Tái cơ cấu sản xuất theo hướng bền vững

'Huyện Thới Bình có nhiều triển vọng trong phát triển nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế như ASC, BAP, có lợi thế cạnh tranh để mở rộng diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế, đảm bảo tính ổn định lâu dài cho người dân sản xuất. Ðồng thời, gắn với bảo vệ môi trường sống ngày càng tốt hơn, bền vững hơn. Huyện xác định đây là hướng đi đúng và lâu dài', ông Huỳnh Quốc Hoàng, Bí thư Huyện ủy Thới Bình, khẳng định.

Những năm qua, huyện Thới Bình tích cực thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch và hữu cơ. Trọng tâm là xây dựng và phát triển diện tích nuôi tôm đạt các chứng nhận quốc tế. Ðến nay, huyện có 2.656,58 ha nuôi tôm đạt chuẩn quốc tế (cụ thể, xã Trí Lực đạt tiêu chuẩn ASC Group 987,58 ha; xã Trí Phải đạt tiêu chuẩn ASC Group 972,4 ha và xã Biển Bạch Ðông đạt tiêu chuẩn BAP 696,8 ha), góp phần khẳng định thương hiệu tôm Thới Bình trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời nâng tầm giá trị tôm Cà Mau, đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính như: EU, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ðến nay, toàn huyện Thới Bình có 2.656,58 ha nuôi tôm đạt chuẩn quốc tế.

Ðến nay, toàn huyện Thới Bình có 2.656,58 ha nuôi tôm đạt chuẩn quốc tế.

Lợi ích lớn nhất khi được cấp chứng nhận quốc tế ASC, BAP chính là giải quyết vấn đề nuôi tôm không bền vững cho các hộ nuôi quy mô nhỏ, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường, đảm bảo lợi ích xã hội, góp phần thay đổi thói quen sản xuất, cách suy nghĩ của người nuôi và doanh nghiệp về nuôi tôm bền vững.

Ông Huỳnh Quốc Hoàng nhận định: "Việc phát triển vùng nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế sẽ đảm bảo nguồn cung tôm nguyên liệu sạch, bền vững, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng theo tiêu chuẩn ASC, BAP, các hộ nuôi tôm an tâm về sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ðồng thời, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để quảng bá hình ảnh con tôm của tỉnh Cà Mau nói chung, huyện Thới Bình nói riêng ra thị trường, thế giới, nhất là những thị trường khó tính, tiêu chuẩn khắt khe".

Huyện Thới Bình có thế mạnh về phát triển mô hình lúa - tôm với trên 20.000 ha, chiếm hơn 50% diện tích lúa - tôm toàn tỉnh. Mô hình không chỉ tận dụng tài nguyên tự nhiên mà còn giúp cải thiện môi trường nước, giảm rủi ro dịch bệnh và nâng cao chất lượng tôm nuôi; thu hoạch xong vụ tôm, doanh nghiệp thu mua sẽ hỗ trợ thêm cho người dân 3.000 đồng/kg cho tổng sản lượng thu hoạch.

Ông Nguyễn Hoàng Bạo, Phó chủ tịch UBND huyện (thứ 3 từ trái sang), cùng đại diện ngành nông nghiệp địa phương khảo sát diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận ASC tại xã Trí Phải.

Ông Nguyễn Hoàng Bạo, Phó chủ tịch UBND huyện (thứ 3 từ trái sang), cùng đại diện ngành nông nghiệp địa phương khảo sát diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận ASC tại xã Trí Phải.

Theo ông Huỳnh Quốc Hoàng, thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ huyện Thới Bình lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết về sản xuất tôm, lúa sạch, lúa hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Theo chỉ tiêu của nghị quyết, giai đoạn 2021-2025, toàn huyện có từ 90% trở lên diện tích nuôi tôm quảng canh được sản xuất theo quy trình nuôi tôm sạch và trên 5.000 ha nuôi tôm theo quy trình hữu cơ/hướng hữu cơ, trong đó có 2.200 ha nuôi tôm đạt chứng nhận hữu cơ và 1.000 ha nuôi tôm đạt chứng nhận ASC.

Việc phát triển vùng nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế sẽ đảm bảo nguồn cung tôm nguyên liệu sạch, có sức cạnh tranh trên thị trường khó tính.

Việc phát triển vùng nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế sẽ đảm bảo nguồn cung tôm nguyên liệu sạch, có sức cạnh tranh trên thị trường khó tính.

Ðể đạt được những mục tiêu trên, địa phương đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó, đề cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển nuôi tôm sạch, bền vững. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của việc sản xuất tôm đạt chứng nhận quốc tế, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị sản phẩm.

Ðịa phương đã rà soát để hoàn thiện quy hoạch nuôi thủy sản gắn với quy hoạch phát triển nông nghiệp, thủy lợi. Tập trung mở rộng diện tích tôm sú được nuôi chủ yếu theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm - lúa... gắn với các tiêu chuẩn chất lượng như: tôm sinh thái, tôm hữu cơ, đạt chứng nhận quốc tế ASC, BAP…

Cùng với đó, tổ chức lại sản xuất, phát triển mạnh mẽ các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, nòng cốt là tổ hợp tác, hợp tác xã, gắn với doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra, để xây dựng vùng nuôi tôm tập trung (ưu tiên phát triển vùng nuôi tôm - lúa đạt chứng nhận quốc tế), cung ứng nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu.

Phát triển diện tích tôm đạt chứng nhận quốc tế luôn được người dân đồng thuận cao, thấy được lợi ích lâu dài.

Phát triển diện tích tôm đạt chứng nhận quốc tế luôn được người dân đồng thuận cao, thấy được lợi ích lâu dài.

Tiếp tục hợp tác với các viện, trường, tổ chức quốc tế trong việc ứng dụng các giải pháp, tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong nuôi thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng. Tranh thủ nguồn lực từ các tổ chức quốc tế để triển khai kế hoạch đạt hiệu quả, góp phần quảng bá thương hiệu, hình ảnh các mô hình tôm sạch, tôm sinh thái, tôm hữu cơ đạt chứng nhận quốc tế ra thị trường trong và ngoài nước.

“Với những giải pháp toàn diện và sự chỉ đạo quyết liệt, huyện Thới Bình đang tạo nền tảng vững chắc để đạt các mục tiêu sản xuất tôm sạch, tôm hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống người dân và đưa hình ảnh tôm Thới Bình vươn xa trên thị trường thế giới”, ông Huỳnh Quốc Hoàng tự tin chia sẻ.

Văn Ðum

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tai-co-cau-san-xuat-theo-huong-ben-vung-a37042.html
Zalo