Tại sao cử tri ở các tiểu bang dao động lại quyết định đến kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ?

Người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày mai (5/11) sẽ lãnh đạo một quốc gia có hơn 330 triệu dân, nhưng cuộc đua gần như chắc chắn sẽ được quyết định bởi chỉ khoảng hàng chục nghìn cử tri - một bộ phận rất nhỏ so với dân số Mỹ - ở một số tiểu bang.

Nguyên nhân là do chỉ có 7 trong số 50 tiểu bang thực sự có sức cạnh tranh, các tiểu bang còn lại đều chắc chắn thuộc về đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa. Trong số 7 tiểu bang dao động (tiểu bang chiến trường), Pennsylvania, tiểu bang đông dân nhất, được xem là có nhiều khả năng quyết định liệu ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris hay ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump sẽ là tổng thống tiếp theo. Chiến lược của các ứng cử viên phản ánh thực tế này, với phần lớn chi tiêu cho quảng cáo và các sự kiện vận động tranh cử của họ đều hướng đến 7 tiểu bang chiến trường.

Tại sao cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ không được quyết định bởi số phiếu của người dân toàn quốc?

Tại Mỹ, cuộc tranh cử tổng thống không chỉ dựa trên số phiếu phổ thông. Thay vào đó, theo một hệ thống được gọi là Đại cử tri đoàn, ứng cử viên chiến thắng ở mỗi tiểu bang, cũng như Washington DC, sẽ nhận được số phiếu đại cử tri của tiểu bang đó, phần lớn dựa trên dân số.

Một ứng cử viên cần giành được đa số trong tổng số 538 phiếu đại cử tri của đất nước, tức là 270 phiếu, điều này vẫn có thể thực hiện được ngay cả khi ứng cử viên thua về tổng số phiếu bầu toàn quốc.

Trong trường hợp tổng số phiếu bằng nhau (269-269), Hạ viện Hoa Kỳ sẽ chọn ra người chiến thắng, trong đó phái đoàn của mỗi tiểu bang sẽ nhận được một phiếu bầu - một kịch bản mà các nhà phân tích cho rằng có khả năng sẽ có lợi cho cựu Tổng thống Donald Trump.

Năm nay, nếu mọi tiểu bang, trừ các tiểu bang chiến trường, bỏ phiếu như dự kiến, thì Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ có 226 phiếu đại cử tri và Donald Trump có 219 phiếu, 93 phiếu còn lại chưa phân định.

Những tiểu bang nào được xem là quyết định?

Có 7 tiểu bang có thể thay đổi theo hướng này hay hướng khác vào ngày 5/11: bộ ba Rust Belt gồm Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, và bộ tứ Sun Belt gồm Arizona, Georgia, Nevada và Bắc Carolina.

Michigan, Pennsylvania và Wisconsin đã từng là “bức tường xanh” của các ứng cử viên đảng Dân chủ. Nhưng vào năm 2016, Donald Trump đã giành chiến thắng sít sao ở cả 3 bang này, tạo nên chiến thắng bất ngờ của ông trước ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton.

4 năm sau, Joe Biden thắng cử tổng thống sau khi giành lại Michigan, Wisconsin và Pennsylvania cho đảng Dân chủ, đồng thời giành chiến thắng bất ngờ ở Georgia và Arizona, 2 tiểu bang trước đây thường bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa.

Theo kết quả thăm dò ý kiến công khai của tờ New York Times, cả 7 tiểu bang chiến trường đều đang trong thế cân bằng. Donald Trump dẫn trước 3 điểm phần trăm ở Arizona; 6 tiểu bang dao động khác đều chỉ cách nhau trung bình một điểm.

Tại sao Pennsylvania lại quan trọng đến vậy?

Câu trả lời đơn giản là tiểu bang này có 19 phiếu đại cử tri, nhiều hơn bất kỳ bang chiến trường nào khác.

Pennsylvania được coi là tiểu bang quan trọng đối với cơ hội trở thành tổng thống của Kamala Harris hoặc Donald Trump. Nếu Kamala Harris thua ở Pennsylvania, bà sẽ cần phải giành chiến thắng ở Bắc Carolina hoặc Georgia - 2 tiểu bang đã bỏ phiếu cho đảng Dân chủ tổng cộng 3 lần trong 4 thập kỷ qua - để có cơ hội chiến thắng.

Ngược lại, nếu Donald Trump thua ở Pennsylvania, ông sẽ cần phải thắng ở Wisconsin hoặc Michigan, những nơi chỉ bỏ phiếu cho ứng viên Cộng hòa 1 lần kể từ những năm 1980.

Cả 2 ứng cử viên đều coi Pennsylvania là tiểu bang quan trọng nhất. Các chiến dịch tranh cử của họ đã chi 279,3 triệu đô la cho quảng cáo tại Pennsylvania, tính đến ngày 7/10, nhiều hơn 75 triệu đô la so với Michigan ở vị trí thứ hai.

