Tài năng âm nhạc đánh cắp cây vĩ cầm 250 tuổi
Được đánh giá có tố chất nghệ thuật bẩm sinh nhưng nghệ sĩ vĩ cầm Phil Johnson không bao giờ phát huy hết khả năng của mình.
Được đánh giá có tố chất nghệ thuật bẩm sinh nhưng nghệ sĩ vĩ cầm Phil Johnson không bao giờ phát huy hết khả năng của mình. Anh ta là nghi phạm số một trong vụ mất cắp chiếc vĩ cầm 250 năm tuổi.
Chiếc đàn bị mất cắp
Đêm 13/5/1980, nghệ sĩ vĩ cầm người Mỹ gốc Ba Lan Roman Totenberg biểu diễn độc tấu tại Trường Âm nhạc Longy, bang Massachusetts (Mỹ). Không chỉ là ngôi sao nổi bật nhất trong đêm diễn, ông Totenberg còn là hiệu trưởng nhà trường.
Sau khi tiết mục biểu diễn kết thúc, Totenberg để lại cây vĩ cầm nhãn hiệu Stradivari 250 năm tuổi trong phòng thay đồ rồi quay lại sân khấu chào khán giả. Khi ông trở lại, hộp đàn đã biến mất. FBI tìm thấy chiếc hộp gần đó nhưng bên trong không còn chiếc đàn quý giá.
Vụ mất cắp nhanh chóng thu hút sự chú ý truyền thông bởi đây là món đồ quý hiếm. Cây vĩ cầm mua năm 1943 với giá 15.000 USD cũng là nhạc cụ duy nhất của Totenberg mà ông gắn bó suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật.
Cây vĩ cầm cũng được coi là loại đàn hay và hiếm thế giới, được đặt tên theo tên của nghệ nhân chế tác người Italy sống đầu thế kỷ 18. Trong khoảng 1.000 chiếc vĩ cầm được nghệ nhân này chế tác, chỉ còn 500 chiếc đến ngày nay. Hiện, những chiếc đàn này có thể được bán đấu giá hàng chục triệu USD.
Kenneth Sarch, một trong những trợ lý của Totenberg kể lại đêm đó, cô tình cờ nghe Phil Johnson, một học trò cũ của Totenberg, dè bỉu: “Ông ta không xứng đáng có một nhạc cụ tốt như vậy”. Vì vậy, mọi sự nghi ngờ đổ dồn về Phil Johnson.
Sinh ra và lớn lên tại một khu phố nằm cách thành phố Philadelphia nửa giờ chạy xe, Phil Johnson có một gia đình không hạnh phúc. Từ nhỏ, cha anh học để trở thành họa sĩ nhưng phải từ bỏ và đi theo nghề thợ máy. Mẹ anh bị tê liệt thần kinh vì chứng trầm cảm sau sinh nên luôn coi việc sinh và nuôi dưỡng 3 đứa con là “dấu chấm hết của cuộc đời”.
Dù vậy, gia đình Phil Johnson muốn con cái theo đuổi nghệ thuật. Anh trai của Johnson, Bobby là người đầu tiên trong nhà học chơi đàn violin nhưng cậu bé không mấy chú tâm, thiếu kỷ luật. Năm 7 tuổi, Johnson bắt đầu để ý đến cây đàn của anh.
Cậu bé hỏi mượn đàn của anh trai, mang về phòng “nghiên cứu” nhiều ngày liên tiếp.
Johnson tự học và có thể thuần thục chơi các bài trong tập thánh ca dưới sự ngỡ ngàng của gia đình. Bước vào trường tiểu học, cậu bé nhanh chóng trở nên nổi tiếng vì ngón đàn thiên phú.
Chị Stephen Nazigian, bạn cùng lớp với Johnson, kể lại: “Anh ấy quả là nghệ sĩ vĩ cầm tài năng. Johnson sử dụng toàn bộ các dây đàn trong khi những bạn học khác chỉ gảy đi gảy lại những giai điệu quen thuộc. Anh ấy biết mình đang chơi gì. Mỗi ngày Johnson đều luyện chơi đàn một tiếng trong khi bạn bè chỉ có thể tập trung được 15 phút”.
Sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Ridley, Johnson theo học tại Trường Cao đẳng Kinh thánh Florida. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, Johnson quyết định bỏ học, chơi cho các dàn nhạc tự do ở Florida để kiếm sống.
