Tái hiện lễ hội mừng lúa mới của đồng bào K'Ho Srê – Di Linh

Nằm trong chương trình Lễ hội 'Di Linh – Bản sắc và hội nhập' hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X – năm 2024, ngày 15/12, tại Làng truyền thống dân tộc K'Ho (xã Gung Ré) huyện Di Linh đã long trọng tổ chức tái hiện lễ hội mừng lúa mới (Nhô Lib Bông) của đồng bào K'Ho Srê.

Không gian lễ hội diễn ra tại Làng truyền thống dân tộc K'Ho (thôn K'Long Trao - xã Gung Ré)

Không gian lễ hội diễn ra tại Làng truyền thống dân tộc K'Ho (thôn K'Long Trao - xã Gung Ré)

Tham dự lễ hội có bà Cil Bri – Trưởng ban Dân tộc tỉnh; ông Trần Thanh Hoài – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Trường Đại học Đà Lạt. Về phía địa phương có ông Đinh Văn Tuấn – Bí thư Huyện ủy Di Linh, lãnh đạo huyện, xã cùng đông đảo nhân dân và du khách.

Bà Cil Bri – Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng tặng hoa chúc mừng

Bà Cil Bri – Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng tặng hoa chúc mừng

Phát biểu tại buổi tái hiện, ông Trần Thanh Hoài – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Lễ hội là mong ước của con người được khỏe mạnh, may mắn, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, buôn làng yên vui, được gặp gỡ giao lưu cộng đồng sau những ngày lao động vất vả, cố kết cộng đồng tạo nên sức mạnh chinh phục thiên nhiên. Đây cũng là dịp để những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được trình diễn, là môi trường để gìn giữ phát huy các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc, các trò chơi, diễn xướng dân gian của cộng đồng, bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Ông Trần Thanh Hoài – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu khai mạc lễ hội

Ông Trần Thanh Hoài – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu khai mạc lễ hội

Trong bối cảnh giao lưu văn hóa, lễ hội còn gắn với du lịch, thu hút du khách tìm hiểu khám phá về một vùng đất, góp phần thúc đẩy đời sống kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Việc phục dựng, tái hiện các lễ hội tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tuân thủ ý thức pháp luật, luật tục, tăng cường sự cố kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái khoan dung, nghĩa tình làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội, tạo sức mạnh nội sinh thúc đẩy sự phát triển địa phương.

Già làng K'Keo tạ ơn Yàng và các vị thần linh cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu

Các già làng nghệ nhân cồng chiêng từ các buôn làng của 4 xã Gung Ré, Tân Nghĩa, Bảo Thuận, Liên Đầm đã thực hiện nghi thức tái hiện trong không gian linh thiêng. Lễ hội mừng lúa mới có từ lâu đời của người K’Ho Srê – Di Linh, theo chu kỳ canh tác của cây lúa, sau khi thu hoạch xong, đồng bào tổ chức lễ hội mừng lúa mới.

Già làng thực hiện nghi thức hiến sinh bằng một con gà

Sau 3 hồi tù và báo hiệu buôn làng mở hội, già làng K’Keo cất tiếng gọi mời: “Ơi Yàng… Hỡi buôn làng, sau một năm vất vả với cái nương cái rẫy, hôm nay lúa đã chất đầy kho, rượu cần đã đến ngày khai ché, chúng ta cùng tụ hội về đây để cảm ơn Yàng và các thần linh đã cho buôn làng mộ năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, lúa trên nương trĩu hạt, đàn heo nhiều như con kiến đen, đàn trâu đông như ốc dưới suối. Chúng ta cùng về đây mở hội. Ơi Yàng, hỡi dân làng”.

Bôi tiết vật hiến sinh lên trán của mọi người cầu mong sức khỏe, may mắn

Buôn làng nô nức tụ hội cùng cồng chiêng, rượu cần, một con trâu đã được cột sẵn ở gốc cây nêu, lễ vật là những sản vật đồng bào trồng trọt, chăn nuôi được được bày xếp trang trọng. Già làng thực hiện nghi thức hiến sinh một con gà, rồi lấy mời Yàng về uống rượu cần ngon, ăn các lễ vật tế lễ, xin cảm ơn Yàng đã ban cho dân làng cuộc sống ấm no, người người khỏe mạnh, buôn làng bình yên, người người hòa thuận. Xin Yàng cho hạ dàn chiêng xuống để đánh lên vang dậy núi rừng, rộn rã lòng người, tưng bừng lễ hội.

Dàn cồng chiêng cùng tấu lên gọi Yàng về chung vui cùng buôn làng

Vũ điệu xoang nhịp nhàng hòa cùng thanh âm cồng chiêng

Già làng dùng máu gà vừa hiến sinh bôi lên cây nêu, các biểu tượng nhà sàn, nhà kho chứa lúa, cây nêu, các mặt chiêng, trán các thành viên cầu mong sự may mắn sức khỏe đến cho mọi người. Tiếng cồng chiêng được tấu lên hòa cùng vũ điệu xoang đi quanh cây nêu cột chặt con trâu thực hiện nghi thức đâm trâu. Một chàng trai khỏe mạnh cùng một mũi lao mô phỏng các động tác ước lệ, tượng trưng theo cách thức ăn trâu truyền thống của đồng bào từ xa xưa trước con vật hiến sinh.

Nghi thức khai ché rượu cần, già làng rót rượu mời Yàng và các vị thần linh

Già làng thực hiện nghi thức khai ché rượu cần, rót rượu dâng mời Yàng và các vị thần linh; rồi mời các vị khách quý uống rượu cần, đeo tặng vòng đồng, chuỗi hạt cườm cho khách, cho mọi người. Trong không gian của thanh âm cồng chiêng, khèn bầu, vũ điệu cồng chiêng bài Gung me gung mạ (chào mừng quý khách) mọi người cùng ăn cùng uống, cùng hát cùng múa quanh cây nêu.

Mô phỏng nghi thức đâm trâu truyền thống từ xa xưa

Bên cạnh đó, 5 tiết mục hát múa của các chàng trai cô gái được tập luyện, dàn dựng công phu cũng được trình diễn: Múa Xuống núi, Hỏi Yàng Kòi, Oh Mi, Bản giao hưởng Tây Nguyên, Vũ điệu cồng chiêng.

Đại biểu lãnh đạo tỉnh, huyện chung vui bên ché rượu cần cùng buôn làng trong ngày hội

Việc tổ chức tái hiện nghi thức, nghi lễ, lễ hội mừng lúa mới (Nhô Lib Bông) nhằm lưu giữ bản sắc văn hóa thống của đồng bào K’Ho Srê – Di Linh. Qua đó nghiên cứu, sưu tầm, giáo dục bản sắc văn hóa tiêu biểu, tạo sân chơi bổ ích lành mạnh, hạn chế tình trạng mai một; đồng thời phát huy hiệu quả nguồn lực của nhà nước, xã hội, cộng đồng trong để phát huy tối đa tiềm năng, giá trị độc đáo và lợi thế riêng vốn có của vùng đất cao nguyên Di Linh, tiếp tục phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, công nghiệp văn hóa, kết hợp hài hòa giữa phát triển văn hóa – du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng vị sự tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Những vòng xoang rộn ràng làm nên không khí tưng bừng của ngày hội

Hòa vào ngày hội của buôn làng

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/du-lich/202412/tai-hien-le-hoi-mung-lua-moi-cua-dong-bao-kho-sre-di-linh-f560d27/
Zalo