Tại sao 'bóng ma' chiến tranh quay trở lại Syria ngay lúc này?
Lần đầu sau nhiều năm, phiến quân Syria phát động cuộc tấn công lớn tại thành phố Aleppo hôm 27/11, nguy cơ một 'lò lửa' mới lại đang hình thành tại Trung Đông.
Lần đầu tiên trong nhiều năm, phiến quân ở Syria đã phát động một cuộc tấn công lớn ở tỉnh Aleppo, giành được thắng lợi đầu tiên về lãnh thổ kể từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào năm 2020. Đến tối 29/11 phiến quân đã tiến đến Aleppo, thành công chiếm lĩnh được thành phố này lần đầu tiên kể từ năm 2016.
Hiện tại, phe nổi dậy đang giao tranh quyết liệt gần thành phố Hama, trong khi Nga - đồng minh quan trọng của Syria đang thực hiện các cuộc không kích nhằm hỗ trợ quân đội Syria.
Nguyên nhân nổ ra chiến tranh ở Syria
Năm 2011, một phong trào biểu tình ôn hòa đòi dân chủ chống lại Tổng thống Bashar al-Assad đã leo thang thành nội chiến toàn diện. Cuộc xung đột này đã khiến đất nước Syria kiệt quệ và thu hút sự can thiệp của các cường quốc khu vực và quốc tế.
Hơn 500.000 người đã thiệt mạng, và 12 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong đó khoảng 5 triệu người đã trở thành người tị nạn ở nước ngoài.
Trước khi phe nổi dậy mở lại cuộc tấn công, chiến tranh ở Syria dường như đã gần như kết thúc khi chính quyền Assad với sự hỗ trợ từ các đồng minh như Nga, Iran và các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn đã giành lại quyền kiểm soát các thành phố chính. Tuy nhiên, nhiều khu vực vẫn nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ.
Những khu vực này bao gồm vùng phía bắc và phía đông do một liên minh do người Kurd lãnh đạo được Mỹ hỗ trợ nhằm giúp họ kiểm soát những nơi này. Nơi đây là một trong những thành trì cuối cùng của phe nổi dậy nằm tại các tỉnh Aleppo và Idlib ở phía tây bắc Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là nơi sinh sống của hơn 4 triệu người, phần nhiều trong số đó là dân tị nạn trong nước.
Khu vực này phần lớn bị kiểm soát bởi nhóm phiến quân Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS). Tuy nhiên, các phe nổi dậy khác do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn được gọi là Quân đội Quốc gia Syria (SNA) cũng kiểm soát một số khu vực với sự hỗ trợ trực tiếp từ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhóm Hayat Tahrir al-Sham là ai?
Hayat Tahrir al-Sham (HTS) được thành lập vào năm 2012 với tên gọi ban đầu là Mặt trận al-Nusra. Năm 2013, nhóm này đã tuyên bố trung thành với al-Qaeda.
Al-Nusra từng được xem là một trong những nhóm phiến quân mạnh mẽ và nguy hiểm nhất chống lại Tổng thống Assad. Tuy nhiên, hệ tư tưởng thánh chiến của nhóm này khác biệt và mâu thuẫn với các nhóm nổi dậy chính như Quân đội Syria Tự do.
Năm 2016, al-Nusra tuyên bố cắt đứt quan hệ với al-Qaeda và đổi tên thành Hayat Tahrir al-Sham khi hợp nhất với một số nhóm khác vào năm 2017. Dù vậy, Liên Hợp Quốc, Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác vẫn coi HTS là một nhánh của al-Qaeda và thường xuyên gọi nhóm này là al-Nusra.
Lực lượng HTS đã củng cố quyền lực tại Idlib và Aleppo bằng cách triệt tiêu các đối thủ, bao gồm cả al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS), đồng thời thành lập Chính quyền Giải phóng Syria để quản lý vùng lãnh thổ này.
Mục tiêu cuối cùng của HTS là lật đổ Tổng thống Assad và thiết lập một hình thức cai trị Hồi giáo. Tuy nhiên, nhóm này trước đây không cho thấy dấu hiệu tái khơi mào xung đột lớn để thách thức quyền lực của chính quyền Assad, cho đến hiện tại.
Tại sao phe nổi dậy phát động cuộc tấn công ngay lúc này?
