Tai nạn giao thông thương tâm ngay tại trường học, giải pháp nào bảo vệ trẻ em?

Nhiều tai nạn nghiêm trọng do người điều khiển xe ô tô gây ra ở khu vực trường học đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về ý thức trách nhiệm bảo vệ trẻ em.

Tai nạn thương tâm trong sân trường

Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về ý thức trách nhiệm của người lớn phải đảm bảo an toàn tuyệt đối khi di chuyển phương tiện đưa đón con vào khu vực trường học.

Sự việc mới nhất xảy ra vào sáng 16/9 tại Đắk Lắk, một phụ huynh (mới lấy bằng lái 3 tháng) dùng xe bán tải đưa con học lớp 2 đi học tại Trường Tiểu học - THCS Bùi Thị Xuân (xã Ea Sin). Do trời mưa to nên phụ huynh này đã chở con vào tận sân trường, khi lùi xe quay ra thì đâm trúng 3 em học sinh đang đi bộ phía sau xe. Cú lùi xe bất cẩn này khiến 1 nữ sinh lớp 2 tử vong, 2 em còn lại bị xây xát nhẹ.

Nhà trường khẳng định, không cho phép phụ huynh đi xe ô tô vào trong trường, nhưng do lúc đó cổng đang mở không có bảo vệ nên phụ huynh này đã tự ý chạy xe vào rồi gây ra tai nạn. Cơ quan công an đang xác minh để sớm khởi tố vụ án theo quy định pháp luật.

Vụ việc phụ huynh lùi ô tô trong sân trường khiến một học sinh lớp 2 tử vong ngày 16/9 ở Đắk Lắk (Ảnh: Thanhnien).

Vụ việc phụ huynh lùi ô tô trong sân trường khiến một học sinh lớp 2 tử vong ngày 16/9 ở Đắk Lắk (Ảnh: Thanhnien).

Trước đó vào tháng 9 năm 2023, tại Nghệ An, một người phụ nữ lái ôtô đến trường THCS Thanh Dương (xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương) đón con học lớp 6, khi lùi xe quay đầu ra về đã va vào xe máy phía sau, khiến một nữ sinh lớp 6 tử vong.

Liên quan đến vụ việc, một số nhân chứng cho biết, nguyên nhân có thể do người phụ nữ này đạp nhầm chân phanh thành chân ga nên xe lùi với vận tốc cao, mất kiểm soát. Nguồn tin cũng cho hay, người này mới lấy bằng lái ô tô được khoảng 1 tháng.

Một vụ việc khác là vào tháng 4 năm 2018, xe của một giáo viên đã gây tai nạn trong khu vực trường học khiến 1 học sinh lớp 1 tử vong, em còn lại bị thương.

Trước đó, ngày 1/12/2016, tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội), taxi sau khi đưa cô hiệu trưởng đến sân trường, lúc ra về đã va chạm, làm gãy xương đùi một nam sinh. Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc và Hiệu phó Nguyễn Thị Hương sau đó bị cách chức, khai trừ khỏi Đảng vì khai báo không trung thực về vụ tai nạn.

GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu rõ, hầu hết ở các nước trên thế giới, khi đến cổng trường là giáo viên và học sinh phải dắt xe đạp, xe máy vào nhà để xe, chứ không có chuyện giáo viên hay lái xe được đi xe ô tô ở trong sân trường.

Giáo viên nếu đến trường bằng xe máy, khi đến cổng trường là phải dừng, dắt xe vào chỗ để xe một cách an toàn, chứ không được đi xe ở trong sân trường. Nếu có đi xe ô tô thì phải đưa xe vào gara để xe riêng ở bên ngoài trường. Nhất định sân trường không phải là chỗ để xe ô tô.

Trường học nào đã dành quỹ đất để cho người dân thuê làm bãi để xe, bán hàng thì cần phải chấn chỉnh ngay. Sân trường và xung quanh sân trường không được phép để xe, đi xe, bán hàng quán. Nhà trường, giáo viên không được phép sử dụng sân trường, diện tích khu vực quanh trường sai mục đích.

Tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ trẻ em trong trường học

Sau các tai nạn nghiêm trọng xảy đến với học sinh tại các trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đã ra Công văn số 1669/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 27 tháng 4 năm 2018 quy định về việc bảo đảm an toàn trật tự an toàn giao thông tại các cơ sở giáo dục: “Các cơ sở giáo dục (từ mầm non đến trung học phổ thông) không cho phép các phương tiện xe cơ giới lưu thông, hoặc dừng đỗ trái phép trong khu vực có học sinh đang học, sinh hoạt và vui chơi trong khuôn viên nhà trường; đặt biển báo hạn chế tốc độ, quy định khu vực cấm phương tiện giao thông cá nhân lưu thông và dừng đỗ trong khu vực trường học; xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm”.

Thế nhưng, trên thực tế, vẫn có những vụ việc thương tâm vẫn xảy ra. Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Luật sư Đào Nguyên Thuật - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Bắc Hà Nội cho biết vấn đề này xuất phát từ hai nguyên nhân chủ yếu:

Thứ nhất, nguyên nhân chủ quan đến từ thiếu ý thức chấp hành luật giao thông, thiếu kỹ năng và kiến thức về an toàn giao thông của các bậc phụ huynh học sinh. Nhiều người chưa nắm rõ các quy định giao thông cơ bản, các quy định về chấp hành an toàn giao thông đường bộ, chưa biết cách xử lý tình huống trong trường hợp khẩn cấp.

