Tái khởi động dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận: đảm bảo sinh kế người dân, tránh lãng phí nguồn lực

Khi hay tin Chính phủ và nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất khởi động lại dự án nhà máy điện hạt nhân, người dân vùng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 (tỉnh Ninh Thuận) lo lắng về những khó khăn có thể lặp lại, song cho biết sẽ đồng thuận vì lợi ích của đất nước.

Cuộc sống người dân dần ổn định

Những tháng cuối năm 2024, trở lại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận), nơi trước đây được chọn xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận 1 và 2, đời sống người dân đang dần ổn định. Theo người dân địa phương, sau khi Quốc hội ra quyết định dừng chủ trương đầu tư dự án ĐHN, tháng 7-2023, UBND tỉnh Ninh Thuận đã hủy các thông báo thu hồi đất trong vùng dự án để triển khai đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu nhằm ổn định sản xuất, đời sống người dân.

 Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam - nơi từng được quy hoạch dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam - nơi từng được quy hoạch dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Mới đây, sau khi Chính phủ và một số đại biểu Quốc hội đề xuất khởi động lại nhà máy ĐHN, người dân vùng dự án ở Ninh Thuận lại cảm thấy bồn chồn, lo lắng. Bà Đào Thị Mỹ Dung, ngụ thôn Thái An, nơi được quy hoạch dự án nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2, chia sẻ: “Sau khi dự án ĐHN dừng triển khai, quyền lợi về đất đai của người dân được phục hồi, thôn xóm được Nhà nước mở đường mới, xây dựng hạ tầng, du lịch phát triển mạnh nên đời sống bà con trong khoảng 2 năm trở lại đây ổn định, ai nấy cũng vui mừng”.

Sau khi dự án nhà máy ĐHN tạm dừng, đất đai được sản xuất, gia đình anh Nguyễn Thành Quốc (ngụ thôn Thái An) tập trung trồng hơn 4 sào nho để vừa bán và kinh doanh du lịch. “Hiện giờ người dân trồng táo, nho và làm du lịch rất thuận lợi. Nếu dự án ĐHN làm lại, chúng tôi buộc phải chuyển đến vùng khác sinh sống, sinh kế bị mất”, anh Quốc thổ lộ.

 Đường sá, cầu cống đang được đầu tư tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận

Đường sá, cầu cống đang được đầu tư tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận

Theo ghi nhận, trong khoảng 2 năm qua, thôn Vĩnh Trường có khoảng 20 hộ đã xây dựng, sửa chữa lại nhà cửa. Cùng với đó, hạ tầng nông thôn được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư để ổn định đời sống người dân vùng dự án. Chỉ tay về phía con đường đầu thôn đang được nhà nước đầu tư xây dựng, ông Nguyễn Thành Du, người từng có hàng chục năm là trưởng thôn Vĩnh Trường trăn trở nói: “Giả sử dự án ĐHN làm lại, hạ tầng đã và đang được Nhà nước đầu tư cho người dân vùng dự án có trở nên lãng phí?”.

Năm 2005, tỉnh Ninh Thuận được chọn triển khai xây dựng 2 nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải), với tổng công suất 4.000MW. Đến năm 2009, dự án được Quốc hội thông qua. Năm 2012, Bộ Công thương công bố quyết định phê duyệt quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy. Dự án dự kiến khởi công năm 2014, sau đó thay đổi thời gian năm 2015. Đến tháng 11-2016, Quốc hội ra nghị quyết dừng chủ trương đầu tư dự án.

Xây dựng lộ trình phát triển cụ thể

Nhiều người dân vùng dự án nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1, 2 cho rằng, vì lợi ích chung, vì sự phát triển của đất nước, họ vẫn sẽ đồng thuận nếu dự án được triển khai. Tuy nhiên, người dân mong Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương xây dựng lộ trình cụ thể để đảm bảo sinh kế cho họ.

Theo ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, năm 2016, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư 2 dự án ĐHN, tỉnh Ninh Thuận đã điều chỉnh chiến lược sang phát triển năng lượng tái tạo để thay thế nguồn điện hạt nhân và hiện đã có những kết quả phát triển vượt bậc. Ngoài ra, từ khi 2 dự án ĐHN tạm ngưng, UBND tỉnh Ninh Thuận đã triển khai Đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư vùng dự án, với tổng kinh phí 423 tỷ đồng. Đến nay, địa phương đang triển khai xây dựng 18 hạng mục công trình kết cấu hạ tầng tại vùng ảnh hưởng bởi 2 dự án ĐHN.

Để đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” năm 2050, việc nghiên cứu phát triển ĐHN ở nước ta là điều cần thiết. Do đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đề nghị Bộ Công thương kiến nghị các cơ quan thẩm quyền Trung ương xem xét, có chủ trương thống nhất để thực hiện hiệu quả, đồng bộ, tạo niềm tin cho nhân dân khi triển khai chủ trương phát triển ĐHN tại Ninh Thuận. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc phát triển ĐHN.

Bên cạnh đó, hiện nay tỉnh Ninh Thuận đang triển khai đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình kết cấu hạ tầng tại 2 vị trí xây dựng nhà máy ĐHN và có nguồn nhân lực được cử đi đào tạo chuyên sâu về ĐHN nên cần xác định lộ trình phát triển cụ thể, nhằm tránh làm lãng phí nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, nguồn lực đất đai.

TIẾN THẮNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tai-khoi-dong-du-an-dien-hat-nhan-tai-ninh-thuan-dam-bao-sinh-ke-nguoi-dan-tranh-lang-phi-nguon-luc-post769615.html
Zalo