà ông cho là kém tài.

Dù vậy, Tiến sĩ Garwin vẫn có khả năng làm việc nhóm và rộng lượng với những đồng nghiệp mà ông tôn trọng. Trong nhiều thập kỷ, ông nỗ lực thúc đẩy săn tìm sóng hấp dẫn, những gợn sóng trong không gian - thời gian mà Einstein đã tiên đoán. Ông ủng hộ phát triển các máy dò đắt đỏ và vào năm 2015, những máy này đã phát hiện thành công các gợn sóng ấy, mở ra một cánh cửa mới cho ngành thiên văn. Tiến sĩ Garwin đã rạng rỡ tự hào khi khám phá này giành được giải Nobel.

Tiến sĩ Garwin cũng khéo léo bước đi trong thế giới phức tạp của “tổ hợp quân sự - công nghiệp” Mỹ – nơi đã nghiền nát Oppenheimer và nuông chiều Edward Teller, người tiên phong nghiên cứu bom hydro. Trong hàng chục năm, ông đã chỉ trích hệ thống đó từ bên trong, ủng hộ một số ý tưởng và chống nhiều ý tưởng khác, sử dụng trí tuệ và vị thế của mình để làm thay đổi nhưng không tiết lộ danh tính của mình.

Ông được một người viết tiểu sử mô tả là nhà khoa học có ảnh hưởng nhất mà ta chưa từng nghe đến. Vị tiến sĩ này thường nhắn nhủ với những người mới bước chân vào guồng máy liên bang Mỹ rằng: “Chúng ta có thể hoặc là người làm được việc, hoặc là người nhận công trạng, nhưng không thể trở thành cả hai”. Ở một khía cạnh nào đó, ông là người đối lập hoàn toàn với Kissinger – người luôn chăm chút hình ảnh công chúng của mình.

Có những người thích các chỉ trích của Tiến sĩ Garwin nhằm vào giới quân sự Mỹ, nhưng ông dường như hành động không vì khuynh hướng chính trị mà vì lẽ thực dụng. Ông nhận giải thưởng từ cả Tổng thống George W. Bush thuộc đảng Cộng hòa và Tổng thống Barack Obama thuộc đảng Dân chủ.

Ông Obama phát biểu năm 2016 khi trao cho Tiến sĩ Garwin Huân chương Tự do của Tổng thống – vinh dự dân sự cao nhất của nước Mỹ: “Ông ấy chưa bao giờ gặp một vấn đề nào mà không muốn giải quyết”. Ông Obama mô tả Garwin là người “cố vấn cho những người ở Nhà Trắng một cách thẳng thắn”.

Nhìn chung, cuộc đời Tiến sĩ Garwin là câu chuyện về một thiên tài mà những thành tích quan trọng nhất từng bị che khuất bởi bức màn im lặng. Chẳng hạn, vì sao ông lại chờ lâu đến thế mới nói với gia đình về vai trò trong dự án bom hydro?

Như nhiều người sống để phục vụ chính phủ, ông cảm thấy các vấn đề nhạy cảm về an ninh quốc gia luôn đè nặng lên mình.

Trong cuộc phỏng vấn cuối cùng, Garwin cho biết ông lo sợ rằng các thành viên trong gia đình nếu tiết lộ nhiều thông tin thì có thể vô tình khiến ông trở thành mục tiêu của các cơ quan tình báo nước ngoài đang khao khát khai thác bí mật bom hydro. Nỗi lo ấy vẫn còn ám ảnh ông ngay cả sau khi vai trò của ông đã được công khai.

Đón đọc kỳ 2: Sự ra đời của bom hydro

Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/tai-sao-nguoi-thiet-ke-bom-hydro-lai-che-giau-vai-tro-cua-minh-suot-50-nam-ky-1-20250521113043250.htm
Zalo