Đến năm 1976, ở tuổi 23, Johnson đến Đại học Boston để theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Ở môi trường mới, Johnson đã được dạy dỗ bởi những nghệ sĩ âm nhạc nổi tiếng hàng đầu của Mỹ và thế giới, trong đó có nghệ sĩ vĩ cầm Totenberg. Các giảng viên khác đều là thành viên của Dàn nhạc Giao hưởng Boston, một trong những dàn nhạc thành công vang đội tại Mỹ thời điểm bấy giờ.
Ông Roger Shermont, thầy giáo đầu tiên của Johnson ở Đại học Boston và là nghệ sĩ vĩ cầm lâu năm trong Dàn nhạc Giao hưởng Boston, nhận xét chàng trai này là người “quá khó dạy”. Khi đó, chỉ có nghệ sĩ vĩ cầm Joseph Silverstein đồng ý tiếp nhận Johnson. Ông là một trong những nhạc trưởng nổi tiếng đương thời nên việc theo học Silverstein trở thành niềm vinh hạnh và là cơ hội giúp Johnson bung phá năng lực.
Chia sẻ ấn tượng về cậu học trò, ông Silverstein, mất năm 2015, cho hay: “Johnson có khả năng đọc nhanh và năng khiếu về nhạc Jazz. Ở đứa trẻ hoang dã ấy có một sức hấp dẫn bẩm sinh. Lối chơi của Johnson vô kỷ luật nhưng rất lôi cuốn”.
Tuy nhiên, theo Silverstein, Johnson không phải là người biết tôn trọng mọi người xung quanh hay nghe lời tiền bối. Khi giảng viên giao một bản nhạc, anh ta sẽ chơi một bài khác. Các giảng viên tại Đại học Boston đều cố gắng khai thác tiềm năng của Johnson và chỉ đường dẫn lối cho anh ấy.
“Johnson coi thường hầu hết mọi người. Anh ta là một đứa trẻ kiêu ngạo”, ông Silverstein nhận xét.
Dưới sự bảo ban của thầy, Johnson sau đó đã giành được học bổng danh giá của Trung tâm Âm nhạc Tanglewood. Kể từ đó, Johnson bỏ xa hầu hết đồng môn nhưng điều đó khiến anh ta càng trở nên kiêu ngạo và không hòa đồng.
Thời điểm Johnson học tại Đại học Boston, ông Roman Totenberg cũng là giảng viên nhà trường. Tuy nhiên, theo lời của mọi người xung quanh, hai người gần như không tiếp xúc hay có mối quan hệ thân thiết vì Totenberg chưa từng dạy Johnson một ngày nào. Họ chỉ chạm mặt trong những cuộc thi của trường.
Tuy nhiên, cả hai rời Đại học Boston cùng lúc nhưng theo hai hoàn cảnh khác nhau. Totenberg được mời làm tân Hiệu trưởng Trường Âm nhạc Longy, bang Massachusetts còn Johnson bị đuổi học vì điểm số học tập quá sa sút. Mọi chuyện tưởng như kết thúc ở đó nhưng tên tuổi của cả hai lại chập làm một trong buổi tối định mệnh 13/5.
Thiên tài lãng phí
Ngày hôm đó, sau nhiều tháng im hơi lặng tiếng, Johnson bỗng xuất hiện trở lại trong buổi biểu diễn của Totenberg dù không có tên trong danh sách nghệ sĩ được tham gia. Tuy nhiên, vì chuyện Johnson đánh cắp cây đàn chỉ là nghi ngờ nên cảnh sát không có đủ bằng chứng để khám xét nhà Johnson. Mọi chuyện cứ thế chìm vào quên lãng.
Kể từ đó, Johnson ôm cây đàn 250 năm tuổi rong ruổi khắp các nhà hát, tham dự nhiều buổi hòa nhạc thính phòng và thể hiện tài năng của mình. Anh ta được một số người đánh giá cao bởi khả năng tạo ra những giai điệu ấn tượng, độc đáo. Không ai có thể ngờ đến, những giai điệu đặc biệt đó lại được tạo ra bởi một cây đàn nổi tiếng thế giới đã bị mất cắp và bặt vô âm tín.
Thời gian đầu, Johnson giấu cây đàn rất cẩn trọng. Nhưng 3 tuần sau vụ trộm, anh ta đã sử dụng nó để biển diễn bản Concerto tại nhà thờ Jordan, Boston. Tuy nhiên ở Boston có nhiều người quen, vì sợ bị phát hiện, Phil đã quyết định chuyển đi nơi khác. Suốt những ngày tháng sau đó, ôm theo cây đàn trứ danh, Johnson di chuyển đến New York, rồi qua Venezuela và cuối cùng dừng chân ở California.
