Tại sao chúng ta cầu nguyện?

Cầu nguyện vừa hành động hướng ngoại tìm kiếm ân huệ, vừa là con đường quay về để khơi dậy những đức tính quý báu sẵn có nơi nội tâm. Anam Thubten Rinpoche đã chỉ ra nguồn gốc của sự cầu nguyện, điểm khác nhau của phương pháp thực hành này trong các truyền thống tôn giáo phổ biến hiện nay.

Cầu nguyện là một nghi thức cổ xưa và là một phương pháp thực hành không thể truy tìm được nguồn gốc từ đâu. Đây không phải là phát minh của một nhà tiên tri hay một truyền thống tôn giáo nào. Có thể khẳng định rằng nó đã là một phần trong các hoạt động văn hóa của con người từ thời xa xưa, thậm chí còn trước cả khi lịch sử được ghi chép lại. Khi tổ tiên chúng ta sinh sống ở lục địa châu Phi, trước khi bắt đầu khám phá những vùng đất chưa ai biết đến trên hành tinh rộng lớn này, chắc chắn họ đã phát triển một đức tin shaman, thờ phụng các thần linh trong tự nhiên để vượt qua các mối nguy hiểm, chẳng hạn như thú hoang, sự thịnh nộ của thiên nhiên hay bệnh tật, mà nguồn gốc của chúng hoàn toàn vượt xa sự hiểu biết của con người trong thời kỳ này.

Anam Thubten Rinpoche

Anam Thubten Rinpoche

Trong một xã hội như vậy, cầu nguyện hẳn đã bắt đầu như một hành động thờ phụng các vị thần linh được cho là có sức mạnh vượt trội hơn con người trong việc kiểm soát thế giới tự nhiên. Việc dâng lễ và cầu nguyện được thực hiện để làm vui lòng các thần linh, với hy vọng họ sẽ xua tan những tai họa và mang lại may mắn cho cá nhân, gia đình hoặc bộ tộc. Không cần phải trở về quá khứ với cỗ máy thời gian hay tiến hành những nghiên cứu nhân học không cần thiết, chúng ta vẫn có thể nhận ra chức năng của cầu nguyện trong xã hội loài người thời sơ khai bằng cách quan sát những nghi thức thực hành tương tự của nhiều cộng đồng trên thế giới ngày nay.

Một trong những biến đổi quan trọng nhất mà con người trải qua là quá trình chuyển đổi từ lối sống săn bắt hái lượm sang nền văn hóa nông nghiệp, dẫn đến việc hình thành các nền văn minh phức tạp và sản sinh ra những tiến bộ mới như thành phố, các thiết chế tôn giáo, chính trị, hệ thống giai cấp chặt chẽ và những phát minh thiên tài như công cụ tiên tiến, kiến trúc tinh xảo, và chữ viết. Người ta cũng bắt đầu ghi chép lại giáo lý của các tôn giáo và những lời cầu nguyện, việc này giúp cho các nghi thức thờ phụng trở nên trang trọng hơn. Cũng nhờ đó, các tôn giáo phát triển những truyền thống riêng của họ với những nét riêng biệt, phân định từng truyền thống với nhau.

Chúng ta có thể nhận thấy rằng có một sự khác biệt cơ bản giữa sự cầu nguyện trong các truyền thống hữu thần và vô thần. Trong nhiều truyền thống hữu thần, đấng toàn năng là người nắm giữ quyền năng sáng tạo cả vũ trụ; do đó, ngài là đấng vĩ đại nhất mà con người có thể tưởng tượng ra, vị ấy là vua của các vị vua và là đấng đáng được thờ phụng nhất. Nhiều nghi lễ tôn giáo trong các truyền thống này là phương tiện để tín đồ cảm nhận được rằng họ đang giao tiếp trực tiếp hoặc gián tiếp với đấng thiêng liêng toàn năng, cho phép họ cầu xin sự cứu rỗi linh hồn hoặc thậm chí là ban cho họ vận may và phước lành nơi trần thế.

Cũng giống như trong bất kỳ truyền thống tâm linh nào khác, cầu nguyện là một nghi lễ quan trọng trong Phật giáo. Tuy nhiên, mục đích và ý nghĩa của lời cầu nguyện trong Phật giáo khá khác biệt so với các truyền thống tôn giáo hữu thần. Phật giáo là một truyền thống vô thần, nhấn mạnh vào việc thực hành giáo pháp (Dharma) như một con đường dẫn đến giải thoát nội tâm. Các Phật tử thường cầu nguyện với chư Phật, Bồ-tát và các bậc thầy tâm linh. Một trong những ý nghĩa đằng sau những lời cầu nguyện này là khơi dậy những phẩm chất giác ngộ trong tâm thức và trí tuệ của chính mình, thông qua việc buông bỏ sự bám víu vào bản ngã hay cái tôi một cách tự nguyện và khiêm nhường. Ví dụ, khi cầu nguyện Đức Tara thì Ngài vốn không gì khác hơn là bản tâm thanh tịnh chân thật của chúng ta - một tấm lòng từ bi sâu sắc đối với toàn thế giới ngay lập tức có thể được khơi dậy nơi tâm thức. Đức Tara là một vị Phật nữ trong Kim Cang thừa và rất được người Tây Tạng yêu mến. Kim Cang thừa dạy rằng bản chất của tâm chúng ta vốn dĩ đã thanh tịnh, trong sáng và giác ngộ và đó cũng chính là Tara. Tương tự, Phật tử cũng thường cầu nguyện Đức Quan Âm (Avalokiteshvara), một vị Bồ-tát có lòng từ bi lớn, như một phương tiện để khơi dậy tình yêu thương đối với toàn thể chúng sinh. Nói chung, lòng yêu thương của chúng ta thường nhỏ hẹp trong phạm vi cá nhân - chúng ta có thể dành tình yêu cho những người thân thiết, những người ta quan tâm chứ không phải cho tất cả chúng sinh. Và nó có giới hạn. Ngược lại, khi cầu nguyện Đức Quan Âm, chúng ta có thể vượt qua mọi giới hạn, bám chấp và định kiến để bao dung tất cả trong trái tim với lòng từ bi chân thật.