Hơn nữa, nhiều trường hợp phụ huynh học sinh lấy bằng lái xe ô tô mới được vài tháng, kinh nghiệm và trải nghiệm còn hạn chế, trong khuôn viên trường học rất đông học sinh và không gian hẹp dẫn tới không có kinh nghiệm giải quyết để xảy ra vụ việc thương tâm.

Thứ hai, nguyên nhân khách quan là thiếu sự giám sát và kiểm soát từ phía nhà trường cũng như các bên liên quan chưa chấp hành nghiêm chỉnh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT liên quan đến các quy định về cắm biển chỉ dẫn và hướng dẫn vị trí đỗ xe. Thời điểm phụ huynh lái xe ô tô chở con vào trường học bảo vệ khuôn viên trường không có mặt để ngăn cản.

Luật sư Thuật cho biết, người gây ra tai nạn sẽ chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017) và các văn bản pháp luật có liên quan khác. Bên cạnh đó, sẽ phải xem xét đến trách nhiệm của Ban lãnh đạo, quản lý cũng như nhân viên kiểm tra, giám sát an ninh của Nhà trường bởi sự kiện trên xảy ra trong khuôn viên mà trường quản lý, nhà trường cũng phải chịu trách nhiệm do đã không đảm bảo an toàn cho học sinh theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.

Ngoài ra, cũng phải nhắc đến trách nhiệm của phụ huynh và giáo viên trong việc giáo dục kiến thức và nâng cao ý thức về an toàn giao thông. Mặc dù trách nhiệm này không mang tính pháp lý nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng tai nạn giao thông.

“Để tạo nên một môi trường học đường an toàn, lành mạnh nói chung và an toàn giao thông trong khuôn viên trường nói riêng, cần đến sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ của học sinh, phụ huynh, nhà trường và các bên liên quan. Điều quan trọng nhất là phải có đầy đủ nhân thức về sự việc, hành vi và phải tuân thủ theo đúng nội quy quy định của Nhà trường cũng như quy định của pháp luật”, Luật sư Thuật nhấn mạnh.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, yêu cầu cấp thiết về việc tăng cường giáo dục, giám sát của phía nhà trường trong công tác thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ cần chú trọng. Việc ứng dụng công nghệ như lắp đặt hệ thống camera giám sát, xây dựng ứng dụng di động để theo dõi tại các khu vực trọng điểm như cổng trường, sân trường, các tuyến đường và ghi lại các hành vi vi phạm, thành lập đội tuần tra để thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở giáo viên, phụ huynh, và học sinh về việc chấp hành luật giao thông cũng là một giải pháp hiệu quả.

Ngoài ra, nhà trường cũng cần tổ chức các buổi họp phụ huynh để trao đổi về vấn đề an toàn giao thông và ban hành quy định cụ thể về việc tham gia giao thông trong khuôn viên trường, phân công rõ trách nhiệm cho từng cá nhân, đơn vị. Qua đó, chúng ta không chỉ nâng cao ý thức mà còn tạo ra một môi trường giao thông an toàn, văn minh, bảo vệ sự an toàn cho thế hệ trẻ.

Đặc biệt, để đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh, việc nâng cao nhận thức là điều cấp bách. Trước hết, Ban lãnh đạo cũng như toàn thể nhà trường cần thực hiện nghiêm chỉnh Công văn số 1669/BGDĐT-GDCTHSSV của Bộ GD&ĐT quy định về việc bảo đảm an toàn trật tự an toàn giao thông tại các cơ sở giáo dục.

Tiếp đến, nhà trường cần tổ chức các buổi tọa đàm, phổ biến các quy định về an toàn giao thông đến với giáo viên, phụ huynh cũng như học sinh, tổ chức các ngày hội, các cuộc thi liên quan đến an toàn giao thông nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết. Bên cạnh đó, việc cải thiện cơ sở vật chất như lắp đặt biển báo, vạch kẻ đường, và tổ chức các buổi tập huấn sơ cấp cứu cho giáo viên là vô cùng cần thiết.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng cũng đóng vai trò quan trọng. Phụ huynh cần dành thời gian trò chuyện với con em về luật giao thông, làm gương bằng việc tuân thủ luật lệ khi tham gia giao thông.

“Trước hết mỗi một cá nhân bao gồm cả giáo viên và phụ huynh cần phải nêu cao ý thức tự giác, phải tự trang bị cho mình các kiến thức, kỹ năng cần thiết khi tham gia giao thông, đặc biệt trong khuôn viên trường học. Chỉ có như vậy, mới có thể giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong giao thông cho thế hệ học sinh và con em của chúng ta không chỉ trong khuôn viên trường học mà ngay cả trong xã hội”, Luật sư Thuật nói.

Hương Giang

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/tai-nan-giao-thong-thuong-tam-ngay-tai-truong-hoc-giai-phap-nao-bao-ve-tre-em-d5260.html
Zalo