Tài khóa trở lại bình thường: Không lo suy giảm động lực tăng trưởng
Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng, trên nền tăng trưởng kinh tế đã phục hồi tốt hơn và hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp đã trở lại bình thường, chính sách tài khóa (CSTK) mở rộng được thực hiện trong những năm vừa qua để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 cần điều chỉnh trở lại mức bình thường.
Dần chấm dứt CSTK mở rộng
Theo một báo cáo gần đây về triển vọng kinh tế năm 2024 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tăng trưởng GDP thực tế (đã hiệu chỉnh mùa vụ) của Việt Nam đã vượt so với mức tiềm năng trong các quý I và II của năm 2024, tương tự như những gì đã diễn ra trong nửa cuối năm 2023. “Phân tích chu kỳ cho thấy, Việt Nam dường như đang bước vào giai đoạn mở rộng tăng trưởng so với tiềm năng trong nửa đầu năm 2024. Do vậy, phải thực sự cân nhắc nếu muốn mở rộng chi tiêu ngân sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - theo cách tiếp cận CSTK ngược chu kỳ - trong thời gian tới, bởi chính sách này có độ trễ và chỉ có hiệu lực trong bối cảnh tăng trưởng gặp khó khăn”.
Trước thực tế nền kinh tế đối mặt với những khó khăn và biến động tiêu cực rất lớn từ đại dịch, trong suốt những năm trong và sau dịch Covid-19, CSTK mở rộng đã được thực hiện và tới đây cần trở về mức bình thường, theo ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính). "CSTK mở rộng chỉ nên thực hiện đến hết năm nay. Bắt đầu từ năm 2025 mở ra một chu kỳ mới, chúng tôi không đề cập đến việc thắt chặt CSTK mà khi một chu kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh mới bắt đầu, khi doanh nghiệp trở lại bình thường sẽ điều chỉnh chính sách trở lại bình thường. Chẳng hạn, trước đây giảm thuế giá trị gia tăng 10% về mức 8%, nay quay trở lại 10%. Đây là những vấn đề, quan điểm cần có sự đồng thuận", chuyên gia này nói.
Tính toán của TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV và nhóm chuyên gia thuộc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho thấy, quy mô hỗ trợ tài khóa trong giai đoạn từ năm 2020 đến hết 6 tháng năm 2024 có tổng giá trị danh nghĩa lên tới gần 892 nghìn tỷ đồng (gồm gia hạn; miễn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất); tổng giá trị thực hỗ trợ tài khóa là gần 392 nghìn tỷ đồng (gồm:giá trị thực từ gia hạn tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất là 26,44 nghìn tỷ đồng; tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất được miễn, giảm là 325,8 nghìn tỷ đồng; và 39,7 nghìn tỷ đồng giá trị hỗ trợ các khoản khác như hỗ trợ tiền mặt cho người lao động, giảm giá điện, hoãn đóng bảo hiểm xã hội…).
Một câu hỏi đặt ra là khi các chính sách hỗ trợ tài khóa như vậy kết thúc để trở về trạng thái bình thường liệu sẽ tác động theo hướng làm suy giảm động lực tăng trưởng vốn dĩ vẫn đang phải dựa nhiều vào CSTK nới lỏng trong suốt thời gian vừa qua hay không?
Nhấn vào thực thi hiệu quả để nâng chất lượng tăng trưởng
Chia sẻ quan điểm của mình với Thời báo Ngân hàng, bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cho biết, việc hỗ trợ tài khóa tại Việt Nam trong những năm qua chủ yếu nằm ở hai thành tố: Thứ nhất là hỗ trợ về giãn, giảm thuế như giảm thuế suất VAT, hoãn việc nộp thuế cho doanh nghiệp… để giảm bớt áp lực và cho phép các doanh nghiệp có thêm thanh khoản trong tay khi cố gắng thực hiện hoạt động kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng; Thứ hai là tăng thêm đầu tư công (như năm ngoái tăng thêm khoảng 1,8% GDP) và cố gắng thực hiện nhiều dự án đầu tư công để có thể hỗ trợ tổng cầu, hỗ trợ các hoạt động kinh tế, tạo việc làm và hỗ trợ tăng trưởng.
