Tai nạn máy bay Hàn Quốc: Các chuyên gia đặt câu hỏi về bức tường cuối đường băng

Các đoạn video về vụ tai nạn cho thấy máy bay cố gắng hạ cánh bằng bụng nguyên vẹn, nhưng phát nổ sau khi đâm vào một bức tường chắn với tốc độ cao.

Lực lượng cứu hỏa tiến hành hoạt động tìm kiếm tại hiện trường vụ rơi máy bay của hãng hàng không Jeju Air tại Sân bay quốc tế Muan. Ảnh: EPA.

Lực lượng cứu hỏa tiến hành hoạt động tìm kiếm tại hiện trường vụ rơi máy bay của hãng hàng không Jeju Air tại Sân bay quốc tế Muan. Ảnh: EPA.

Trong khi Hàn Quốc đang tưởng niệm 179 nạn nhân của thảm họa hàng không tồi tệ nhất từ trước đến nay, các chuyên gia hàng không đang đặt câu hỏi về sự tồn tại của một bức tường hoặc "cồn cát" bên ngoài đường băng mà chuyến bay 7C2216 của Jeju Air đã đâm vào và phát nổ sau khi hạ cánh mà không có bánh đáp.

Hai tiếp viên hàng không là những người duy nhất sống sót trong số 181 người trên chuyến bay, đang đi từ Bangkok khi hạ cánh khẩn cấp xuống Sân bay quốc tế Muan của Hàn Quốc vào hôm 29/12

Các chuyên gia cho rằng một cấu trúc vững chắc đặt gần cuối đường băng – dùng để chứa hệ thống dẫn đường máy bay – đã góp phần gây ra thảm kịch. Những người khác cho rằng các phi công không có đủ thời gian để thực hiện các quy trình hạ cánh khẩn cấp tiêu chuẩn do mất điện đột ngột ở cả hai động cơ do va chạm với chim.

Chuyên gia hàng không David Learmont nói với Sky News TV rằng việc không triển khai bánh đáp đúng cách thực sự không phải là nguyên nhân của vụ tai nạn.

“Các hành khách đã tử vong do đâm vào một cấu trúc vững chắc ngay phía cuối đường băng, nơi đáng lẽ không nên có một cấu trúc như vậy”, ông lập luận.

Bức tường bằng đất và bê tông, được dựng cuối đường băng, chứa ăng-ten cho Hệ thống ILS (Instrument Landing System), giúp dẫn đường cho máy bay trong thời tiết xấu.

Ông Learmont cho biết thiết bị như vậy thường được cố định trên mặt đất và có thể thu gọn trong trường hợp có bất kỳ máy bay nào vượt quá đường băng và bay qua chúng. "Nhưng chúng ta có thể thấy máy bay đã đâm vào cấu trúc này và phát nổ", ông nói.

Các cảnh quay về vụ tai nạn được truyền thông địa phương lan truyền rộng rãi cho thấy máy bay hầu như nguyên vẹn trong khi thực hiện pha hạ cánh bằng bụng mà không hạ bánh đáp, trượt với tốc độ cao ra khỏi đường băng cho đến khi đâm vào tường và phát nổ.

Kim In-gyu, Trưởng Trung tâm đào tạo bay tại Đại học Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc cũng đặt ra câu hỏi về bức tường trông giống như cồn cát này.

"Nếu không có cồn cát ở đó, máy bay chở khách sẽ còn nguyên vẹn hơn", ông nói với chương trình tin tức phát thanh CBS của Hàn Quốc. "Khi xem cảnh quay, tôi bối rối nhất về sự tồn tại của cồn cát này. Tôi chưa bao giờ thấy điều gì như thế này ở bất kỳ sân bay nào khác trên thế giới".

Các cơ quan quản lý giao thông cho biết họ sẽ điều tra xem liệu kết cấu này có phải là một yếu tố góp phần gây ra vụ tai nạn hay không. Bức tường được cho là điểm phân cách giữa sân bay và các công trình xây dựng để mở rộng đường băng.

 Lịch sử các vụ tai nạn hàng không xảy ra ở Hàn Quốc. Ảnh: SCMP.

Lịch sử các vụ tai nạn hàng không xảy ra ở Hàn Quốc. Ảnh: SCMP.

Một quan chức tại Sân bay quốc tế Muan hôm Chủ Nhật đã nói với This Week in Asia rằng "không có gì sai với cấu trúc này".

Nhưng ông không nói rõ liệu khoảng trống từ ngoài đường băng đến bức tường này có đủ hay không. Khoảng không này được gọi là Khu vực an toàn đường băng (RSA), được thiết kế để cung cấp thêm không gian cho máy bay trong trường hợp chạy ra khỏi đường băng.

Quan chức này cũng không xác nhận liệu có Hệ thống hãm giữ máy bay bằng vật liệu kỹ thuật (EMAS) hay không, bao gồm các lớp vật liệu có thể nghiền nát, được thiết kế để ngăn máy bay chạy vượt đường băng mà không cần dựa vào các rào cản vật lý như tường.

