Tái diễn lừa đảo 'việc nhẹ, lương cao'

Lời mời hấp dẫn 'việc nhẹ, lương cao' nhưng thực chất là dụ dỗ, lừa người dân sang Campuchia làm việc rồi bị cưỡng bức lao động sau thời gian lắng xuống thì gần đây lại tái diễn. Người nào may mắn thì trốn được về, có người bỏ mạng nơi đất khách.

Người trốn thoát, người tử vong

Tháng 4/2024, ba anh em ở xã Phì Điền (Lục Ngạn) là: Phạm Văn Triều (SN 1991), Phạm Văn Đông (SN 1996, em ruột Triều) và Phạm Văn Sơn (SN 2001, em con chú ruột Triều) được một nam thanh niên người địa phương tên là Lý Văn Khoóng rủ sang Campuchia lao động với lời mời hấp dẫn “việc nhẹ, lương cao”. Cả ba người được Khoóng đón tại cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), mọi chi phí đi lại, xuất cảnh được Khoóng lo toàn bộ.

 Ông Phạm Văn Hải (bên trái) vui mừng khi con trai Phạm Văn Sơn từ Campuchia trở về an toàn.

Ông Phạm Văn Hải (bên trái) vui mừng khi con trai Phạm Văn Sơn từ Campuchia trở về an toàn.

Anh Sơn kể: “Sang đến nơi, 3 anh em chúng cháu được bố trí làm cùng một công ty chuyên về cờ bạc, games online. Công việc của 3 người là đưa bài, chạy quảng cáo bằng tiếng Việt trên facebook để quảng cáo, mời gọi người lao động đến làm việc. Mỗi ngày làm nhiều lắm, đến cả 15 tiếng đồng hồ. Cháu được công ty khoán mỗi ngày phải lôi kéo được 3 người, nếu đạt doanh thu mới được nghỉ, nếu không thì phải làm cả ngày cả đêm. Cháu cũng từng bị đánh và bị bán sang công ty khác một lần. Tháng 11 vừa rồi, khi Công an Campuchia kiểm tra, lùng sục mạnh quá nên 3 anh em rủ nhau về. Anh Triều bảo cháu và anh Đông về trước, qua cửa khẩu rồi thì bảo người nhà gửi tiền sang để anh ấy có tiền về sau. Sáng 10/11/2024, hai anh em cháu bỏ trốn về trước. Về đến nhà nghe tin anh Triều tử vong vào 8 giờ sáng hôm đó”.

Ông Phạm Văn Hải, bố của Sơn buồn rầu: “Đi làm hơn 7 tháng, cháu chả có xu nào mang về. Nhưng em nó về đến nhà an toàn thế này cũng là mừng rồi. Xót xa cho thằng Triều cháu tôi, mất mạng nơi đất khách, để lại vợ trẻ và hai đứa con thơ dại”.

Ngồi lặng trước di ảnh con trai, vợ chồng ông Phạm Văn Tài buồn bã: “Hôm đó là ngày 10/10 (âm lịch) Tết cơm mới, vợ chồng tôi và vợ của Triều đang ngồi giã bánh dày thì nhận được điện thoại báo tin: “Em Triều chết ở bên Campuchia rồi. Gia đình liên hệ với bên đó để mang em về Việt Nam”. Cả nhà tôi bàng hoàng, Triều ở chung với vợ chồng tôi, trước có thời gian đi làm công ty ở khu công nghiệp tại Việt Yên, chả hiểu sao lại bỏ sang Campuchia. Nếu biết sang đó tôi đã ngăn rồi. Để đưa được hài cốt con về nhà, gia đình vay mượn khắp nơi mới đủ hơn 100 triệu đồng lên cửa khẩu Mộc Bài đón con về quê mai táng. Theo như trích lục khai tử, cháu mất tại tỉnh Kampot, nguyên nhân do nhồi máu cơ tim. Ở nhà cháu hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh tật gì. Của đau con xót, đau người ở lại”.