“Điều chúng tôi thấy hiện nay là Chính phủ đang giảm dần những chính sách hỗ trợ như vậy. Như về đầu tư công, năm nay không có gói như năm 2023 mà chỉ có đầu tư ngân sách bình thường và đang cố gắng thực hiện ngân sách theo mức thông thường. Điều đấy có nghĩa là những thành tố hỗ trợ chính sách như vừa qua sẽ giảm bớt đi, nhưng không có nghĩa là nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng quá nhiều”, chuyên gia này nhận định, đồng thời chỉ ra, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi và sang năm có thể trở lại mức tăng trưởng tiềm năng (WB dự kiến tăng trưởng GDP các năm 2025 và 2026 đều ở mức 6,5%).
“Sẽ không cần phải có CSTK nới lỏng khi mà nền kinh tế đang hoạt động tốt, bởi nếu như thế có thể sẽ gây ra vấn đề nhiều hơn, như áp lực tăng lạm phát và nhiều vấn đề khác. Cho nên, tốt hơn là phải có CSTK dè dặt hơn. Tất nhiên là vẫn sẽ cần thúc đẩy đầu tư công và các công cụ tài khóa khác nhưng nói chung cần phải hướng tới củng cố tài khóa”, bà Dorsati Madani nói.
Cùng quan điểm, ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng tốc thì nhu cầu cho các biện pháp tài khóa - được sử dụng trong quá khứ để hỗ trợ nền kinh tế - sẽ cần giảm dần. Tuy nhiên, phải tiếp tục tăng tốc đầu tư trong tương lai theo hướng hiệu quả, chất lượng để mở đường cho tăng trưởng nhanh và bền vững. “Hy vọng các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục quan tâm tới vấn đề này và cố gắng cải thiện Luật Đầu tư công trong thời gian tới như là một bước đi đúng hướng, rất đáng hoan nghênh”, ông Andrea Coppola.
Trong khi đó theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), việc sử dụng linh hoạt, có hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô (đặc biệt là chính sách tiền tệ và CSTK) vẫn có vai trò quan trọng. Mặc dù vậy, khi nhấn mạnh đến tư duy hướng tới tăng trưởng có chất lượng, việc thực hiện các mục tiêu chính sách trung gian có tính chất định lượng sẽ đòi hỏi cách nhìn nhận khác đi. Theo đó, chưa nên cân nhắc các giải pháp mở rộng tài khóa hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bởi nền kinh tế hiện đã bước vào giai đoạn mở rộng trong chu kỳ tăng trưởng và việc tập trung quá mức vào giải pháp tài khóa có thể làm giảm dư địa ứng phó với các cú sốc trong tương lai.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng rất lưu ý đến việc nâng cao hiệu quả và thực thi chính sách. Đơn cử với đầu tư công, thực trạng giải ngân đầu tư công chậm và luôn lo ngại không hoàn thành kế hoạch tồn tại nhiều năm qua có một phần lý do không nhỏ từ yếu tố quá trình thực thi, triển khai chưa quyết liệt và hiệu quả. Trong quá khứ và kể cả đến nay, đâu đó vẫn xuất hiện và tồn tại không ít các dự án, công trình chậm hoàn thành, kéo dài và đội vốn.
Nhưng ở chiều ngược lại, cũng đã có những ví dụ, bài học cho thấy quá trình triển khai một dự án cụ thể nếu được tiến hành quyết liệt, đồng bộ thì hoàn toàn có thể đạt và vượt tiến độ đặt ra. Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) vừa khánh thành có thể coi là ví dụ điển hình. Một dự án lớn và theo tính toán có thể phải kéo dài ít nhất 3 - 4 năm nhưng đã hoàn thành trong thời gian 6 tháng nhờ tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão", "làm việc liên tục 3 ca, 4 kíp", vào cuộc đồng bộ của tất cả các cấp ngành và bên liên quan…
Thực tế triển khai thành công vượt kỳ vọng của dự án này chắc chắn sẽ giúp chúng ta không chỉ rút ra nhiều bài học quý báu để áp dụng vào nhiều dự án trọng điểm quốc gia đang và sẽ tiến hành tới đây, mà còn cho thấy ngay cả khi không còn các chính sách hỗ trợ, CSTK trở về trạng thái bình thường nhưng việc thực hiện hiệu quả, chất lượng để mang lại những thành tựu “đong, đếm” được từ các công trình cụ thể mới là điều quan trọng và ý nghĩa nhất để cải thiện chất lượng tăng trưởng, đồng thời cho thấy hiệu lực của thể chế gia tăng.