Tại sao kế hoạch nhận quà từ Qatar của ông Trump gây tranh cãi?
Đề xuất nhận máy bay từ chính phủ Qatar để sử dụng làm chuyên cơ tổng thống khiến ông Donald Trump đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều về pháp lý và đạo đức.
Năm 1839, Martin Van Buren, tức tổng thống thứ 8 của Mỹ, từng từ chối hai con sư tử được tặng bởi quốc vương Morocco. Một năm sau, ông cũng khước từ những món quà bao gồm ngựa, ngọc trai và các vật phẩm quý giá khác từ quốc vương Oman.

Bức họa chân dung cố Tổng thống Mỹ Martin Van Buren. Ảnh: US National Portrait Gallery.
Thay vì nhận quà, cố Tổng thống Van Buren đã gửi công văn trình Quốc hội để xin ý kiến xử lý, viện dẫn quy định trong Hiến pháp về việc cấm các quan chức liên bang nhận tặng phẩm từ chính phủ nước ngoài nếu chưa được Quốc hội phê duyệt.
Các món quà sau đó được xử lý công khai: Sư tử được chuyển tới sở thú, ngựa bị bán đấu giá và chuỗi ngọc trai hiện được lưu giữ tại Viện Smithsonian. Đây được coi là minh chứng điển hình cho việc tuân thủ nguyên tắc trong hoạt động ngoại giao cấp cao.
Đi ngược tiền lệ
Trái với tiền lệ lịch sử, Tổng thống Donald Trump gần đây bày tỏ mong muốn nhận một chiếc Boeing 747 trị giá 400 triệu USD từ Hoàng gia Qatar để sử dụng làm chuyên cơ Không lực Một.
“Tôi có thể là một người ngu ngốc khi nói ‘Ồ không, chúng tôi không muốn một chiếc máy bay miễn phí’. Chúng ta tặng không biết bao nhiêu thứ. Giờ là lúc nhận lại”, ông Trump phát biểu trước báo giới hôm 12/5.
Theo kế hoạch, chiếc máy bay sẽ được sử dụng trong thời gian chờ đợi hai chuyên cơ Không Lực Một mới và sau đó sẽ được trưng bày tại thư viện tổng thống của ông Trump. Tuy nhiên, đề xuất này đang làm dấy lên những lo ngại từ giới chuyên gia pháp lý, an ninh và các nhà lập pháp, theo CNN.

Mẫu phi cơ Boeing 747-8 được mệnh danh là "cung điện trên không" với những tính năng vượt trội và thiết kế sang trọng. Ảnh: Reuters.
Điều khoản về thù lao (tiếng Anh: emoluments clause) trong Hiến pháp Mỹ nêu rõ: “Không một người nào giữ chức vụ có lương hoặc có tín nhiệm trong chính phủ Mỹ được phép, nếu chưa có sự đồng ý của Quốc hội, nhận bất kỳ tặng phẩm, chức vị hay danh hiệu nào từ bất kỳ vua chúa hay quốc gia nước ngoài nào”.
Tổng thống Trump, mặt khác, lập luận rằng nếu Qatar chuyển giao máy bay thông qua Bộ Quốc phòng thì có thể tránh được ràng buộc pháp lý. “Nếu chúng ta có thể nhận một chiếc 747 như một đóng góp cho Bộ Quốc phòng, tôi nghĩ đó là một cử chỉ rất tốt đẹp”, ông nói.
Giáo sư luật Jessica Tillipman từ Đại học George Washington cảnh báo: “Việc trộn lẫn lợi ích tài chính cá nhân với chức vụ tổng thống đã tạo ra nhiều vấn đề. Đó là lý do vì sao các tổng thống trước đây luôn chuyển giao tài sản vào quỹ tín thác độc lập hoặc từ bỏ hoàn toàn”. Bà nhấn mạnh rằng mỗi khi ông Trump đưa ra quyết sách liên quan đến Qatar, món quà máy bay sẽ làm dấy lên nghi ngờ về động cơ.
Nỗi lo an ninh và xung đột lợi ích
Hiện, tập đoàn Trump Organization do con trai tổng thống là Eric Trump điều hành đang tích cực mở rộng hoạt động tại Trung Đông. Một sân golf mang thương hiệu đang được xây dựng tại Qatar, trong khi tại Arab Saudi và UAE, tên tuổi ông Trump cũng xuất hiện trong các dự án bất động sản lớn.
Với chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ thứ hai, nhiều nhà phân tích lo ngại rằng các quốc gia khác có thể “thi đua” tặng quà để gây ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Mỹ.
Chuyên gia an ninh và nhà sử học Garrett Graff, tác giả cuốn sách "Viễn cảnh tận thế", cho rằng việc sử dụng một máy bay từng thuộc quyền kiểm soát của chính phủ nước ngoài là điều “không thể chấp nhận được” về mặt an ninh. Ông cảnh báo:
“Để giảm thiểu rủi ro do thám, nghe lén, hoặc phá hoại, cần phải tháo dỡ toàn bộ hệ thống máy bay. Dù vậy, tôi cũng không đặt tổng thống Mỹ lên chiếc máy bay ấy”, ông Graff nói.

Garrett Graff, nhà sử học và chuyên gia an ninh, lên tiếng cảnh báo về món quà từ Hoàng gia Qatar. Ảnh: Wiki Commons.
Ngoài ra, việc ông Trump sẵn sàng chấp nhận một món quà đắt giá từ nước ngoài được cho là đi ngược lại chủ trương "nước Mỹ trên hết" vốn gắn liền với sự nghiệp chính trị của vị tổng thống này, đặc biệt là sau những động thái cứng rắn về thuế quan với nước ngoài hồi tháng 4, khiến giới quan sát đặt câu hỏi về sự nhất quán trong quan điểm chính sách của tổng thống đương nhiệm.
Các nhân vật có sức ảnh hưởng của lưỡng đảng cũng bắt đầu đưa ra ý kiến trái chiều về kế hoạch nhận quà từ Qatar của ông Trump.
Cựu Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (đảng viên Cộng hòa) phát biểu trên CNN Max: “Tôi nghĩ nước Mỹ hoàn toàn có thể tự chế tạo và sở hữu một chuyên cơ cho tổng thống”. Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Dan Goldman của đảng Dân chủ gọi đây là “một ví dụ mới nhất cho thấy sự tha hóa và tham nhũng trong việc lạm dụng chức vụ tổng thống để phục vụ lợi ích cá nhân”, theo CNN.