Tái định vị công nghiệp TP.HCM mở rộng: Từ phân vai đến triển khai chiến lược vùng
TP.HCM mở rộng cần chiến lược phát triển công nghiệp tổng thể, dựa trên phân vai chức năng rõ ràng, tổ chức lại không gian sản xuất, đầu tư hạ tầng liên kết vùng, thúc đẩy công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ, phát triển nhân lực và chuyển đổi xanh - số. Đây là nền tảng để hình thành trung tâm công nghiệp tích hợp, hiện đại và bền vững của khu vực.
Tái cấu trúc để đi xa
Chia sẻ tại tọa đàm: “Động lực phát triển công nghiệp TP.HCM: Từ tiềm năng đến hành động” do Sở Công Thương TP.HCM tổ chức sáng nay (17/7/2025), TS. Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố đưa ra thông điệp đáng chú ý: Việc mở rộng địa giới hành chính không chỉ là bước thay đổi cơ học về lãnh thổ, mà là cơ hội chiến lược để tái định vị mô hình phát triển công nghiệp vùng Đông Nam Bộ.

Theo ông, khi không gian phát triển của TP.HCM được tích hợp với hai địa phương trọng điểm công nghiệp là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, vùng này có đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm công nghiệp tích hợp hàng đầu cả nước, với GRDP chiếm gần 24% GDP quốc gia, gần 45.000 doanh nghiệp công nghiệp, hệ sinh thái đa dạng từ khai khoáng, chế biến, hậu cần đến công nghệ cao. Tuy nhiên, nếu không tái cấu trúc không gian, phân vai chức năng và đầu tư hạ tầng đồng bộ, tiềm năng này sẽ không chuyển hóa được thành năng suất thực chất và năng lực cạnh tranh dài hạn.
Chiến lược phát triển công nghiệp TP.HCM mở rộng, theo TS. Vũ, cần khởi đầu từ việc phân vai hợp lý giữa ba địa phương. TP.HCM (cũ) cần giữ vai trò là trung tâm công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu - phát triển (R\&D). Khu vực này sẽ tập trung vào các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp sáng tạo, kết nối với Đại học Quốc gia TP.HCM, Trung tâm Tài chính quốc tế và Khu công nghệ cao.
Tỉnh Bình Dương tiếp tục là đầu tàu trong lĩnh vực chế biến - chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Với hệ sinh thái khu công nghiệp quy mô lớn và năng động như VSIP, Mỹ Phước, Bàu Bàng, địa phương này sẽ dẫn đầu về logistics nội vùng, sản xuất thông minh và công nghiệp phụ trợ chuyên sâu.
Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu đảm nhận vai trò trung tâm công nghiệp nặng, hóa dầu, năng lượng và logistics biển. Cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải chính là cửa ngõ trung chuyển quốc tế, không chỉ giúp nâng cao năng lực xuất khẩu mà còn hỗ trợ kết nối toàn vùng về chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu.

TP.HCM mới có đủ điều kiện để trở thành trung tâm công nghiệp tích hợp hàng đầu cả nước
Ưu tiên công nghiệp công nghệ cao và hỗ trợ
TS. Vũ cảnh báo rằng hiện trạng hạ tầng liên kết vùng còn nhiều bất cập: các tuyến vành đai và cao tốc triển khai chậm, hệ thống ICD nội đô quá tải, đường sắt chuyên dùng gần như chưa có. Hệ quả là chi phí logistics tăng cao, khả năng kết nối giữa cảng - nhà máy - thị trường còn phân mảnh.
Giải pháp được đề xuất là đẩy nhanh tiến độ các trục giao thông huyết mạch như Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Biên Hòa- Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành. Song song đó, cần quy hoạch các trung tâm logistics thông minh tại Thủ Đức, Dĩ An, Phú Mỹ, kết hợp với mạng lưới ICD, kho ngoại quan và cảng cạn. Các khu công nghiệp mới phải tích hợp luôn logistics, đường sắt nội bộ, năng lượng sạch và hạ tầng số để tối ưu hóa vận hành 24/7.
Một trong những đột phá được TS. Vũ nhấn mạnh là phải chuyển dịch cơ cấu nội ngành theo chiều sâu. TP.HCM mở rộng cần tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc vào các ngành công nghệ cao: điện tử - bán dẫn, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, vật liệu mới, cơ khí chính xác. Đồng thời, mở rộng các khu công nghệ cao tại Bình Dương (VSIP 3, Tân Uyên) và Bà Rịa - Vũng Tàu (Châu Đức, Phú Mỹ) để hình thành trục sản xuất công nghệ cao liên vùng.
Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn theo cụm ngành là bước đi cần thiết. Bình Dương có thể phát triển mạnh nhóm cơ khí - nhựa -điện tử; TP.HCM tập trung dược phẩm - thực phẩm - bao bì; còn Bà Rịa - Vũng Tàu là logistics phụ trợ và cơ khí nặng. Để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần có trung tâm kỹ thuật - xúc tiến công nghiệp hỗ trợ cấp vùng, cung cấp dịch vụ tư vấn công nghệ, chứng nhận quốc tế và tiếp cận thị trường.

Nhân lực và đổi mới sáng tạo: Trụ cột dài hạn
TS. Vũ cho rằng: “Không thể có công nghiệp thông minh nếu thiếu lao động thông minh”. TP.HCM mở rộng cần xây dựng mạng lưới đào tạo kỹ thuật hiện đại, kết nối giữa nhà trường -doanh nghiệp - khu công nghiệp. Các ngành kỹ thuật số, logistics thông minh, thiết kế công nghiệp, năng lượng sạch… cần được mở rộng ở các trung tâm đào tạo tại TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, cần hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo công nghiệp gồm các vườn ươm công nghệ, trung tâm R&D, khu thử nghiệm sản xuất và quỹ đầu tư đổi mới. Trong hệ sinh thái này, TP.HCM đóng vai trò trung tâm nghiên cứu - thiết kế, Bình Dương là nơi sản xuất thử nghiệm và Bà Rịa - Vũng Tàu cung cấp nền tảng kiểm nghiệm quy mô lớn.
Theo TS. Vũ, công nghiệp xanh và tuần hoàn không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc. TP.HCM mở rộng cần ban hành bộ tiêu chí khu công nghiệp sinh thái, thí điểm tại Tân Thuận, VSIP, Phú Mỹ 3, với các mô hình tái chế chất thải, sử dụng năng lượng tái tạo, xử lý nước tuần hoàn. Các nhà máy cần được số hóa bằng hệ thống ERP, IoT, MES để tối ưu vận hành và minh bạch chuỗi cung ứng. Ngoài ra, việc áp dụng chuẩn ESG vào quy trình đầu tư sẽ giúp thu hút dòng vốn quốc tế có trách nhiệm, lâu dài và bền vững.
Tái định vị công nghiệp TP.HCM mở rộng không chỉ là bài toán phát triển theo chiều rộng, mà là bước chuyển chiến lược theo chiều sâu. Từ phân vai hợp lý đến triển khai chiến lược vùng, từ đầu tư hạ tầng đến phát triển công nghiệp công nghệ cao, tất cả cần một tư duy tích hợp, hệ thống và hành động quyết liệt. Với định hướng đúng đắn, TP.HCM mở rộng có đủ nền tảng để trở thành trung tâm công nghiệp tích hợp, thông minh và bền vững hàng đầu Đông Nam Á trong thập kỷ tới.