Tái hiện không gian 'nhà tranh vách đất' làng quê Bắc Bộ

Với mong muốn bảo tồn, phát huy những kiến trúc của người Việt xưa, mới đây, Ủy ban nhân dân (UBND) phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội, đã có sáng kiến phục dựng lại nhà tranh vách đất, nhà gỗ truyền thống ngay tại khu phố ẩm thực, đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã. Đây là một trong những sáng kiến nhằm góp phần bảo tồn kiến trúc của người Việt xưa, tạo ra không gian gần gũi, thân thuộc với du khách.

Hình ảnh thân thuộc của làng quê Bắc Bộ

Nhà tranh vách đất vốn là một hình ảnh thân thuộc của làng quê Bắc Bộ. Dù thời gian có thay đổi, nhưng hình ảnh ấy vẫn gắn liền với sự mộc mạc, giản dị và là ký ức đẹp trong lòng người Việt. Hiện nay, cuộc sống sôi động và bận rộn ở thành phố khiến nhiều người hoài niệm, tìm lại sự giản dị, gần gũi xưa kia.

Ngay tại không gian đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, bên trong một toa tàu đang được các nghệ nhân phục dựng lại theo mô hình nhà tranh vách đất và mô hình nhà gỗ. Đây đều là kiến trúc của ngôi nhà xưa ở vùng quê đồng bằng Bắc Bộ nhằm phục vụ du khách đến tham quan.

Ngay tại không gian đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, bên trong một toa tàu đang được các nghệ nhân phục dựng lại theo mô hình nhà tranh vách đất.

Ngay tại không gian đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, bên trong một toa tàu đang được các nghệ nhân phục dựng lại theo mô hình nhà tranh vách đất.

Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy cho biết, toa tàu đang được các nghệ nhân phục dựng được mang tên “Lúa - Gạo - Thóc”. Tầng 1 của toa tàu sẽ được phục dựng lại nhà tranh vách đất, tầng 2 là nhà gỗ. Đây là các toa tàu thuộc dự án “Tuyến tàu điện số 6” với mong muốn bảo tồn và phát huy những giá trị của ẩm thực Hà Nội. Ở mỗi toa tàu, phường Trúc Bạch sẽ giới thiệu một món ăn ẩm thực đặc sắc của Hà Nội.

“Trong đó, riêng với toa “Lúa - Gạo - Thóc” chúng tôi sẽ giới thiệu các món ăn đặc sản của Hà Nội được chế biến từ hạt gạo. Với mong muốn thể hiện chân thực nhất quá trình từ việc trồng lúa cho đến thu hoạch, chế biến, thậm chí là lưu giữ, chế biến thành món ăn như thế nào.

Do đó, ý tưởng chủ đạo của toa tàu “Lúa - Gạo - Thóc” sẽ được tái hiện lại không gian nhà tranh vách đất với mong muốn thể hiện chân thực nhất, gần gũi nhất đời sống của người nông dân trong quá trình vất vả làm ra hạt lúa, gạo”, ông NguyễnDân Huy cho biết.

Phường Trúc Bạch mong muốn sẽ tái hiện lại những không gian chân thực, gần gũi nhất trong đời sống của người nông dân.

Phường Trúc Bạch mong muốn sẽ tái hiện lại những không gian chân thực, gần gũi nhất trong đời sống của người nông dân.

Cũng theo Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch, hạt gạo vốn rất gần gũi trong đời sống hằng ngày của người dân Việt Nam, từ hạt gạo chúng ta chế biến được rất nhiều món ăn, thức uống đặc sắc. Do vậy, trong toa tàu “Lúa - Gạo - Thóc”, UBND phường Trúc Bạch sẽ giới thiệu hơn 20 món ăn được chế biến từ hạt gạo. Trong mỗi toa tàu điện, du khách đến không chỉ được tìm hiểu món ăn, cách chế biến, quy trình chế biến, nguyên vật liệu, dụng cụ chế biến món ăn…, mà còn được tìm hiểu, khám phá về những câu chuyện của người Việt Nam, của người Hà Nội xung quanh.

Để thu nhỏ một kiến trúc ngôi nhà trong một toa tàu, phường Trúc Bạch đã dành thời gian nghiên cứu từ rất nhiều các công trình, các bức ảnh từ xa xưa cho đến ngày nay. Thậm chí, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Dân Huy đã phải tự mình đi đến tận nơi tham quan, trực tiếp nghiên cứu các ngôi nhà cổ từ xưa, từ đó để hiểu được và chắt lọc những chi tiết, kết cấu để phục dựng một cách hợp lý.

“Mong muốn của phường Trúc Bạch là tọa ra một không gian nhà tranh vách đất, nhà gỗ xa xưa mang đậm dấu ấn Bắc Bộ, để du khách nhìn thấy có thể cảm nhận ngay được sự thân quen trong đó. Do vậy, chất liệu và kĩ thuật thi công là phải đảm bảo đúng nguyên bản khi thi công”, ông Nguyễn Huy Dân bày tỏ.

