Tại sao Hải Phòng đề xuất dừng xây dựng chính sách hỗ trợ giải bản tàu cá?

Xuất phát từ thực tế số lượng tàu cá đã giảm phù hợp với định hướng bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, UBND Tp.Hải Phòng đề xuất HĐND thành phố dừng xây dựng nghị quyết hỗ trợ giải bản tàu cá.

Hơn 200 tàu cá trên địa bàn Tp.Hải Phòng thuộc diện giải bản

Theo thông tin từ UBND Tp.Hải Phòng, ngày 17/5/2024, Thường trực HĐND thành phố ban hành Quyết định số 17/QĐ-HĐND về việc chấp thuận đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ giải bản tàu cá và chuyển đổi nghề trong khai thác thủy sản cho ngư dân Tp.Hải Phòng đến năm 2030 (Nghị quyết giải bản tàu cá).

Trên cơ sở này, UBND Tp.Hải Phòng đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố chủ trì xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị quyết giải bản tàu cá. Đồng thời, nghiên cứu và tiếp thu các ý kiến tham gia vào dự thảo Nghị quyết, tham khảo kinh nghiệm thực tiễn của các địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của UBND Tp.Hải Phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã tiến hành rà soát, thống kê. Qua đó, xác định trên địa bàn có hơn 200 tàu cá thuộc diện giải bản (hơn 100 tàu đủ điều kiện khai thác nhưng xâm hại đến nguồn lợi thủy sản, gần 30 tàu không còn đủ điều kiện hoạt động và hơn 72 tàu chưa thực hiện đăng ký tàu cá theo quy định).

Ngoài ra, có hơn 100 tàu cá sử dụng các loại ngư cụ gây hại cho nguồn lợi thủy sản cần được chuyển đổi sang loại ngư cụ phù hợp.

Tàu cá neo đậu tại Cảng cá Mắt Rồng trên địa bàn Tp.Thủy Nguyên trực thuộc Tp.Hải Phòng (Ảnh: Thái Phan).

Tàu cá neo đậu tại Cảng cá Mắt Rồng trên địa bàn Tp.Thủy Nguyên trực thuộc Tp.Hải Phòng (Ảnh: Thái Phan).

Đối với hơn 200 tàu cá thuộc diện giải bản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tp.Hải Phòng đề xuất địa phương dùng ngân sách hỗ trợ giải bản với các mức khác nhau. Trong đó, tàu cá dài từ 6 m đến dưới 12 m: Hoạt động 10 - 15 năm được hỗ trợ 100 triệu đồng/tàu, hoạt động 15 - 20 năm được hỗ trợ 80 triệu đồng/tàu, hoạt động trên 20 năm được hỗ trợ 60 triệu đồng/tàu.

Đối với tàu cá có chiều dài từ 12 m trở lên: Hoạt động 10 - 15 năm được hỗ trợ 250 triệu đồng/tàu, hoạt động 15 - 20 năm được hỗ trợ 185 triệu đồng/tàu, hoạt động từ 20 năm trở lên được hỗ trợ 125 triệu đồng/tàu.

Ngoài ra, mỗi tàu cá giải bản được hỗ trợ ổn định đời sống cho 2 thuyền viên với mức hỗ trợ gần 13 triệu đồng/tàu.

Đối với hơn 100 tàu cá sử dụng các loại ngư cụ gây hại cho nguồn lợi thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp.Hải Phòng đề xuất hỗ trợ kinh phí mua ngư cụ, máy tời để chuyển đổi nghề khai thác thủy sản với mức: Tàu dài từ 6 m đến dưới 12 m: Chuyển sang nghề câu được hỗ trợ 50 triệu đồng/tàu, chuyển sang nghề lưới rê được hỗ trợ 155 triệu đồng/tàu, chuyển sang nghề lồng bẫy ghẹ được hỗ trợ 125 triệu đồng/tàu và chuyển sang nghề khác không thuộc diện cấm theo quy định pháp luật được hỗ trợ 80 triệu đồng/tàu.

