Tại sao cúng bánh trôi, bánh chay trong Tết Hàn thực?
Bánh trôi, bánh chay là biểu tượng của Tết Hàn thực tại Việt Nam, bạn có biết vì sao người ta cúng và ăn bánh trôi trong ngày lễ này?
Tết Hàn thực, hay tết bánh trôi bánh chay, rơi vào ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Trong truyền thống văn hóa của người Việt, đây là một trong những ngày để thể hiện sự kính trọng và lòng biết ơn đối với tổ tiên, cũng là dịp quan trọng để gia đình sum họp, thể hiện tình cảm bằng cách chung tay nặn bánh trôi, bánh chay, dâng lên thờ cúng ông bà.
Tết Hàn thực 2024 nhằm vào thứ Năm ngày 11/4 Dương lịch.
Tại sao Tết Hàn thực lại cúng và ăn bánh trôi?
Bánh trôi, bánh chay là món ăn đặc trưng của người Việt Nam vào mỗi dịp Tết Hàn thực, được xem là biểu tượng của ngày lễ này. Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Dực, tục lệ ăn bánh trôi, bánh chay vào tết Hàn thực ở Việt Nam bắt đầu từ thời Lê Trung hưng (1533 - 1789).
Trong các ghi chép về văn hóa dân gian, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) viết: "Tục nước ta trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3 tháng 3 thì làm bánh ấy”. Điều này chứng tỏ truyền thống ăn bánh trôi bánh chay ở nước ta đã có từ lâu đời.
Còn theo TS Nguyễn Ánh Hồng, Tết Hàn thực có nghĩa là tết ăn đồ lạnh, vốn là một phong tục của người Trung Quốc truyền sang, tuy nhiên khi du nhập Việt Nam đã có nhiều thay đổi, "biến hóa" để phù hợp với văn hóa, phong tục của người Việt.
Việc sử dụng bánh trôi và bánh chay để thờ cúng trong Tết Hàn thực là một biểu hiện của văn hóa nông nghiệp Việt Nam. Cả hai loại bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm ngon, đại diện cho thành quả từ những ngày lao động vất vả, được dâng lên ông bà và tổ tiên để tỏ lòng thành kính, tri ân.
Tiếp nữa, bánh trôi có hình dạng tròn, gợi nhắc đến câu cầu chúc "Mẹ tròn con vuông"; còn bánh chay có vỏ trắng mang tính âm, nhân đậu xanh mang tính dương, thể hiện âm dương hòa hợp, cầu mong mưa gió thuận hòa, mùa màng tươi tốt.
Tục làm bánh trôi bánh chay còn được cho là để nhắc đến truyền thuyết bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên núi theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển. Như vậy, Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất.
Theo TS Nguyễn Ánh Hồng, bánh trôi truyền thống được làm từ bột nếp trắng, tròn đầy, tinh khiết, bên trong bọc đường, mang hết tình cảm gói gọn vào từng cái bánh, thể hiện nên tấm lòng tri ân sâu sắc đối với cội nguồn và ông bà tổ tiên đã khuất.
"Bánh trôi nguyên bản có màu trắng, hình tròn đầy, thể hiện khát vọng về những điều tốt đẹp, viên mãn và tinh khiết trong cuộc sống. Ngày nay, nhiều gia đình thường thích làm bánh trôi bánh chay nhiều màu sắc để bày mâm cúng cho đẹp, tuy nhiên điều này không phản ánh ý nghĩa nguyên bản của ngày lễ Hàn thực" - TS Hồng nhấn mạnh.
Chuyên gia này cũng cho rằng vào ngày Hàn thực, các gia đình không cần phải chuẩn bị "mâm cao, cỗ đầy" hay thực hiện các nghi thức phức tạp, sắm lễ lạt tốn kém mà chỉ cần lòng thành, dâng bánh trôi, bánh chay lên bàn thờ ông bà, tổ tiên, cầu nguyện cho những điều tốt đẹp, an lành trong cuộc sống.
Có thể nói, việc cúng bánh trôi bánh chay trong Tết Hàn thực là một cách để giữ gìn truyền thống dân tộc. Qua các thế hệ, hình ảnh bánh trôi bánh chay đã trở thành một biểu tượng tinh thần quan trọng trong ngày lễ Hàn thực, thể hiện sự kết nối chặt chẽ giữa con người và đất nước, giữa quá khứ và hiện tại. Sự hiện diện của bánh trôi và bánh chay không chỉ là một phần của nghi thức cúng lễ mà còn là biểu tượng của sự thống nhất, đoàn kết trong gia đình và cộng đồng.
Hình ảnh này là một lời nhắc nhở về truyền thống, về những giá trị văn hóa, là một cách thể hiện lòng biết ơn và lòng hiếu thảo của con cháu đối với tổ tiên. Sự gắn kết và sự tiếp nối truyền thống này đã làm cho bánh trôi và bánh chay trở thành một phần không thể thiếu, một biểu tượng sâu sắc của văn hóa Việt Nam.