Tái hiện vẻ đẹp của đất và người Lâm Đồng giữa lòng Thủ đô Hà Nội
Những ngày qua, vườn hoa đền Bà Kiệu, tuyến phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội như được mang một nét đẹp khác biệt bởi các không gian trưng bày giới thiệu văn hóa, du lịch trong chuỗi hoạt động Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội.

Tiểu cảnh hoa rực rỡ mang biểu tượng dòng suối chảy dưới chân Lang Biang thu hút du khách tạo dáng chụp hình
Với hơn 200 hình ảnh, tư liệu, hiện vật, mô hình, nhạc cụ, trang phục dân tộc, nghề truyền thống, danh lam thắng cảnh, điểm đến... không gian trưng bày như tái hiện vẻ đẹp của đất và người Lâm Đồng giữa lòng thủ đô.

Các hiện vật văn hóa của đồng bào các dân tộc Lâm Đồng
Nhìn thấy hoa là như thấy Đà Lạt, cả không gian được trang hoàng rực rỡ hoa tươi, được trang trí với giỏ hoa, lẵng hoa.
Trung tâm của không gian là tiểu cảnh hoa với dòng chữ Lang Biang cùng cách điệu dòng suối hoa uốn lượn trải dài, được tạo nên bởi rất nhiều loài hoa đẹp của Đà Lạt như cẩm tú cầu, băng xê, thu hải đường… thu hút du khách check-in tạo dáng chụp hình.

Diễn xướng cồng chiêng trên phố trong không gian trưng bày
Nổi bật trong không gian là mô hình cồng chiêng lớn mang biểu tượng văn hóa các dân tộc Tây Nguyên cùng với tư liệu, hình ảnh, hiện vật của Bảo tàng Lâm Đồng giới thiệu đến khán giả Thủ đô những nét đặc trưng cũng như giá trị văn hóa truyền thống đa dạng và phong phú của vùng đất Nam Tây Nguyên.

Nổi bật trong không gian là mô hình chiếc chiêng lớn
Gian hàng trưng bày và biểu diễn nhạc cụ dân tộc đặc sắc với nhạc cụ tre, nứa, đàn T’rưng, Đinh Pút, đàn đá..., tạo nên âm thanh của núi rừng, lúc nghe thánh thót như chim hót, khi như tiếng suối chảy, lúc ầm vang như dòng thác… thu hút người thưởng lãm.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái tham quan Không gian trưng bày và biểu diễn nhạc cụ dân tộc

Các đại biểu tỉnh Lâm Đồng tại Không gian trưng bày và biểu diễn nhạc cụ dân tộc
Gian hàng trưng bày của huyện Lâm Hà thu hút bởi cây nêu được chạm khắc công phu, biểu tượng nhà sàn cùng hàng trăm hiện vật văn hóa, dụng cụ lao động sản xuất, săn bắt, hái lượm, vật dụng sinh hoạt trong đời sống vật chất tinh thần của người K’Ho như: Bộ chiêng 6, chóe rượu, cối giã gạo, nơm, đó, xà gạc, chuỗi hạt cườm…

Bộ chiêng 6 của người K'Ho được trưng bày tại gian hàng của huyện Lâm Hà
Tại đây, đội cồng chiêng đến từ buôn làng Bồ Liêng, Đam Pao đã cống hiến cho ngày hội một không gian diễn xướng với những thanh âm trầm hùng, hòa cùng vũ điệu xoang, giới thiệu tới đông đảo khán giả Thủ đô di sản Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO vinh danh là kiệt tác của nhân loại.

Nghệ nhân Rơ Ông K'Hai đến từ buôn làng B'Nớ C trình diễn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người KHo Lâm Đồng
Bên cạnh tháp Rùa, tháp Bút, đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu cổ kính, như có một Tây Nguyên hiện diện qua họa tiết, hoa văn, đường nét của sắc màu thổ cẩm.
Không gian trưng bày giới thiệu trang phục dân tộc, trình diễn nghề dệt truyền thống của đồng bào K’Ho tạo dấu ấn. Trên nền chất liệu thổ cẩm, nhà thiết kế trẻ Rona - người con của buôn làng K’Ho đã đã tạo ra những thiết kế thời trang độc đáo, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Nhà thiết kế trẻ Rona giới thiệu các thiết kế thời trang độc đáo trên chất liệu thổ cẩm
Bên cạnh đó, các đơn vị du lịch đã giới thiệu những điểm đến, những danh lam thắng cảnh của Đà Lạt gắn với rừng thông, hồ nước, suối, thác… tạo sức hút lớn với du khách và sự gặp gỡ, kết nối tour tuyến với các doanh nghiệp lữ hành.

Giới thiệu các điểm đến Rừng thông Núi Voi, Sacom Tuyền Lâm... với du khách và các đơn vị lữ hành
Không gian giới thiệu văn hóa, du lịch trong Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội đã làm lan tỏa vẻ đẹp của đất và người Lâm Đồng đến bạn bè trong nước và quốc tế.