Đến năm 40 tuổi, Johnson gặp gỡ và đem lòng yêu Thanh Trần, một cô gái gốc Việt khi cô tham dự một buổi hòa nhạc ở California. Ở dưới sân khấu, Thanh nhanh chóng bị thu hút bởi ánh mắt, cử chỉ của Johnson. Với nền tảng tài chính ổn định, Thanh hi vọng có thể đồng hành và giúp đỡ người đàn ông này phát huy hết tiềm năng âm nhạc của mình. Sau nhiều lần gặp gỡ, hai người nên duyên vợ chồng.
Kể từ khi lấy vợ, Johnson chuyên tâm hơn cho con đường nghệ thuật. Anh ta cùng hai người bạn thành lập nhóm nhạc Mobius và trình diễn các tác phẩm của các nhà soạn nhạc vĩ đại theo phong cách ngẫu hứng.
Mỗi lần Johnson lên sân khấu, khán giả ở dưới lại bị thu hút bởi âm thanh đến từ chiếc đàn vĩ cầm mà Johnson nâng niu như kho báu. Anh ta luôn giữ chiếc đàn bên mình, không cho phép ai chạm vào nó, ngay cả những người thân cận như vợ, em gái.
Thế nhưng ít lâu sau, Johnson khiến hai thành viên trong nhóm thất vọng. Trước mỗi lần lên sân khấu, Johnson đều đột ngột đòi thay đổi cách thức chơi nhạc như thêm một giai điệu để phần trình bày thêm phần sâu lắng hay biến tấu cách chơi cello, piano của các thành viên trong nhóm. Nhóm vì thế ngày càng lao dốc và cuối cùng tan rã.
Bí mật trong ba thập kỷ
Kể từ đó, Johnson lao vào cờ bạc bất chấp những lời khuyên ngăn của vợ. Hai người có với nhau hai cô con gái, song Johnson không hề quan tâm con hay làm việc để kiếm tiền cho gia đình. Một mình Thanh Trần phải lo chu toàn mọi thứ. Sau nhiều trận cãi nhau nảy lửa, Thanh Trần quyết định đâm đơn ly hôn ra tòa rồi mang theo hai người con rời đi.
Cho đến khi cô rời đi, Johnson vẫn ở lại trong căn hộ mà vợ mua tặng nhưng sớm phải bán để chi trả nợ nần. Đến đầu năm 2011, Johnson được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy. Biết thời gian của mình có hạn, Johnson kể với người thân mong ước được thu âm một bản nhạc với cây vĩ cầm mà anh đã nâng niu suốt cuộc đời.
Thương tiếc cho một thiên tài, bạn bè của Johnson chấp nhận hỗ trợ anh liên hệ phòng thu và giảm giá tối đa. Thế nhưng Johnson vẫn lặp lại sai lầm. Anh ta chơi đàn theo cảm tính, không tôn trọng những người bạn diễn và trút hết bực dọc lên mọi người xung quanh. Bản thu đấy cuối cùng cũng thất bại. Johnson không thể hoàn thành tâm nguyện cùng cây đàn mà anh ta trân trọng như báu vật.
Trước khi mất, Johnson đưa lại cây đàn cho vợ cũ nhưng không bao giờ tiết lộ chuyện mình là thủ phạm trong vụ ăn cắp báu vật âm nhạc 30 năm về trước. Anh ta qua đời ngày 11/11/2011. 6 tháng sau, nghệ sĩ Totenberg qua đời mà không bao giờ được gặp lại cây đàn của mình.
Về phần Thanh Trần, chị giữ gìn cây đàn như một kỷ vật của chồng cũ mà không hay biết vụ mất trộm. Đến tháng 6/2015, sau một lần dọn nhà, Thanh quyết định đem cây đàn đi thẩm định. Chỉ đến lúc đó, sự thật chôn vùi ba thập kỷ mới được hé lộ.
FBI ngay lập tức liên hệ với Thanh, thông báo việc chồng cũ của cô chính là người bị tình nghi ăn cắp chiếc đàn của nghệ sĩ Totenberg. Đến lúc đó, Thanh mới có thể lý giải vì sao suốt bao năm qua, Johnson giữ gìn cây đàn như báu vật.
“Johnson hầu như không bao giờ rời cây đàn. Dù đi đâu, anh ấy cũng mang theo nó”, Thanh kể lại.
Điều khiến Thanh hối tiếc nhất là không phát hiện ra cây đàn sớm hơn và trả lại nó cho nghệ sĩ Totenberg khi ông vẫn còn sống. Hai tháng sau đó, cô trả lại chiếc đàn cho các con gái của cố nghệ sĩ. Chiếc đàn đã trở về nơi nó thuộc về sau bao năm lưu lạc bên ngoài cùng một thiên tài âm nhạc “gàn dở”.