Tài sản bị thu giữ của 'đại gia' khai thác trái phép đất hiếm ở Yên Bái
Trong vụ khai thác trái phép đất hiếm ở Yên Bái, xuất lậu sang Trung Quốc, CQĐT đã kê biên nhiều bất động sản, cổ phần của Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Dương. CQĐT cũng xác định bị can Nguyễn Linh Ngọc (cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT) có tình tiết giảm nhẹ.
Liên quan đến vụ khai thác trái phép đất hiếm ở Yên Bái, xuất lậu sang Trung Quốc, cơ quan điều tra (CQĐT) đã kê biên tài sản của ông Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Dương) 3 bất động sản tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái; 2 bất động sản ở Hà Nội. CQĐT còn kê biên 3,5 triệu cổ phần trị giá 350 tỷ đồng đứng tên Đoàn Văn Huấn, vợ và anh trai ông Huấn tại Công ty Thái Dương.
Ông Lưu Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Công ty Đất hiếm Việt Nam bị kê biên hơn 1,4 triệu cổ phần trị giá hơn 14,6 tỷ đồng. CQĐT cũng phong tỏa số tiền 40 tỷ đồng tại 20 sổ tiết kiệm mang tên Đỗ Hạnh Hương.
Quá trình điều tra, các bị can khắc phục hơn 15,7 tỷ đồng. CQĐT cũng đã có văn bản đề nghị Sở KH&ĐT các tỉnh/thành phố Hà Nội, Hà Nam không cho phép các cổ đông của Công ty Thái Dương và Công ty Đất hiếm Việt Nam mua bán, chuyển nhượng cổ phần khi chưa có ý kiến của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Quá trình khám xét khẩn cấp vào ngày 9/10/2023, CQĐT đã thu giữ nhiều dây chuyền máy móc, phương tiện, thiết bị, hàng hóa (quặng đất hiếm, quặng sắt, các loại hóa chất phục vụ chế biến quặng đất hiếm, các sản phẩm được chế biến từ đất hiếm…) tại mỏ đất hiếm Yên Phú của Công ty Thái Dương, văn phòng và các máy móc thiết bị tại bãi tập kết quặng của Công ty Hợp Thành Phát; tại nhà máy và các xưởng chế biến đất hiếm của Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam ở Hà Nam, Hà Nội, Bắc Giang; tại các xưởng chế biến đất hiếm của bị can Lưu Đức Hoa ở Hải Phòng.
![Máy móc nằm im lìm trong khuôn viên Công ty Thái Dương. Ảnh: Hải Phụng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_23_51413190/612d19bc21f2c8ac91e3.jpg)
Máy móc nằm im lìm trong khuôn viên Công ty Thái Dương. Ảnh: Hải Phụng
Theo kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Yên Bái ngày 10/1/2025, tổng giá trị các loại quặng đất hiếm và quặng sắt thu giữ tại mỏ Yên Phú ở thời điểm bắt giữ các bị can (tháng 10/2023) là hơn 128 tỷ đồng; thời điểm thẩm định (tháng 12/2024) là hơn 133 tỷ đồng…
CQĐT đã yêu cầu định giá các hợp chất có chứa đất hiếm, máy móc, thiết bị phục vụ chế biến của Công ty Đất hiếm Việt Nam. Tại thời điểm ngày 9/10/2023, có 5 hợp chất có chứa đất hiếm không thu thập được giá thị trường. Có 9 hợp chất có chứa đất hiếm trị giá hơn 16,1 tỷ đồng.
Tại thời điểm định giá ngày 12/8/2024, có 10 hợp chất có chứa đất hiếm không thu thập được giá thị trường. Có 4 hợp chất có chứa đất hiếm trị giá hơn 9,5 tỷ đồng.
Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Bắc Giang và TP Hà Nội nêu một số khó khăn khi định giá. Cụ thể như, khoáng sản đất hiếm là mặt hàng đặc thù, không có giao dịch mua bán phổ biến trên thị trường, không thuộc danh mục các hàng hóa do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định giá nên không thu thập được thông tin.
Mặt khác, dù đã phát hành thư mời các đơn vị thẩm định giá tham gia định giá tài sản, nhưng không có đơn vị nào tham gia. Hội đồng định giá cũng không nhận được hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ TN&MT về phương pháp thu thập thông tin tính giá, cách xác định giá đất hiếm…
Trong vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố ông Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương và 26 bị can về nhiều tội danh. Trong đó, bị can Nguyễn Linh Ngọc, cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Nhắc đến tình tiết giảm nhẹ của các bị can, CQĐT nêu, bị can Nguyễn Linh Ngọc có bố đẻ là cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên cán bộ cao cấp Bộ Ngoại giao, mẹ đẻ nguyên là Vụ trưởng Vụ đối ngoại, Văn Phòng Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa VII, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng.
Bản thân cựu Thứ trưởng có thành tích xuất sắc trong công tác, được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất, hạng Ba và có Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.