Tái đàn vật nuôi sau Tết

Thời điểm này, các trang trại, hộ chăn nuôi trong tỉnh tập trung tái đàn vật nuôi sau khi xuất bán một lượng lớn gia súc, gia cầm phục vụ dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua. Việc tái đàn vật nuôi sau tết bảo đảm duy trì ổn định hoạt động chăn nuôi của tỉnh và nguồn cung thực phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Anh Phan Giang Ðông ở thôn Yên Trung, xã Việt Hòa (Khoái Châu) tái đàn gà sau tết

Anh Phan Giang Ðông ở thôn Yên Trung, xã Việt Hòa (Khoái Châu) tái đàn gà sau tết

Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, toàn tỉnh xuất bán khoảng 70 -78 nghìn con lợn (chiếm 13 -15% tổng đàn), tương ứng sản lượng thịt 9 -10,2 nghìn tấn; 2 -2,2 triệu con gia cầm (chiếm 22 -24% tổng đàn), tương ứng với 4,8 -5,5 nghìn tấn thịt; 2,8 -3 nghìn con trâu, bò (chiếm 8 -9% tổng đàn), tương ứng 1,5 -1,7 nghìn tấn thịt. Hiện nay, các trang trại, hộ chăn nuôi trong tỉnh đã sẵn sàng các điều kiện tái đàn để ổn định thị trường. Xuất bán gần 400 con gà Ðông Tảo phục vụ dịp Tết vừa qua, hiện nay, gia đình anh Nguyễn Văn Phong ở phường Bần Yên Nhân (thị xã Mỹ Hào) còn trên 100 con gà phục vụ nhu cầu của người dân. Anh Phong cho biết: Vào khoảng tháng 2, tháng 3 hằng năm, gia đình tôi luôn chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng vào vụ nuôi mới. Hiện tại, gia đình tôi đã vệ sinh toàn bộ chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi. Ðối với gà giống, gia đình tôi đặt mua ở cơ sở uy tín, được tiêm phòng đầy đủ và sẽ được nuôi cách ly 2 tuần tại khu vực nuôi “úm” riêng trước khi thả vào chuồng nuôi chính. Thời điểm này, giá thức ăn chăn nuôi vẫn đang ở mức cao nên tôi vừa tăng đàn vừa theo dõi tình hình thị trường, hạn chế những rủi ro và nguy cơ thua lỗ.

Những ngày này, các hộ dân chăn nuôi lợn nhỏ lẻ trong tỉnh đang tập trung vệ sinh chuồng trại chuẩn bị cho sản xuất lứa mới. Theo anh Nguyễn Văn Hồng ở xã Ða Lộc (Ân Thi), hiện nay, giá lợn hơi ở mức 69 -71 nghìn đồng/kg, người chăn nuôi nhỏ lẻ có lãi trung bình khoảng 1,5 triệu đồng/con. Do đó, sau khi xuất bán 10 con lợn dịp tết, gia đình anh Hồng đã sớm đặt cọc mua lợn giống và dự kiến sẽ xây dựng thêm chuồng nuôi để phát triển đàn lợn, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như: Rau, củ, quả để chăn nuôi, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình. Ðối với các trang trại lợn chăn nuôi quy mô lớn, khép kín, thời điểm này đang tập trung chăm sóc đàn lợn con do chủ động được nguồn giống. Ông Vũ Xuân Thủy, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ chăn nuôi Sơn Thủy ở xã Hải Thắng (Tiên Lữ) cho biết: HTX thường xuyên duy trì đàn lợn trên 1 nghìn con. Do chủ động được con giống nên HTX linh hoạt việc xuất bán lợn thương phẩm và tái đàn thay thế lứa lợn vừa tiêu thụ. Do đó, khu vực chăn nuôi của HTX không bị trống chuồng và vận hành đều đặn ở bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Sau Tết, thời tiết diễn biến bất thường, không khí lạnh kèm theo nồm ẩm, nhiệt độ không khí cao… là nguyên nhân gây ra một số bệnh trên đàn vật nuôi như: Tụ huyết trùng, lở mồm long móng trên đàn gia súc, cúm gia cầm. Do đó, khi tái đàn, các hộ chăn nuôi trong tỉnh đã chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Bà Nguyễn Thị Xuân, hộ chăn nuôi ở xã Phú Thọ (Kim Ðộng) cho biết: Kinh tế của gia đình tôi phụ thuộc hoàn toàn vào hoạt động chăn nuôi nên việc bảo vệ gần 1 nghìn con lợn trước diễn biến bất thường của thời tiết luôn được quan tâm. Hiện nay, tôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột ở lối ra/vào trại nuôi; phun hóa chất khử trùng, tiêu độc 1 lần/tuần để loại bỏ nguy cơ gây bệnh tại các chuồng nuôi. Ðồng thời, bổ sung vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho đàn lợn. Hằng tháng, tôi yêu cầu người lao động làm việc trong trại rà soát, tiến hành tiêm vắc xin cho vật nuôi đến thời kỳ tiêm phòng để tăng khả năng miễn dịch của đàn lợn với một số loại bệnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi sẽ diễn ra từ ngày 6/3 đến 30/6. Công tác chuẩn bị vắc xin, vật tư đang được Chi cục Thú y đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng bệnh cho vật nuôi. Ðồng chí Hoàng Văn An, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y khuyến cáo: Thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ giữa ngày và đêm có sự chênh lệch lớn là điều kiện để các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm bùng phát. Do đó, cùng với việc tái đàn, phát triển chăn nuôi, người dân cần chủ động, tích cực theo dõi và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được hướng dẫn, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học. Ngoài ra, các địa phương cần chủ động giám sát dịch bệnh đối với đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là tại các khu vực đã từng xảy ra dịch, khu vực có nguy cơ cao; tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tác hại của dịch bệnh, tính chất nguy hiểm của các dịch bệnh… để nâng cao ý thức của người dân. Thời gian tới, chi cục phối hợp với các đơn vị chức năng trong tỉnh tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật và sản phẩm động vật nhằm bảo vệ hoạt động chăn nuôi trong tỉnh và an toàn thực phẩm.

Hoa Phương

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tai-dan-vat-nuoi-sau-tet-3179332.html
Zalo