Một trường hợp khác, ngày 28/11 vừa qua, Sở Ngoại vụ nhận được đơn của bà Nguyễn Thị L ở tổ dân phố Đại Phú 1, thị trấn Vôi (Lạng Giang) đề nghị hỗ trợ đưa con trai bà là Từ Anh T (SN 1986) từ Campuchia về nước. Trước đó, ngày 16/10/2024, anh T có theo bạn sang Campuchia tìm kiếm việc làm nhưng không may bị một nhóm người đưa vào khu tự trị, sau đó nhóm người này có giữ giấy tờ và điện thoại cá nhân của anh T. Ngày 20/11, gia đình nhận được thông tin từ con là đã được đưa về đồn Công an tỉnh Kampot. Được sự hỗ trợ của Sở Ngoại vụ về bảo hộ công dân, ngày 2/12, anh T đã trở về nhà an toàn.

Bị ép để lừa lại người khác

Nắm bắt được nhu cầu tìm kiếm lao động của một số cơ sở của nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) tại Campuchia, nhiều đối tượng xấu đã đăng tải các tin, bài tuyển dụng lao động trên mạng xã hội. Sau đó chúng liên hệ qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp để rủ rê, lôi kéo, dẫn dắt người lao động xuất cảnh sang Campuchia làm việc với những lời hứa hẹn về việc làm ổn định, lương cao kèm theo những chế độ đãi ngộ hấp dẫn; ứng trước tiền để lo chi phí xuất cảnh. Điều này đã khiến rất nhiều người lao động nhẹ dạ, cả tin mắc bẫy.

Nắm bắt được nhu cầu tìm kiếm lao động của một số cơ sở của nước ngoài tại Campuchia, nhiều đối tượng xấu đã đăng tải các tin, bài tuyển dụng lao động trên mạng xã hội. Sau đó chúng liên hệ qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp để rủ rê, lôi kéo, dẫn dắt người lao động xuất cảnh sang Campuchia làm việc với những lời hứa hẹn về việc làm ổn định, lương cao kèm theo những chế độ đãi ngộ hấp dẫn; ứng trước tiền để lo chi phí xuất cảnh. Điều này đã khiến rất nhiều người lao động nhẹ dạ, cả tin mắc bẫy.

Sau khi sang, các nạn nhân lại bị ép để lừa lại người khác, bị ép phải lên mạng câu kéo người trong nước chơi với chỉ tiêu cụ thể; bị giam lỏng và ép buộc phải làm việc quần quật (15 tiếng/ngày) trong các casino đánh bạc trực tuyến. Nếu không chịu được, muốn trở về thì phải liên hệ với gia đình để chuyển tiền sang chuộc. Còn những trường hợp không có tiền chuộc, không đáp ứng được tần suất làm việc, chỉ tiêu được giao, vi phạm quy định do phía chủ đề ra như: Làm việc không đủ giờ, không lôi kéo đủ số người tham gia đánh bạc trực tuyến… thì bị đánh đập, hành hạ, đối xử thậm tệ thậm chí còn bị chích điện.

Đại tá Thân Văn Duy, Phó Giám đốc Công an tỉnh thông tin: “Qua rà soát sơ bộ, năm 2024 toàn tỉnh có 175 trường hợp người lao động bị phía Campuchia trục xuất về nước. Công an tỉnh đã gọi hỏi, làm việc với 11 trường hợp là công dân địa phương bị phía Campuchia bắt giữ, trao trả qua Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) về hành vi nhập cảnh trái phép. Giai đoạn 2020-2023, Công an tỉnh tiếp nhận, giải quyết 4 vụ án mua bán người; giải cứu 20 người dân địa phương xuất cảnh lao động bị xâm hại sức khỏe; tiếp nhận, giúp đỡ 4 nạn nhân bị mua bán trở về địa phương”. Bên cạnh áp dụng các biện pháp phòng ngừa, điều tra, bắt giữ, Công an tỉnh khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”. Nếu người dân phát hiện các biểu hiện bất thường của kẻ xấu, đề nghị kịp thời trình báo Công an và các ngành chức năng để có biện pháp ngăn chặn, đấu tranh.

Bài, ảnh: Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tai-dien-lua-dao-viec-nhe-luong-cao-083628-postid409266.bbg
Zalo