Tài chính số - khi công nghệ hỗ trợ tăng trưởng
TS. Vũ Đức Lợi, Đại học Quốc gia Hà Nội
Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg vào ngày 22.1.2020 đã đạt được những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế nhờ những đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ tài chính hay còn được gọi là Fintech. Việt Nam có nhiều dư địa để cải thiện khả năng tiếp cận tài chính của nhóm thu nhập thấp, phụ nữ, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thông qua các nền tảng tài chính số.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, công nghệ số là chìa khóa để xóa bỏ rào cản về thu nhập, chi phí và khoảng cách địa lý, giúp người dân, kể cả những người nghèo, người thu nhập thấp, tiếp cận dịch vụ tài chính thuận lợi hơn. Việt Nam có quy mô thị trường lớn với gần 100 triệu dân, nếu không có giải pháp đột phá, không sử dụng công nghệ sẽ khó tăng tốc. Cần tập trung phát triển mạnh mẽ các công cụ tài chính số như: ví điện tử, thanh toán di động để giúp người dân dễ dàng thực hiện các giao dịch thanh toán hàng ngày, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn một cách nhanh chóng, tiện lợi và an toàn; cho vay ngang hàng (P2P lending) tạo kênh tiếp cận vốn mới cho các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là những người không đủ điều kiện tiếp cận tín dụng từ ngân hàng; bảo hiểm công nghệ (Insurtech)cung cấp các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của từng cá nhân và doanh nghiệp, với chi phí hợp lý và thủ tục đơn giản; tài chính cá nhân số hóa cung cấp các ứng dụng, nền tảng giúp người dân quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, theo dõi thu chi, lập kế hoạch tiết kiệm, đầu tư.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tài chính đặt ra vấn đề cần một khung pháp lý hoàn chỉnh.
Hiện nay, Nhà nước đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận vốn, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi, chính sách của Nhà nước, trong đó tài chính toàn diện không chỉ là tiếp cận vốn mà còn là xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này tiếp cận vốn thông qua các hoạt động thiết thực như: mở rộng kênh tiếp cận tín dụng nhờ đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm thiểu chi phí, tăng cường cho vay tín chấp; phát triển các quỹ bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như tư vấn quản lý tài chính, hỗ trợ tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nghiên cứu của Viện Chiến lược phát triển kinh tế số chỉ ra rằng, khung pháp lý là rào cản lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào dịch vụ tài chính. Do đó, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cho tất cả các tổ chức tham gia, thúc đẩy phát triển fintech. Cần tập trung vào: xây dựng khung pháp lý cho các hoạt động fintech theo hướng quy định rõ ràng, minh bạch về hoạt động của các fintech và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo; cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho fintech; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực fintech đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường.
Cộng đồng doanh nghiệp fintech tin tưởng với việc Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số và định hướng thành lập trung tâm tài chính khu vực và quốc tế ở hai thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp fintech hàng đầu sẽ là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của tài chính số.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các chương trình giáo dục tài chính toàn diện để nâng cao hiểu biết về tài chính cho người dân, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp là một trong những giải pháp quan trọng. Chính phủ có thể gia tăng giáo dục tài chính ngay từ nhà trường cho học sinh, sinh viên để các em sớm có nhận thức về tài chính, có kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân hiệu quả. Giáo dục tài chính cho người dân vùng sâu, vùng xa: Sử dụng các kênh truyền thông phù hợp để tiếp cận người dân vùng sâu, vùng xa, cung cấp kiến thức tài chính cơ bản, giúp họ tiếp cận các dịch vụ tài chính. Và tăng cường vai trò của truyền thông trong giáo dục tài chính: Phối hợp với các cơ quan truyền thông để phổ biến kiến thức tài chính, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của tài chính toàn diện.
Để đạt được mục tiêu phát triển tài chính số, cần có sự phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp từ các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan. Cụ thể Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, chính sách, thúc đẩy phát triển tài chính số, tăng cường giáo dục tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thúc đẩy mô hình hợp tác giữa ngân hàng, các công ty fintech cùng phát triển mạng lưới đại lý ngân hàng. Bộ Tài chính hoàn thiện chính sách tài khóa, hỗ trợ phát triển thị trường tài chính, tăng cường quản lý giám sát. Các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thuộc phạm vi quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển tài chính toàn diện.
Tài chính số sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao phúc lợi xã hội, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trong những năm tới.