Tài sản của 6 tỷ phú Việt Nam 'bốc hơi' nửa tỷ USD trong năm 2024

Trong khi tài sản của ông Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long và Nguyễn Đăng Quang suy giảm thì bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Hồ Hùng Anh lại cùng có thêm 100 triệu USD.

 Việt Nam có 6 tỷ phú trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes. Ảnh: Znews.

Việt Nam có 6 tỷ phú trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes. Ảnh: Znews.

Đầu năm 2024, Tạp chí Forbes công bố danh sách những người giàu nhất thế giới. Trong đó, Việt Nam đóng góp 6 gương mặt quen thuộc gồm Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.

Thời điểm đó, tổng tài sản của 6 tỷ phú ước đạt 13,9 tỷ USD, tăng đáng kể so với năm 2023 nhờ xu hướng phục hồi của thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, tính đến ngày 30/12, quy mô tài sản ròng của nhóm doanh nhân Việt đã giảm nửa tỷ USD so với giai đoạn đầu năm và thu hẹp xuống mức 13,5 tỷ USD.

3 đại gia Việt mất hàng trăm triệu USD

Ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục là người giàu nhất Việt Nam nhờ sở hữu khối tài sản trị giá 4,1 tỷ USD. Tuy vậy, quy mô tài sản của ông Vượng đã giảm 200 triệu USD (-7%) so với đầu năm và bước xuống vị trí thứ 833.

Nguyên nhân khiến tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Vingroup biến động chủ yếu do thị giá cổ phiếu VIC đã giảm 9% so với thời điểm tạp chí Mỹ chính thức công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2024. Hiện ông Vượng đang nắm trực triếp 691 triệu cổ phiếu VIC.

Thực tế, giá trị tài sản dựa trên cổ phiếu VIC của Chủ tịch Vingroup lớn hơn nhiều nếu tính cả lượng sở hữu gián tiếp tại các doanh nghiệp liên quan như CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh, CTCP Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI.

Thời gian vừa qua, vị tỷ phú 56 tuổi vẫn tích cực bỏ “tiền túi” cho VinFast. Hồi tháng 11, với tư cách Tổng giám đốc và là cổ đông lớn của VinFast, ông Phạm Nhật Vượng đã cam kết tài trợ cho hãng 50.000 tỷ đồng từ các nguồn tài sản cá nhân.

Ngoài ông Vượng, 2 tỷ phú người Việt là Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang cũng chứng kiến giá trị tài sản giảm so với đầu năm.

Trong đó, tài sản của “Vua thép” Trần Đình Long giảm từ 2,6 tỷ USD xuống 2,4 tỷ USD (-8%). Thứ hạng của Chủ tịch Hòa Phát cũng bị hạ hơn 100 bậc xuống 1.401.

Năm vừa qua, thị giá HPG trồi sụt tương đối dữ dội. Sau khi tiến sát mốc 30.000 đồng/đơn vị, mức cao nhất 2 năm qua, vào giữa tháng 6, cổ phiếu này bắt đầu điều chỉnh dần và đang đi ngang quanh mốc 26.000 đồng/đơn vị.

Hiện Chủ tịch Trần Đình Long là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam khi đang nắm giữ trực tiếp 1,6 tỷ cổ phiếu HPG, tương đương hơn 42.700 tỷ đồng.

Tương tự HPG, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan cũng có diễn biến tương đối hưng phấn vào giữa năm và hạ nhiệt cuối năm. So với đầu nă, thị giá của MSN đã giảm 9% và lùi xuống gần mốc 70.000 đồng/đơn vị.

Hiện tại, ông Nguyễn Đăng Quang chỉ trực tiếp nắm giữ 18 cổ phiếu MSN. Nhưng thông qua CTCP Masan và Hoa Hướng Dương, ông vẫn gián tiếp sở hữu lượng lớn cổ phiếu MSN.

Đồng thời, ông Quang còn trực tiếp giữ cổ phần tại một số công ty con khác của Masan như Masan Consumer, Tầm Nhìn Masan và đặc biệt là gần 19 triệu cổ phiếu TCB của Techcombank. Forbes ước tính tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang khoảng 1 tỷ USD, là tỷ phú giàu thứ 2.697 trên thế giới.

Tỷ phú ngành ngân hàng “thắng lớn”

CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo và Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh là 2 doanh nhân Việt hiếm hoi ghi nhận giá trị tài sản gia tăng khi cùng có thêm 100 triệu USD.

Hiện giá trị tài sản của “madame Thảo” đạt 2,9 tỷ USD, chỉ xếp sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Trong cơ cấu tài sản, bà Thảo đang nắm trực tiếp 47,47 triệu cổ phiếu VJC (tương ứng 8,76% vốn) và 108,96 triệu cổ phiếu HDB (tương ứng 3,12% vốn). Do đó, ngay cả khi thị giá VJC giảm nhẹ, tài sản của nữ tỷ phú Việt vẫn được cải thiện khi giá cổ phiếu HDB đã tăng 56% trong năm nay và đạt mức cao kỷ lục.

Tương tự, cổ phiếu TCB của Techcombank nơi tỷ phú Hồ Hùng Anh làm Chủ tịch cũng chứng kiến đà phục hồi hơn 60% so với đầu năm.

Ông Hồ Hùng Anh đang nắm giữ 39,31 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 1,1% vốn điều lệ nhà băng thương mại cổ phần này. Người có liên quan của ông Hồ Hùng Anh sở hữu 661,6 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 18,78%.

Tỷ phú duy nhất không ghi nhận bất kỳ thay đổi nào về tài sản năm 2024 là Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương. Tương tự đầu năm, tài sản của ông Dương và gia đình vẫn được ước tính vào khoảng 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, thứ hạng trong danh sách tỷ phú thế giới của ông chủ Thaco đã bị đẩy lùi từ 2.410 xuống thứ 2.697.

Theo Nghị quyết về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới và 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/tai-san-cua-6-ty-phu-viet-nam-boc-hoi-nua-ty-usd-trong-nam-2024-post1521378.html
Zalo