Tái diễn nguy hiểm hành vi ném đá tàu, xe đang chạy

Thời gian vừa qua, trên một số tuyến đường, tuyến cao tốc liên tiếp xảy ra các vụ ném đá vào tàu, xe ô tô đang chạy khiến dư luận bức xúc.

Hành vi này không chỉ phá hoại tài sản mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý, sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông. Câu chuyện này không mới, nhưng vì sao vẫn tái diễn? Để ngăn chặn hành vi này, ngoài xử lý nghiêm khắc, rất cần tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân.

Ngày 10-7, vào lúc 23 giờ, tàu H2705 đi trên tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai, khi qua địa phận xã Mậu Động (Văn Yên, Yên Bái) đã bị ném đá vỡ kính. Vụ việc khiến phụ lái tàu Nguyễn Văn Quân bị ném đá vào đầu, gây chấn thương nặng, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu.

 Tàu SE3 khi chạy chiều Hà Nội-Sài Gòn bị ném đá vỡ kính tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định ngày 6-7.

Tàu SE3 khi chạy chiều Hà Nội-Sài Gòn bị ném đá vỡ kính tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định ngày 6-7.

Trong một tuần, từ ngày 3 đến 10-7, trên địa bàn huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) xảy ra 3 vụ ném đá vào tàu làm vỡ kính, gây thiệt hại về tài sản. Ngay khi nhận được trình báo của các trưởng tàu thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Công an huyện Đức Thọ đã nhanh chóng phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hà Tĩnh tập trung lực lượng khẩn trương xác minh, điều tra. Quá trình rà soát, công an xác định nhóm ném đá lên tàu hỏa là 3 học sinh cùng ngụ tại xã Đức Đồng, huyện Vũ Quang. Tại cơ quan điều tra, những em này khai nhận từ đầu tháng 7-2024 đến nay, do được nghỉ hè không phải đến trường nên đã nhiều lần tụ tập, ném đất, đá vào các chuyến tàu đi qua địa bàn để đùa nghịch.

Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên các tuyến đường sắt đã xảy ra 75 vụ ném đất, đá lên tàu, làm vỡ 79 kính đầu máy, toa xe. Trong đó, các vụ này xảy ra nhiều ở những địa phương, như: Khánh Hòa (18 vụ), Đồng Nai (15 vụ), Bình Định và Quảng Nam mỗi tỉnh có 8 vụ; Bình Thuận và Thừa Thiên Huế mỗi địa phương 5 vụ; Quảng Trị, Quảng Ngãi và Ninh Thuận mỗi địa phương có 4 vụ. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Nam, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết: “Tình trạng ném đá lên tàu vài năm qua có giảm, tuy nhiên từ đầu năm nay tăng trở lại. Các vụ việc chủ yếu xảy ra ở khu vực vắng vẻ hoặc vào ban đêm nên việc xác định thủ phạm gặp nhiều khó khăn. Thường khi tàu dừng lại và lực lượng chức năng có mặt thì người ném đá đã bỏ chạy. Việc tìm các đối tượng mất nhiều thời gian. Ngành đường sắt đã phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, công an và sở giao thông vận tải các địa phương triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn. Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến, ngành đường sắt còn tổ chức ký cam kết với các địa phương để nâng cao trách nhiệm quản lý tuyến đường sắt qua địa bàn”.

Không chỉ với tàu, xe ô tô cũng liên tục bị ném đá khi đang di chuyển trên đường. Ngày 14-6, ô tô khách mang biển kiểm soát 15B-042.83 đang lưu thông trên cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn, khi đi đến địa phận xã Ninh An (Hoa Lư, Ninh Bình) thì bị một số đối tượng cầm vỏ chai bia đứng trên cầu Đông Hội ném xuống làm vỡ kính chắn gió phía trước. Quá trình điều tra, công an xác định có 3 đối tượng là trẻ vị thành niên đều trú tại xóm Hòa Thiện, xã Ninh An đã thực hiện hành vi trên. Nhóm trẻ này khai rủ nhau nhặt vỏ chai thủy tinh ném xuống đường cao tốc. Thượng tá Phạm Việt Công, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhìn nhận, hành vi trên không chỉ gây nguy hiểm cho người ngồi trên tàu, xe mà còn làm ảnh hưởng đến việc điều khiển phương tiện của tài xế, nhất là khi các xe đang chạy trên cao tốc.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law cho biết: “Theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, về vi phạm quy định trật tự công cộng, hành vi ném đá vào tàu hỏa đang chạy bị xử phạt hành chính 3-5 triệu đồng. Nếu làm người khác bị thương sẽ phải chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Bên cạnh đó, hành vi cố ý ném đá vào tàu hỏa làm người khác bị thương sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi gây thương tích với tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên. Hình thức phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025) đã bổ sung nội dung nghiêm cấm hành vi ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào người, phương tiện đang tham gia giao thông trên đường bộ. Quy định này đã chi tiết hóa quy định nghiêm cấm hành vi gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Điều này hy vọng sẽ giúp nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời là cơ sở để cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét các mức độ vi phạm, từ đó có chế tài xử lý nghiêm tương ứng tại các văn bản hướng dẫn”.

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tai-dien-nguy-hiem-hanh-vi-nem-da-tau-xe-dang-chay-788905
Zalo