Một quan chức cấp cao của Bộ Giao thông vận tải, ông Joo Jong-wan, đã nói với các nhà báo trong hôm đầu tuần này rằng các cấu trúc tường tương tự đã tồn tại ở các sân bay tỉnh khác như Yeosu và Cheongju, khẳng định rằng chúng được thiết lập theo đúng tiêu chuẩn.

Nhưng ông nói thêm: "Chúng tôi sẽ điều tra xem cấu trúc này có liên quan đến thảm kịch này không".

Các nhà điều tra sàng lọc những gì còn lại bị cháy của chiếc Boeing 737-800 đã thu hồi được cả bộ ghi dữ liệu chuyến bay và bộ ghi âm buồng lái – hai thiết bị thuộc hộp đen của máy bay.

 Sơ đồ sân bay Muan. Ảnh: SCMP.

Sơ đồ sân bay Muan. Ảnh: SCMP.

Nhân chứng và giả thuyết máy bay đâm phải chim

Một số nhân chứng kể lại rằng họ đồng tình với giả thuyết của các chuyên gia rằng va chạm với chim có thể làm hỏng cả hai động cơ của máy bay, gây ra một loạt các sự cố cơ học.

"Người bạn ngồi cạnh bảo tôi nhìn lên bầu trời. Có rất nhiều chim. Và rồi chúng tôi nhìn thấy máy bay. Nó bay qua các đàn chim", Park Yong-hoon, một nhân chứng đang câu cá ở một công viên gần đó, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình MBC.

Một nhân chứng khác, Lee Keun-young, kể rằng anh đã nghe thấy ba tiếng nổ lớn liên tiếp.

"Sau đó, tôi nhìn thấy máy bay trên bầu trời", anh nói, thêm rằng máy bay đã tiếp cận đường băng theo hướng ngược lại - từ bắc xuống nam - thay vì hướng tiếp cận từ nam ra bắc thông thường.

Các chuyên gia tin rằng các phi công không có đủ thời gian để tuân thủ các giao thức hạ cánh khẩn cấp tiêu chuẩn, chẳng hạn như thực hiện vòng lại hoàn toàn để chuẩn bị hạ cánh hoặc hạ bánh đáp bằng tay.

"Máy bay đã cố gắng vòng lại để hạ cánh theo hướng ngược lại, nhưng bán kính quay vòng quá hẹp", Lee nói.

Giáo sư về hoạt động bay Jung Jin-yong của Đại học Kyungwoon cho rằng máy bay có khả năng mất cả hai động cơ, lưu ý rằng một chiếc Boeing 737 có thể hạ cánh tương đối an toàn chỉ với một động cơ hoạt động.

"Việc bay vòng lại không hoàn chỉnh, tiếp cận theo hướng ngược lại và hạ cánh ở điểm giữa đường băng đều cho thấy tình hình tuyệt vọng như thế nào", ông Jung nói với This Week in Asia.

 Một người lính cứu hỏa đứng tại hiện trường nơi máy bay Boeing 737-800 của Jeju Air bị rơi tại Sân bay quốc tế Muan. Ảnh: AFP.

Một người lính cứu hỏa đứng tại hiện trường nơi máy bay Boeing 737-800 của Jeju Air bị rơi tại Sân bay quốc tế Muan. Ảnh: AFP.

Ông giải thích rằng thường thì cơ phó có trách nhiệm hạ bánh đáp trong trường hợp hạ cánh khẩn cấp bằng tay.

"Các phi công được đào tạo để phản ứng với các trường hợp khẩn cấp một cách tự động, nhưng tôi nghĩ tình hình quá nghiêm trọng đến mức họ thậm chí không có thời gian cho bước quan trọng này", ông Jung nói. "Nếu họ có thể hạ cánh bình thường, họ có thể sống sót, vì đường băng đủ dài để hạ cánh bằng thân máy bay".

Giáo sư Lee Gun-young đến từ Đại học Giao thông Quốc gia Hàn Quốc đã lưu ý những điểm tương đồng giữa sân bay và môi trường sống của chim. Cả hai đều cần không gian rộng, thoáng và bằng phẳng để bay, điều này có thể ảnh hưởng đến sự hiện diện và hành vi của các loài chim gần sân bay.

"Các sân bay lớn của Hàn Quốc, bao gồm cả Sân bay quốc tế Muan, chủ yếu nằm trên vùng đất ven biển bằng phẳng", ông Lee cho biết.

Sân bay quốc tế Muan chỉ mới mở cửa đón các chuyến bay quốc tế, một tháng trước thảm kịch hôm Chủ Nhật.

"Khó có thể nói rằng Sân bay quốc tế Muan đặc biệt dễ bị va vào chim. Va chạm với chim là hiện tượng thường xuyên xảy ra trên toàn thế giới".

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tai-nan-may-bay-han-quoc-cac-chuyen-gia-dat-cau-hoi-ve-buc-tuong-cuoi-duong-bang-post181453.html
Zalo