Những hành giả Kim Cang thừa thường quán tưởng các hình tướng thiêng liêng của các bậc thầy truyền thừa và tụng những bài kệ cầu nguyện với giọng điệu đầy sùng kính. Trong truyền thống của tôi, chúng tôi cầu nguyện các bậc thầy truyền thừa như Guru Rinpoche (Padmasambhava), Yeshe Tsogyal, và các bậc thầy tôn kính khác trong quá khứ, hoặc chính các bậc thầy truyền dạy Pháp cho chúng tôi.

Một số người có thể cho rằng cầu nguyện là thụ động và không coi đó là sự tham gia tích cực vào hoàn cảnh thực tế của cuộc sống. Nhưng sự thật là cầu nguyện có thể là một hành động tích cực và là một cách đúng đắn để đối diện với những thử thách trước mắt. Nếu trái tim chúng ta tê liệt và thờ ơ với những khổ đau của thế giới, chúng ta sẽ tự giam mình trong hang động của sự ích kỷ và không cảm thấy thôi thúc để cầu nguyện cho hạnh phúc của người khác.

Khi đó, cầu nguyện trở thành một phương pháp mạnh mẽ, giúp chúng ta an trú trong một trạng thái tâm vốn đã tự do và đầy đủ các phẩm chất tốt đẹp. Trạng thái tâm giải thoát đó chính là Phật tánh bẩm sinh của chúng ta; trong ngôn ngữ Dzogchen gọi đó là “chân sư”. Có rất nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những người đã đạt được sự giác ngộ nội tâm nhờ cầu nguyện các bậc thầy truyền thừa như vậy.

Nhiều người cũng có xu hướng cầu nguyện khi cuộc sống trở nên khó khăn hay khi người thân hoặc bạn bè gặp hoạn nạn, hoặc khi cảm thấy tuyệt vọng. Cầu nguyện có thể là nguồn động viên, sự can đảm và sáng suốt khi chúng ta cần chúng nhất. Một số người có thể cho rằng cầu nguyện là thụ động và không coi đó là sự tham gia tích cực vào hoàn cảnh thực tế của cuộc sống. Nhưng sự thật là cầu nguyện có thể là một hành động tích cực và là một cách đúng đắn để đối diện với những thử thách trước mắt. Nếu trái tim chúng ta tê liệt và thờ ơ với những khổ đau của thế giới, chúng ta sẽ tự giam mình trong hang động của sự ích kỷ và không cảm thấy thôi thúc để cầu nguyện cho hạnh phúc của người khác. Đây là lý do vì sao sự thờ ơ đối với thế giới là một dạng vô minh, vốn là một trong ba loại thuốc độc đối với tâm thức, cùng với tham và sân.

Hiện tại, thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt thử thách mới dường như vượt quá khả năng kiểm soát của chúng ta: biến đổi khí hậu, đại dịch, chiến tranh, chia rẽ chính trị. Những diễn biến này có thể khiến chúng ta cảm thấy thế giới đang rơi vào hỗn loạn. Nhưng cảm giác đó không chỉ vô ích mà còn ngây thơ. Bởi vì thế giới loài người đã trải qua vô vàn khó khăn và bất ổn từ thuở sơ khai, và nó sẽ không bao giờ trở thành một thiên đường hoàn hảo như những mô hình lý tưởng mà chúng ta mong ước. Thay vào đó, chúng ta phải tin rằng mình có thể vượt qua những thử thách này và nỗ lực hết mình để đối diện với chúng. Do đó, bây giờ không phải là lúc ngồi yên, mà là lúc hành động. Hành động đúng đắn của chúng ta bắt đầu bằng sự cầu nguyện. Đây là thời điểm để cầu nguyện cho thế giới tìm được hòa bình, chữa lành, hòa hợp và bình đẳng; không phải bằng sự phẫn nộ về mặt đạo đức, mà bằng lòng từ bi có thể nhìn thấu và chấp nhận bản chất bất toàn của mọi sự vật hiện hữu.

Tâm Tuệ dịch/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/tai-sao-chung-ta-cau-nguyen-post75445.html
Zalo