Góp phần bảo tồn, quảng bá các giá trị truyền thống

Để phục dựng lại hình ảnh nhà tranh, vách đất một cách chính xác, gần gũi nhất, phường Trúc Bạch đã cất công đi tìm và mời các nghệ nhân từng tham gia làm nhà tranh, vách đất từ ngày xưa. Trong đó, ông Nguyễn Văn Thau (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) là người trực tiếp tham gia dự án, đã bắt đầu đi làm nhà tranh vách đất từ những năm 13,14 tuổi.

Ông Thau cho biết, ông rất ấn tượng khi phường Trúc Bạch đã có nhiều ý tưởng hay, ý nghĩa để phát triển du lịch. Bởi từ xa xưa, nhà tranh vách đất đã mang đậm giá trị trong đời sống của người Việt Nam. Không chỉ là nơi che chở mà còn là không gian đoàn tụ của gia đình, khắc sâu trong tâm trí mỗi người những kỷ niệm đẹp về tình làng nghĩa xóm. Chính những mái nhà đơn giản ấy đã nuôi dưỡng hàng ngàn con người có tài năng, đức độ, góp phần xây dựng đất nước.

Trên tầng 2 của toa tàu "Lúa - Gạo - Thóc", các nghệ nhân cũng đang dựng lại mô hình nhà gỗ truyền thống.

Trên tầng 2 của toa tàu "Lúa - Gạo - Thóc", các nghệ nhân cũng đang dựng lại mô hình nhà gỗ truyền thống.

Mặc dù xã hội ngày càng phát triển với những ngôi nhà hiện đại, sang trọng, nhưng hình ảnh nhà tranh vẫn được gìn giữ và tái tạo qua nhiều phong cách mới. Nó không chỉ bảo tồn bản sắc dân tộc mà còn thích nghi với cuộc sống hiện đại, mang đến sự hòa hợp giữa xưa và nay.

“Ngày xưa, các gia đình ở Bắc Bộ chỉ làm 3 gian thông thủy, nhà nào có điều kiện thì 4 gian. Người dân thường xây dựng bằng những vật liệu tự nhiên như tre, nứa, tranh, bùn… nhằm bảo vệ khỏi mưa nắng. Đây là loại hình kiến trúc giản đơn, mang đậm vẻ đẹp truyền thống của làng quê Việt Nam. Thời đó, ông thợ cả làm cả ngày công cũng chỉ được lưng ống gạo, đủ ăn là may rồi”, ông Thau nhớ lại.

Cũng theo ông Thau, để phục dựng lại các gian nhà tranh vách đất, tại toa tàu “Lúa - Gạo - Thóc” thì việc khó nhất đó là đi tìm nguyên liệu đúng chuẩn. Theo đó, tre được mua tận các vùng mạn ngược như Lạng Sơn, Yên Bái, Phú Thọ… Đây là loại tre đã được ngâm, xử lý nhiều tháng trước đó với tiêu chí là phải bền, chất lượng tốt. Ngoài ra, việc chọn được rơm thơm mùi lúa mới để làm mái cũng rất quan trọng.

Toa tàu “Lúa - Gạo - Thóc” vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Toa tàu “Lúa - Gạo - Thóc” vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

“Hi vọng rằng, việc phục dựng nhà tranh vách đất, nhà gỗ ngay tại Thủ đô sẽ góp phần bảo tồn, quảng bá các giá trị truyền thống của người Việt đến bạn bè thế giới. Đặc biệt, những người Việt khi nhìn vào đó sẽ cảm nhận được sự thân quen, gần gũi, gợi nhớ về những giá trị tốt đẹp của gia đình”, ông Thau nhấn mạnh.

Được biết, ý tưởng dự án “Tuyến tàu điện số 6” xuất phát từ việc gợi nhớ về hệ thống tàu điện mặt đất từng hoạt động ở Hà Nội từ những năm 1901 đến 1991. Tuyến tàu điện số 6 sẽ gồm nhiều toa tàu điện, đặt xung quanh hồ Trúc Bạch, trên con đường đi bộ của du khách vào Đảo Ngọc - Ngũ Xã. Khi đến trải nghiệm, du khách sẽ được hòa mình vào đời sống của người dân bản địa cũng như sinh hoạt của người dân Hà Nội trong quá trình khách du lịch lưu trú lại ở Hà Nội, từ việc người Hà Nội ăn gì cho đến việc người Hà Nội sinh hoạt như thế nào.

Hiện nay, phường Trúc Bạch đang phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức lễ đón nhận Điểm du lịch Đảo Ngọc - Ngũ Xã, cũng như chính thức khai trương tuyến tàu điện số 6 vào ngày 29/11. Đây là một sản phẩm du lịch đặc thù, trọng điểm của quận Ba Đình.

Kim Tiến

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tai-hien-khong-gian-nha-tranh-vach-dat-lang-que-bac-bo-180649.html
Zalo