Trong nhiều năm, tỉnh Idlib đã trở thành chiến trường nóng bỏng khi quân đội Chính phủ Syria cố gắng giành lại quyền kiểm soát khu vực.
Năm 2020, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đạt được một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chặn đà tiến công của chính quyền Syria tại Idlib. Thỏa thuận này nhìn chung được duy trì dù vẫn có giao tranh lẻ tẻ.
Tháng 10 vừa qua, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria cho biết nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đã thực hiện một cuộc tấn công lớn vào các khu vực do chính phủ kiểm soát, nối tiếp đó Nga lần đầu tiên nối lại các cuộc không kích sau nhiều tháng và các lực lượng thân chính phủ gia tăng đáng kể các đợt tấn công bằng máy bay không người lái và pháo kích.
Vào ngày 27/11, HTS và các nhóm đồng minh tuyên bố mở cuộc tấn công nhằm "ngăn chặn sự xâm lược", cáo buộc chính phủ và các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn leo thang căng thẳng ở phía tây bắc.
Tuy nhiên, cuộc tấn công này diễn ra trong bối cảnh chính quyền Syria và các đồng minh đang bị cuốn vào những cuộc xung đột khác.
Tổ chức Hezbollah do Iran hậu thuẫn từng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Tổng thống Bashar al-Assad đẩy lùi phe nổi dậy vào những năm đầu chiến tranh, gần đây lực lượng này đã phải chịu tổn thất nặng nề từ các cuộc tấn công của Israel tại Lebanon. Đồng thời, các cuộc không kích của Israel đã loại bỏ nhiều chỉ huy quân sự Iran ở Syria và làm suy yếu các tuyến tiếp tế cho lực lượng thân chính phủ tại đây.
Nga cũng đang phân tâm bởi cuộc chiến tại Ukraine, khiến lực lượng của phe chính phủ Assad trở nên dễ bị tổn thương hơn.
Chính phủ Syria và các đồng minh phản ứng ra sao?
Theo hãng tin AP, Tổng thống Assad đã tuyên bố sẽ “nghiền nát” phe nổi dậy, gọi họ là “những kẻ khủng bố”.
Trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran Massoud Pezeshkian hôm thứ Hai, ông Assad đổ lỗi cho Mỹ và các nước phương Tây đứng sau cuộc tấn công, cho rằng họ đang cố gắng “vẽ lại bản đồ khu vực”.
Ngay sau đó, Tổng thống của Iran, ông Pezeshkian đã khẳng định Iran “kiên định đứng bên Chính phủ và nhân dân Syria” và nhấn mạnh việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Syria là chiến lược cốt lõi trong khu vực của Iran.
Tiếp đó, phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cũng cho rằng tình hình tại Aleppo là “một cuộc tấn công vào chủ quyền Syria”. Ông khẳng định Nga ủng hộ việc chính quyền Syria lập lại trật tự và khôi phục hiến pháp tại khu vực này càng sớm càng tốt.
Các cường quốc phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ nói gì?
Hãng tin AP cũng đưa tin, Mỹ, Anh, Pháp và Đức - những nước được cho là đối lập với ông Assad và thường xuyên lên tiếng phản đối Chính phủ của ông trước các cộng đồng quốc tế đã ra tuyên bố chung hôm thứ 2/12, kêu gọi “giảm leo thang từ tất cả các bên và bảo vệ dân thường cũng như cơ sở hạ tầng nhằm ngăn chặn tình trạng di dời và gián đoạn nhân đạo thêm nữa”.
Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “một giải pháp chính trị do người Syria dẫn dắt” như được nêu trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2015.
Hôm thứ 30/11, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, ông Sean Savett chỉ trích việc ông Assad từ chối tham gia vào một tiến trình chính trị và “dựa dẫm vào Nga và Iran” đã “tạo ra các điều kiện dẫn đến tình hình hiện tại”. Đồng thời, ông cũng khẳng định rằng “Mỹ không liên quan gì đến cuộc tấn công này”.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nhận định rằng “sẽ là sai lầm nếu giải thích các sự kiện ở Syria hiện nay do sự can thiệp từ bên ngoài” và kêu gọi chính quyền Syria “hòa giải với chính người dân và phe đối lập hợp pháp của mình”.