Đối với tàu dài từ 12 m đến dưới 15 m: Chuyển đổi sang nghề câu được hỗ trợ 80 triệu đồng/tàu, chuyển sang nghề lưới rê được hỗ trợ 295 triệu đồng/ tàu, chuyển sang nghề lồng bẫy ghẹ được hỗ trợ 205 triệu đồng/ tàu và chuyển sang các nghề khác mà pháp luật không cấm được hỗ trợ 110 triệu đồng/ tàu.

Dừng xây dựng chính sách hỗ trợ vì không phù hợp

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp.Hải Phòng, thực hiện chỉ đạo của UBDN thành phố, đơn vị đã xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị quyết giải bản tàu cá.

Hồ sơ dự thảo đã được gửi xin ý kiến của các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban MTTQ Việt Nam Tp.Hải Phòng, được Sở Tư pháp thành phố thẩm định và HĐND thành phố thẩm tra, với 2 chính sách: Hỗ trợ giải bản để cắt giảm số lượng tàu cá hoạt động ở vùng bờ và vùng lộng cho phù hợp với nguồn lợi thủy sản và hạn ngạch cho phép; Hỗ trợ để ngư dân chuyển đổi từ nghề cấm sang các nghề không cấm theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, cuối năm 2024, tại Tờ trình số 5214 gửi UBND Tp.Hải Phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đề xuất cho phép dừng thực hiện đối với nhiệm vụ tham mưu, trình ban hành Nghị quyết giải bản tàu cá.

Tờ trình số 5214 nêu rõ, đến cuối năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp.Hải Phòng đã hoàn thành 100% việc đăng ký và cấp giấy phép khai thác thủy sản, cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia. Về cơ bản, các tàu cá nằm trong danh sách hỗ trợ giải bản vẫn bảo đảm các điều kiện hoạt động theo quy định.

Ngư dân Hải Phòng chuẩn bị ngư cụ ra khơi (Ảnh: Thái Phan).

Ngư dân Hải Phòng chuẩn bị ngư cụ ra khơi (Ảnh: Thái Phan).

Bên cạnh đó, thời gian qua, với hành động quyết liệt trong chống khai thác IUU và sự vận động của các địa phương, các chủ tàu cá không đủ điều kiện hoạt động khai thác vùng ven bờ, vùng lộng đã tự phá dỡ, chuyển sang nghề phục vụ nuôi trồng thủy sản. Số tàu khai thác vùng ven bờ đã giảm, phù hợp với định hướng bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ tại quyết định 208/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Mặt khác, qua tham khảo thông tin từ các địa phương có hoạt động khai thác thủy sản trên toàn quốc, đến nay chưa có địa phương nào ban hành nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ giải bản tàu cá và chuyển đổi nghề trong khai thác thủy sản cho ngư dân.

Tại Văn bản số 10/UBND-TL, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND Tp.Hải Phòng đã đồng ý chủ trương dừng thực hiện xây dựng Nghị quyết giải bản tàu cá theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố.

Vừa qua, UBND Tp.Hải Phòng đã có Văn bản số 164/UBND-TL gửi Thường trực HĐND thành phố đề nghị dừng thực hiện xây dựng Nghị quyết giải bản tàu cá.

Đối với một số nội dung về chính sách hỗ trợ giải bản tàu cá và chuyển đổi nghề trong khai thác thủy sản cho ngư dân nếu còn phù hợp với thực tế, UBND Tp.Hải Phòng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đưa vào nội dung Nghị quyết mới về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến trình ban hành trong năm 2025.

Ngô Quang Thái

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tai-sao-hai-phong-de-xuat-dung-xay-dung-chinh-sach-ho-tro-giai-ban-tau-ca-204250216153054111.htm
Zalo