Tái diễn chiêu trò giả danh CSGT thông báo nộp phạt 'nguội'
Sau một thời gian tạm lắng, gần đây lại xuất hiện tình trạng người dân nhận được cuộc gọi và tin nhắn từ số lạ tự xưng là CSGT thông báo yêu cầu nộp phạt 'nguội'. Do không nắm rõ quy trình xử lý của lực lượng chức năng, đã có nạn nhân sập bẫy.
Để phòng ngừa, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các thủ đoạn gọi điện, nhắn tin lừa đảo thông báo phạt “nguội” vi phạm giao thông và báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để xử lý.
Theo Chị N.N.T ở Phủ Lý (Hà Nam), do chưa bao giờ bị xử phạt “nguội” vi phạm giao thông nên khi nhận được điện thoại của người tự xưng là CSGT thông báo yêu cầu nộp phạt “nguội”, chị vô cùng hoang mang, lo lắng. Trong quá trình trao đổi, thấy chị T cho biết bản thân chưa nhận được biên bản xử phạt từ CSGT, đối tượng giả danh này liền nhanh chóng yêu cầu chị cung cấp một loạt thông tin như: Tên, tuổi, địa chỉ, CCCD, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng… để lực lượng chức năng cung cấp số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt.
Sau khi có được các thông tin cá nhân, đối tượng bắt đầu thao túng tâm lý, dồn ép chị T phải chuyển tiền vào tài khoản định sẵn ngay lập tức. Đồng thời, kẻ lừa đảo còn yêu cầu chị giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền. Khi đã chuyển xong tiền, chị T gọi lại số điện thoại của đối tượng thì không liên lạc được…
Anh L.H.P ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng bất ngờ nhận được tin nhắn từ một người tự xưng là cán bộ Đội CSGT thuộc Phòng CSGT Công an TP Hà Nội. Nội dung tin nhắn thông báo về việc lực lượng chức năng ghi nhận anh P điều khiển xe gắn máy có hành vi lạng lách, đánh võng; nêu rõ số tiền xử phạt là từ 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 2-4 tháng. Để tăng lòng tin, đối tượng còn trích dẫn các điều, khoản trong Nghị định 100/2019 để làm căn cứ, đồng thời "đề nghị chủ xe cầm theo giấy tờ xe, đăng ký xe, căn cước công dân lên Đội CSGT để xử phạt theo quy định của pháp luật".
Đáng chú ý, nội dung cuối cùng của tin nhắn còn có lời răn đe, dọa nạt người dân để tạo tâm lý lo sợ. Nghi ngờ đây là chiêu thức lừa đảo mới, anh P đến trực tiếp cơ quan Công an để xác minh và đã tránh được việc sập bẫy lừa đảo. Tương tự, anh N.L.H ở TP Vinh (Nghệ An) cũng nhận được tin nhắn đề nghị chuyển tiền phạt “nguội" vì vi phạm giao thông với nội dung: Đây là Cục CSGT, bạn có một biên lai cần nộp phạt. Đây là thông báo cuối, gọi 102604 để nghe lại (miễn phí). Chi tiết l/h 9090 (200đ/p)… Sau khi nhận được tin nhắn, anh H không làm theo hướng dẫn vì cho rằng, đây là tin nhắn lừa đảo.
Các chuyên gia về an toàn thông tin cho rằng, để tránh bị sập bẫy lừa đảo mạo danh nói chung, mạo danh cán bộ Công an nói riêng, một trong những nguyên tắc quan trọng mà người dân cần nắm vững là Cơ quan Công an không làm việc với người dân qua điện thoại hoặc mạng xã hội. Khi cần làm việc, cơ quan Công an sẽ gửi thông báo bằng văn bản. Riêng đối với việc phạt “nguội” do vi phạm giao thông, Thông tư số 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định rõ, các trường hợp vi phạm phạt “nguội" đều được gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đến trụ sở cơ quan Công an.
Nếu việc đi lại gặp khó khăn và không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính thì đến trụ sở Công an cấp huyện nơi cư trú, đóng trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm hành chính. Việc gửi thông báo vi phạm được thực hiện bằng văn bản giấy hoặc bằng phương thức điện tử (khi đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin); đồng thời đăng trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT, Bộ Công an để người dân chủ động tra cứu, chấp hành việc xử phạt. Do đó, người dân cần nắm rõ quy trình phạt “nguội” để tránh bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để chủ động phòng ngừa, ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn thông báo liên quan đến biên lai phạt “nguội”.
Các trường hợp bị phạt “nguội”, CSGT đều gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện hoặc người liên quan đến trụ sở cơ quan Công an (nơi xảy ra vi phạm) để làm việc nên không có chuyện gọi điện, nhắn tin qua điện thoại thông báo vi phạm. Do đó, người dân tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lạ; không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào; không truy cập vào các đường dẫn lạ. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để lực lượng Công an có biện pháp xử lý kịp thời.