7 tiểu bang chiến trường quyết định đến kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ

Pennsylvania (19 phiếu đại cử tri)

Ứng cử viên Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng tại tiểu bang đông dân nhất này (13 triệu dân) với 0,7 điểm phần trăm vào năm 2016. Joe Biden đã thắng cử tại đây với 1,2 điểm phần trăm vào năm 2020.

Donald Trump và bà Kamala Harris đã vận động tranh cử nhiều lần tại đây - nơi 2 ứng cử viên năm nay đã tổ chức cuộc tranh luận duy nhất của họ. Donald Trump đã sống sót sau một nỗ lực ám sát tại một cuộc mít-tinh vào tháng 7 ở Pennsylvania.

Georgia (16 phiếu đại cử tri)

Tiểu bang nằm ở Đông Nam nước Mỹ là điểm nóng bầu cử vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của Donald Trump và cuộc tranh cãi vẫn tiếp diễn. Các công tố viên ở Georgia đã truy tố Donald Trump trong vụ án can thiệp bầu cử, trong đó ông nỗ lực đảo ngược chiến thắng sít sao của Joe Biden năm 2020. Vụ án đã bị tạm dừng cho đến sau cuộc bầu cử Mỹ năm nay.

Joe Biden là thành viên đảng Dân chủ đầu tiên giành chiến thắng tại Peach State thuộc Georgia kể từ năm 1992. Những thay đổi về nhân khẩu học có thể có lợi cho Kamala Harris - người đã thu hút được các cử tri thiểu số trên khắp tiểu bang này.

North Carolina (16 phiếu đại cử tri)

Tiểu bang này chỉ bỏ phiếu cho đảng Dân chủ một lần kể từ năm 1980, nhưng Kamala Harris tin rằng điều này sẽ được lặp lại trong năm nay.

Dân số hơn 10 triệu người và đang tăng lên, ngày càng đa dạng hơn, có thể mang lại lợi ích cho đảng Dân chủ.

Trong khi đó, một vụ bê bối liên quan đến ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump tại tiểu bang này có thể nhấn chìm Donald Trump trong cuộc đua với Kamala Harris.

Michigan (15 phiếu đại cử tri)

Donald Trump đã thắng ở Michigan - một thành trì trước đây của đảng Dân chủ - trong cuộc đua với Hillary Clinton vào năm 2016. Sau đó, Joe Biden đã đưa Michigan trở lại với phe Dân chủ vào năm 2020.

Tuy nhiên, lần này Kamala Harris có nguy cơ mất đi sự ủng hộ của cộng đồng gồm gồm 200.000 người Mỹ gốc Arab - những người đã lên án cách xử lý cuộc chiến Israel - Hamas ở Gaza của Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris.

Arizona (11 phiếu đại cử tri)

Đây là tiểu bang tạo nên cuộc đua sít sao nhất trong cuộc bầu cử năm 2020, trong đó Joe Biden giành chiến thắng chỉ với 10.457 phiếu bầu.

Năm nay, Donald Trump kỳ vọng chính sách nhập cư gây thất vọng của chính quyền Joe Biden - Kamala Harris sẽ khiến Arizona - tiểu bang có chung biên giới với Mexico - quay lại ủng hộ ông.

Kamala Harris đã đến thăm Arizona vào tháng 9, tuyên bố sẽ trấn áp tình trạng di cư và nỗ lực khôi phục dự luật biên giới lưỡng đảng năm 2023.

Wisconsin (10 phiếu đại cử tri )

Hilary Clinton đã thua ở Wisconsin trong chiến dịch tranh cử năm 2016.

Donald Trump cho rằng có thể giành chiến thắng tại đây và đảng Cộng hòa đã tổ chức đại hội đảng toàn quốc vào mùa hè tại tiểu bang này.

Trong khi Donald Trump dẫn trước Joe Biden trong cuộc đua trước đây tại Wisconsin, năm nay Kamala Harris đã khiến cuộc đua ở tiểu bang này trở nên gay cấn.

Nevada (6 phiếu đại cử tri)

Tiểu bang với dân số 3,1 triệu người này đã không bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa kể từ năm 2004.

Năm nay, Donald Trump đã dẫn trước Joe Biden đáng kể tại đây với sự ủng hộ của các cử tri gốc Tây Ban Nha. Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau khi trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ, Kamala Harris - với kế hoạch thúc đẩy kinh tế giúp các doanh nghiệp nhỏ và chống lạm phát - đã xóa bỏ lợi thế của Donald Trump tại Nevada.

TD

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tai-sao-cu-tri-o-cac-tieu-bang-dao-dong-lai-quyet-dinh-den-ket-qua-bau-cu-tong-thong-my-229442.htm
Zalo